46 triệu lao động Việt Nam có nguy cơ thất nghiệp vì Cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Tại tọa đàm với chủ đề "Việc làm, thị trường lao động Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế" mới đây, Thứ trưởng LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện
Thị trường lao động còn nhiều bất cập
Những điểm sáng nổi bật của thị trường lao động của Việt Nam thời gian qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Hiện số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 40% lao động xã hội, cơ bản đạt mục tiêu giảm lao động nông nghiệp xuống dưới 40% trong giai đoạn 2015-2020. Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%.
Năm 2017, cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam cũng ở mức thấp so với khu vực, trong đó tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị chỉ khoảng hơn 3%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng.
Theo thống kê, trong năm 2017, cả nước đưa hơn 130.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài, vừa mang về nước nguồn lực tài chính, vừa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc. Theo dự báo, từ nay đến năm 2025, lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,28%/năm. Lực lượng lao động xã hội sẽ tăng từ gần 55 triệu người năm 2017 lên 62 triệu người vào năm 2025.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, thị trường lao động, việc làm của Việt Nam cũng vẫn tồn tại những điểm hạn chế cần phải khắc phục. Đó là cơ cấu lao động của Việt Nam còn khá lạc hậu; về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý; vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật; khu vực làm công ăn lương phát triển chậm… Đặc biệt, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn rất cao. "Hàng quý, khi Bộ LĐ-TB-XH công bố bản tin cập nhật thị trường thì câu hỏi đầu tiên là tại sao số lao động có trình độ đại học, cao đẳng lại cao thế, bao giờ cũng khoảng hơn 200.000 người có trình độ từ đại học trở lên và khoảng 80.000 người có trình độ cao đẳng đang trong tình trạng tìm kiếm việc làm hoặc không có việc làm", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cho hay.
Nhiều sinh viên khi ra trường có việc làm nhưng lại làm trái ngành, nghề được đào tạo. "Ví dụ, các sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng lại chạy grab, uber; sinh viên dược ra trường đi tiếp thị thuốc… Tức là họ có việc làm nhưng chất lượng việc làm ra sao, có phù hợp hay không là câu hỏi cần chú ý thời gian tới", Thứ trưởng Diệp nói. Ông Doãn Mậu Diệp cũng lưu ý tình trạng doanh nghiệp tìm cách sa thải lao động từ 35, 40 tuổi vì nhiều lý do tiền công, tiền lương, năng suất lao động… đã xuất hiện thời gian qua. Đa số lao động bị sa thải hoặc mất việc đều muốn nhận bảo hiểm thất nghiệp một lần, chưa quan tâm đến việc học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm khác để có thể quay lại thị trường lao động. Nếu những hạn chế, bất cập nêu trên không sớm được khắc phục thì lực lượng lao động dồi dào chưa chắc đã tạo đà cho đất nước phát triển nhanh, bền vững, ngược lại, có thể trở thành gánh nặng cho chính sách an sinh xã hội.
Cần tổ chức tốt hơn việc dự báo thị trường
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng thất nghiệp ở sinh viên mới ra trường của nước ta là do chất lượng công tác dự báo thị trường việc làm chưa tốt. "Dự báo chưa tốt dẫn tới chúng ta vẫn tổ chức hướng nghiệp theo hướng chọn trường nào cho dễ đỗ chứ không phải là chọn trường nào để sau này có việc làm. Dự báo chưa ổn, hướng nghiệp cũng chưa tốt, chưa biết nhu cầu của thị trường dẫn tới cơ cấu đào tạo bất hợp lý…", ông Diệp nhận định.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, theo ông Diệp, vấn đề đầu tiên cần thực hiện là tổ chức tốt hơn việc dự báo thị trường, tổ chức tốt hơn việc hướng nghiệp. Bên cạnh đó, cũng phải thay đổi tâm lý bằng đại học nào cũng được vì có bằng đại học là cần thiết nhưng cần xác định rõ bằng cấp nào mới là bằng cần cho tương lai sau này. "Các gia đình có tâm lý thích con cái đỗ đại học nhưng có lẽ nên chọn bậc học thấp hơn nhưng phù hợp với nhu cầu của thị trường. Có nhiều người chỉ có bằng sơ cấp nghề nhưng lại có thu nhập cao hơn người có bằng đại học, cao đẳng", ông nói.
Cũng tại tọa đàm, Thứ trưởng Diệp cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với sự bùng nổ ứng dụng Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay đang đặt ra cho thị trường lao động Việt Nam nhiều thách thức như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động thấp. 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh…
End of content
Không có tin nào tiếp theo