6 giải pháp dinh dưỡng cho trẻ dậy thì
GiadinhNet - BS Thanh Hà, Viện Dinh dưỡng Quốc gia sẽ tư vấn cho bạn “những chất không thể bỏ qua” trong giai đoạn quan trọng này.
1. Ăn nhiều đạm hơn người lớn
Theo BS Thanh Hà, trẻ dậy thì phát triển cơ bắp nên lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành. Chất đạm chiếm 14 – 15% tổng số năng lượng trong khẩu phần ăn, tương đương với 70 – 80gr/ ngày. Lượng đạm lấy từ thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng sữa… Trong đó, đạm động vật là tốt nhất vì thức ăn nguồn gốc động vật chứa nhiều sắt – có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu. Ngoài ra, trẻ ở lứa tuổi này có nhiều hoạt động tiếp xúc với ngoại cảnh và môi trường sống nên cũng cần chất đạm để tham gia vào hệ miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng.
2. Bổ sung 1.000- 1.200mg canxi
Canxi rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì, nếu được cung cấp đủ sẽ giúp xương chắc khỏe, độ đậm xương đạt mức tối đa giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao, phòng được bệnh loãng xương mai sau. Mỗi ngày trẻ cần 1.000 – 1.200mg canxi. Canxi có nhiều trong sữa, cả sữa bò và sữa đậu nành, các loại thủy sản, xương cá (nên kho nhừ cá để có thể ăn cả xương). Nên uống 400 – 500ml sữa/ ngày.
3. Bé gái cần nhiều chất sắt hơn bé trai
Bé gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn bé trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bé trai chỉ cần 12 – 18 mg sắt/ ngày thì bé gái cần tới 20 mg. Thiếu sắt trẻ sẽ bị thiếu máu gây ra các triệu chứng mệt mỏi, hay quên, buồn ngủ, da xanh… Chất sắt có nhiều trong thịt, phủ tạng động vật: Gan, tim, bầu dục…; lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh có nhiều vitamin C.
4. Chất béo
Chất béo cũng rất cần thiết cho trẻ. Dầu, mỡ không chỉ giúp trẻ ăn ngon miệng mà còn là nguồn cung cấp năng lượng tốt, giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K. Ở giai đoạn này cần cả chất béo no có trong thức ăn chứa nhiều đạm động vật và chất béo không no trong dầu ăn, cá. Nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật khoảng 40 – 50gr/ngày.
5. Ăn nhiều cơm và khoai, củ
Chất cung cấp năng lượng chính cho cơ thể chiếm 60 – 70% năng lượng có trong gạo, bột mì và sản phẩm chế biến, khoai, củ… Bạn nên cho trẻ ăn những loại bột đường thô để cung cấp chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và phòng chống béo phì.
6. Các vitamin
Đây là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; chậm phát triển chiều cao. Khi thiếu vitamin C, quá trình tổng hợp collagen gặp trở ngại, làm giảm quá trình hình thành tế bào ở các thành mạch, mô liên kết, xương, răng, giảm sức đề kháng.
Ngoài ra, bạn cũng nên nhắc trẻ uống nước, khoảng 1,5 – 2 lít nước/ ngày, vì nước cần thiết cho mọi hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
Ngoài chế độ ăn uống, vận động tập thể dục thể thao là rất quan trọng, vì đây là giai đoạn cuối cùng để trẻ tăng tốc chiều cao. Sau khi dậy thì trẻ sẽ cao rất chậm, thậm chí không tăng chiều cao nữa. Các môn thể thao giúp trẻ tăng chiều cao như bơi, chạy, đạp xe, đánh cầu lông…Trẻ tăng chiều cao tốt cũng là cách để ngăn thừa cân béo phì, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa về sau.
Minh Thúy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam