Thị trường

500 triệu USD nhập hạt giống: Không đủ trình thì nhập ngoại

Tất cả những loại giống nông sản hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu đều là do chúng ta không làm nổi.

 TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khẳng định như vậy.

Chưa "sờ" được gene đừng nói về giống!
 
Theo thống kê mới đây của Cục Trồng trọt, chỉ riêng tiền nhập giống rau mỗi năm Việt Nam tiêu mất hơn 500 triệu USD. Đó là chưa kể đến các loại cây trồng khác.
 
Mỗi năm Việt Nam trồng 1 triệu ha ngô lai, trong đó giống của các công ty trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40%, còn lại 60% là thị phần của các công ty nước ngoài.
 
TS Lê Hưng Quốc
 
Theo TS Lê Hưng Quốc, ngay cả các giống ngô lai của Việt Nam cũng không thể dẫn đầu vì đã bị các tập đoàn nước ngoài chiếm lĩnh. Điển hình là các giống ngô năng suất cao đã thuộc về Syngenta, giống chuyển gene thuộc về Monsanto, Pioneer. Ngoài ra, các giống ngô thực phẩm Việt Nam cũng đều phải nhập khẩu.
 
"Đấy là loại nông sản tương đối mạnh của Việt Nam và có hẳn một Viện Nghiên cứu Ngô to đùng. Tuy nhiên, đến nay các công ty nước ngoài vẫn đang dẫn đầu về năng suất, chất lượng và chủng loại. Mỗi năm Việt Nam mất 50 triệu USD để nhập giống ngô từ các công ty này. Tương tự, Việt Nam cũng nhập tới 80% giống lúa lai với 70 triệu USD tiền giống mỗi năm. Chúng ta hoàn toàn chưa có khả năng để tạo ra các tổ hợp bố mẹ. Việt Nam nhập khẩu giống lúa lai, ngô lai bố mẹ, duy trì được một vài năm rồi bị thoái hóa và lại phải nhập tiếp", ông Quốc cho biết.
 
Nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng chỉ rõ, về giống lúa lai, ngô lai, Việt Nam đã đi sau thế giới hàng thập kỷ. Cụ thể, Trung Quốc đã làm lúa lai từ những năm 70 của thế kỷ trước, trong khi Việt Nam mới chỉ áp dụng vào những năm 2000 trở lại đây. Lâu hơn, ngô lai đã được thế giới làm ra từ những năm 1930, còn Việt Nam mới chỉ làm được khoảng 20 năm. Giống chuyển gen thế giới làm cách đây gần 30 năm, nay Việt Nam mới thử nghiệm.
 
Đối với hạt giống rau, quả và hoa, TS Lê Hưng Quốc khẳng định Việt Nam chưa thể làm được.
 
"Việt Nam chưa làm được giống rau chất lượng cao (bắp cải, su hào, súp lơ, xà lách, cà rốt...). Chúng ta chỉ có vài giống rau củ với rau muống chẳng đáng nói làm gì. Với hoa, tôi không nói đến hoa cúng mùng một, mười rằm mà là hoa chất lượng cao, phải đầu tư chất xám. Tất cả Việt Nam đều phải nhập. Hoa ở Đà Lạt do Hà Lan đưa giống, công nghệ sang. Tôi từng vào Hasfarm Đà Đạt, họ hỏi mua hoa tươi bao nhiêu ngày. Nửa tháng cũng có, 20 ngày cũng có... Còn hoa Việt Nam cùng lắm chỉ để được dăm ba ngày là héo".
 
"Phải vài chục năm nữa Việt Nam mới có thể có được những giống như của thế giới. Một cây lúa có 4 vạn gene, Việt Nam chưa "sờ" được một cái gene nào. Nếu chưa "sờ" được gene thì đừng nói về giống", ông Quốc thẳng thắn.
 
Không làm được thì để doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào
 
TS Lê Hưng Quốc chính là người viết nên chương trình giống quốc gia vào năm 2000 và được ông Nguyễn Công Tạn, khi ấy là Phó thủ tướng ký duyệt. Đây là chương trình được Chính phủ cho phép thực hiện tới 20 năm với rất nhiều tiền đổ vào.
 
Việt Nam là thị trường béo bở của các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa
 
Theo ông Quốc, riêng giai đoạn 2000-2005, chương trình được rót 25.000 tỷ đồng, trong đó địa phương 15.000 tỷ đồng, Trung ương 10.000 tỷ đồng (một nửa của ngân sách nhà nước, một nửa do doanh nghiệp đóng góp). Giai đoạn 2006-2010, vốn rót cho chương trình là 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, chương trình này đã nghiên cứu thành công nhiều giống lúa lai, ngô lai, keo lai, lợn lai và bò lai. Tuy nhiên, sau đó thì hiệu quả kém dần.
 
"Trình độ nghiên cứu của ta còn thấp, mới dừng lại ở khoa học mô tả chứ chưa làm được khoa học phân tử, vậy nên hàng năm cứ phải nhập khẩu hạt giống. Để nghiên cứu ra những giống cao cấp, các tập đoàn nước ngoài phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng, chứ vài chục tỷ đồng thì chỉ làm được những giống thường thường bậc trung mà thôi", ông Quốc lý giải.
 
Không đủ trình độ để làm ra giống, vậy nên nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, việc nhập khẩu là tất yếu.
 
"Nhiều người cứ lo sợ Việt Nam phụ thuộc. Theo tôi, tư duy lệ thuộc, độc quyền hay tư duy tự chủ đã lỗi thời rồi, chỉ dành cho thời bao cấp. Bây giờ thế giới phụ thuộc lẫn nhau hết. Huống chi khi Việt Nam vào WTO thì chẳng có cách gì để ngăn cản doanh nghiệp nước ngoài vào.
 
Về giống chúng ta có cái gì mà cứ đòi tự chủ? Doanh nghiệp nước ngoài đã đi trước nghiên cứu hàng chục năm, họ có tiền và thừa hiểu bỏ tiền vào đâu, làm ra cái gì chứ không phải vơ bèo gạt tép. Không quốc gia nào thể tự túc hết toàn bộ. Nông nghiệp Việt Nam mới chỉ làm được một vài sản phẩm giá rẻ. Cái gì Việt Nam làm giỏi thì hãy tập trung làm cái đó, còn cái gì chưa làm được thì nhập cho nhanh.
 
Vậy nên hãy cứ mở cửa, hãy trải thảm mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào. Trách nhiệm của các nhà quản lý là tăng cường nội lực, đào tạo nguồn nhân lực bằng cách cử đi học hoặc mời nước ngoài vào dạy để sử dụng trí tuệ thế giới đã đi trước mấy chục năm. Tại sao chúng ta lại từ chối cái có lợi cho mình?", ông Lê Hưng Quốc thẳng thắn.
 
Ông chỉ rõ: "Chẳng hạn, một kg giống ngô lai của doanh nghiệp nước ngoài bán 100.000 đồng, Việt Nam chỉ bán 50.000 đồng nhưng nông dân sẽ mua ngay của nước ngoài bởi giống nước ngoài cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi Việt Nam chỉ cho năng suất 20 tấn/ha. Người nông dân là những nhà kinh tế đại tài, họ ắt tính toán ra cái gì năng suất cao hơn, sạch bệnh, ít phải phun thuốc trừ sâu, xuất khẩu bán giá cao, ăn ngon. Cho nên mua cái gì, bán cái gì là do thị trường quyết định chứ không phải ý chí của chúng ta quyết định được".
 
Cũng bởi vậy nên thông tin một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình (Pan Pacific) mới đây đã mua 4,63 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương, trở thành đơn vị nắm quyền điều hành một doanh nghiệp lớn về sản xuất, thương mại giống cây trồng của Việt Nam, theo nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt là một động thái tốt, cho thấy chúng ta đang đi theo cơ chế thị trường. 
Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo