5 sự kiện nổi bật của ngành Hải quan trong năm 2015
Trong năm 2015, ngành Hải quan Việt Nam đã trải qua nhiều sự kiện tiêu biểu, đánh dấu những mốc quan trọng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Dưới đây là 5 sự kiện tiêu biểu nhất của ngành Hải quan trong năm 2015:
1. Chính thức kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 3 Bộ và kết nối Cơ chế một cửa Asean với 4 nước
Ngày 8/9/2015, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn nút, công bố chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).
Theo đó, ngoài 6 Bộ đã kết nối các giai đoạn trước, từ thời điểm này NSW chính thức kết nối mở rộng thêm với 3 Bộ: Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cùng với 4 nước là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã kết nối kỹ thuật thành công trên ASW.
Để hiện thực hóa cam kết của Việt Nam trong khu vực cũng như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt để thực hiện NSW cũng như sớm kết nối ASW. Ban Chỉ đạo quốc gia về ASW và NSW do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng ban đã được thành lập để thay mặt Chính phủ điều hành, chỉ đạo các Bộ, ngành trong triển khai NSW và kết nối ASW.
Với vai trò Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thúc đẩy để triển khai NSW. Trong giai đoạn 1 (tháng 11-12/2014), đã kết nối các Bộ Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải. Giai đoạn 2 (6/2015), mở rộng kết nối với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế. Giai đoạn 3, có thêm 3 Bộ kết nối gồm: Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tính đến hết tháng 11/2015, đã có 31.157 hồ sơ, thực hiện 22 thủ tục trên Cổng NSW (chưa tính các thủ tục trong lĩnh vực của Bộ Tài chính).
Cho tới thời điểm hiện tại, trong 7 nước thành viên công bố đã triển khai NSW theo đúng cam kết (bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) thì Việt Nam và 4 nước là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan công bố đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho việc kết nối ASW vào cuối năm 2015 đầu 2016.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước ngoặt cho thực hiện cải cách hành chính, tiến tới Chính phủ điện tử của Việt Nam.
2. Chính thức hoạt động Trung tâm chỉ huy trực tuyến hải quan
Sau thời gian nỗ lực triển khai, ngày 17/8/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-BTC về việc thành lập Phòng Giám sát hải quan trực tuyến trực thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu. Sự ra đời của đơn vị giám sát hải quan trực tuyến là thành quả của một quá trình chuẩn bị và triển khai quyết liệt từ năm 2011 đến nay; phù hợp với đề án nâng cao năng lực cho lực lượng hải quan chuyên trách chống buôn lậu đến năm 2020, theo Quyết định số 212/QĐ-BTC ngày 09/04/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đây là đơn vị thực hiện việc kết nối, tích hợp từ các hệ thống công nghệ, thiết bị của ngành Hải quan, khai thác triệt để nguồn lực sẵn có để tăng cường năng lực, đáp ứng công tác cải cách hiện đại hóa, chuyên nghiệp và minh bạch ngày càng cao của quản lý hải quan hiện đại.
Hệ thống giám sát trực tuyến cũng góp phần nâng cao công tác kiểm tra bảo vệ nội bộ cũng như tinh thần trách nhiệm của công chức Hải quan trong thực hiện các quy trình nghiệp vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực nhũng nhiễu của cán bộ công chức. Việc đầu tư mạnh mẽ cũng như triệt để ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tại Phòng Giám sát hải quan trực tuyến được kỳ vọng là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp lực lượng kiểm soát hải quan chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy mới đưa vào hoạt động, Hệ thống giám sát hải quan trực tuyến đã giúp cho Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và lực lượng điều tra chống buôn lậu hải quan phát hiện và triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trong năm 2015.
3. Khai trương địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại Hải Phòng
Ngày 17/11/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Mục tiêu của Đề án là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận tiện; giảm chi phí cho doanh nghiệp; giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đến năm 2020 còn dưới 05 ngày đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Đề án cũng nhằm mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; tạo hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng; đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Triển khai Quyết định số 2026/QĐ-TTg trên đây, ngày 01/12/2015, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tổ chức khai trương địa điểm kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực III cảng Hải Phòng.
Việc sắp xếp, bố trí địa điểm cho 2 đơn vị là Viện Kiểm nghiệm vệ sinh ATTP quốc gia và Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng I tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực III đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện hoạt động KTCN (tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc đưa hàng hóa, hồ sơ từ cửa khẩu đến cơ quan/ đơn vị kiểm tra chuyên ngành).
Cục Hải quan TP Hải Phòng đã ký Quy chế phối hợp với 04 đơn vị KTCN thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I và Cơ quan thú y vùng II), Bộ Y tế (Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia) và Bộ Khoa học và Công nghệ (Quatest 1).
Đây là 4 đơn vị thực hiện việc KTCN cho trên 80% số lượng hàng hóa thuộc đối tượng KTCN xuất nhập khẩu qua khu vực Hải phòng. Theo báo cáo của Cục Hải quan TP Hải Phòng việc các đơn vị KTCN có mặt làm việc tại cửa khẩu rút ngắn 30% thời gian chờ đợi làm thủ tục (so với trước đây thời gian lấy mẫu và ra kết quả thông báo chất lượng lô hàng trung bình từ 10-15 ngày, nay còn trung bình 07-10 ngày).
Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị: Cục Hải quan TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cục Hải quan các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh chủ động, phối hợp với các đơn vị kiểm tra chuyên ngành trên địa bàn và các đơn vị có liên quan nghiên cứu bố trí, sắp xếp địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung trên địa bàn từ tháng 01/2016 theo đúng lộ trình và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7910/VPCP-KTTH, Quyết định số 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
4. Phát hiện và triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu lớn
Năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa và ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Qua đó, đã phát hiện và triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu lớn.
Điển hình: Chuyên án UPS-155 đấu tranh, phát hiện và bắt giữ đối tượng trong đường dây buôn bán, vận chuyển các chất ma tuý từ Nam Mỹ về Việt Nam; Ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã qua biên giới; Phát hiện, bắt giữ 208 công-ten-nơ hàng cấm, trị giá hơn 100 tỷ đồng.
5. Kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quan Việt Nam
Ngày 14/7/2015, Tổng cục Hải quan đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành (10/9/1945-10/9/2015) và Hội nghị điển hình tiên tiến lần thứ V. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Trải qua 70 năm trưởng thành và phát triển, Hải quan Việt Nam đã thu được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, đầu tư và phát triển kinh tế đất nước, góp phần tích cực vào việc cải cách và hiện đại hóa hoạt động hải quan; phòng chống tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường thực thi pháp luật bình đẳng; tạo thuận lợi cho DN XNK; xây dựng lực lượng ngày càng chính quy, hiện đại… góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.
Với mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, thể chế chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, thuận lợi, đạt chuẩn mực quốc tế, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm thực thi quản lý hiệu quả đối với hàng hóa XNK, phương tiện xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, hội nhập quốc tế, thực hiện có hiệu quả Tuyên ngôn phục vụ khách hàng.
Với những thành tích đạt được trong 5 năm vừa qua, Tổng cục Hải quan đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, nhiều tập thể, cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý. Ngoài ra, Đảng bộ Tổng cục Hải quan còn được Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương trao tặng Cờ thi đua, ghi nhận những thành thích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2010- 2015.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới