Tin tức - Sự kiện

8.000 tỷ đồng tinh giản biên chế: Bài toán có quá khó?

Nói đến đội ngũ công chức không làm được việc, người ta nghĩ ngay đến những thành phần mà bấy lâu nay vẫn thường quen gọi là “con ông cháu cha”. Giả sử điều này đúng thì các cơ quan công quyền có dám dũng cảm loại bỏ? Hay vì nể nang mà phải khoanh vùng, né tránh, rồi lại đưa những thành phần không thuộc diện “con ông cháu cha” để “tế thần”?...

Việc tinh giản biên chế được cho là rất khó và rất nhạy cảm, đối mặt với nhiều rào cản trong công tác cán bộ. (Ảnh minh họa)

Bộ Nội vụ vừa hoàn tất dự thảo nghị định về việc tinh giản 100.000 biên chế và triển khai lấy ý kiến các bộ ngành cùng nhân dân. Dự thảo này vừa đưa ra đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Theo dự thảo về chính sách tinh giản biên chế Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến bộ ngành, lộ trình 6 năm tới (2014 - 2020) sẽ cần 8.000 tỷ đồng để tinh giản khoảng 100.000 biên chế, trong đó 80% là giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.

Bộ này cũng dự kiến kinh phí bình quân 1 người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, 1 người thôi việc là 90 triệu đồng. Do vậy, tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giảm biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong 6 năm hết khoảng 8.000 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế được lấy từ ngân sách nhà nước, kinh phí thường xuyên của đơn vị sự nghiệp, Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước theo quy định của pháp luật.

Tiêu chí xếp loại công chức cũng được ban soạn thảo đưa ra khá cụ thể theo nhiều cấp độ. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Như việc loại bỏ công chức sẽ phải tiến hành thế nào đây? Liệu phần thừa sẽ được cắt bỏ theo đúng nghĩa, hay người ta lại cắt vào "phần da", "phần thịt" của cái “cơ thể” kia?

Nói đến đội ngũ công chức không làm được việc, người ta nghĩ ngay đến những thành phần mà bấy lâu nay vẫn thường quen gọi là “con ông cháu cha”. Giả sử điều này đúng thì các cơ quan công quyền có dám dũng cảm loại bỏ? Hay vì nể nang mà phải khoanh vùng, né tránh, rồi lại đưa những thành phần không thuộc diện “con ông cháu cha” để “tế thần”?...

Còn nữa, 8.000 tỷ đồng ngân sách cũng là tiền của nhân dân. Liệu sau khi cắt giảm một số lượng lớn như vậy, bộ máy công chức có bớt cồng kềnh không, hay các tổ chức, đơn vị lại cắt một, tuyển thêm một, thêm hai?...

Bình luận về câu chuyện này trên Kienthuc, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng 8.000 tỷ đồng là cái giá chấp nhận được. Bởi theo ông: "Nếu để 100.000 người cần phải tinh giản này mà tiếp tục làm việc trong cơ quan nhà nước thì nó còn tiêu tốn nhiều hơn do ta phải trả lương cho họ, rồi thì nền hành chính, công vụ tiếp tục yếu kém... Khi ấy, cái giá phải trả còn đắt hơn nhiều".

Cũng theo ông Dũng, việc tinh giản biên chế rất khó và rất nhạy cảm, đối mặt với nhiều rào cản trong công tác cán bộ. Bởi nó đụng tới vấn đề công ăn việc làm. Thứ hai, nó đụng chạm đến lợi ích của người ta, vì vào công chức tiền lương thấp mà người ta vẫn đổ xô vào thì rõ ràng nó có lợi gì ở đó đấy chứ. Thứ ba là, có những rào cản như tình trạng nể nang do thân quen, không muốn đụng chạm trong quan hệ đồng nghiệp, bảo vệ nhau trong cùng nhóm lợi ích...; trong khi tiêu chí đánh giá cán bộ lại rất khó định lượng và thiếu cơ chế giám sát đánh giá để đảm bảo đánh giá đúng thực chất cán bộ.

Đưa ra ý kiến của mình trên Tienphong, TS Hà Quang Ngọc, Phó chánh Văn phòng (Bộ Nội vụ) nhận định sẽ khó tinh giản nếu đánh giá cán bộ không thay đổi. Thời gian qua, việc đánh giá cán bộ, công chức chưa bám vào kết quả cụ thể thực hiện công việc. Các tiêu chí đánh giá còn mang nặng sự định tính nên đánh giá dễ chung chung, bình quân, ai cũng tốt như nhau.

Mọi người thường cho rằng, có đánh giá hằng năm hay không cũng như thế; một số người tỏ thái độ bất cần với vấn đề này, dẫn đến không chú trọng kết quả công tác mà quan tâm việc lôi kéo, tạo mối quan hệ thân quen với cấp trên.

Để công tác tinh giản biên chế thực sự hiệu quả, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi trao đổi với Infonet nói rằng: Các cơ quan tổ chức khi thực hiện việc tinh giản cán bộ, viên chức phải thực hiện một cách khách quan và công khai cho toàn thể cán bộ, viên chức trong cơ quan biết, góp ý xem người đó được bao nhiêu ý kiến đồng ý cho nghỉ việc. Còn nếu nể nang, né tránh hay lợi dụng để tiêu cực thì sẽ rất khó để triển khai.

"Tinh giản biên chế phải đặt trong tổng thể của cải cách hành chính. Chúng ta phải xây dựng nền công vụ hiện đại, mạnh, hiệu quả và hiệu lực, gắn với chính sách tiền lương cho công chức trả theo đúng vị trí việc làm, chức danh tiêu chuẩn rõ ràng. Phải đảm bảo bố trí cán bộ, công chức đúng với chức năng, tiêu chuẩn chức danh của vị trí việc làm để nếu vào đó rồi, anh không làm được thì anh bị bật ra ngay. Mình hiện nay mới đang dần đi theo hướng này. Rồi thì ngay từ khâu tuyển chọn cán bộ cũng phải làm cho kỹ, cho tốt, tránh kiểu thi theo hình thức hay chọn người dù thiếu năng lực nhưng vì chỗ thân quen hoặc chạy chọt nên phải lấy vào... Nói chung, phải đồng bộ nhiều khâu mới được", TS Nguyễn Hữu Dũng nói.

Các chuyên gia cho rằng, muốn tinh giản biên chế thực chất thì cần nhanh chóng xây dựng hệ thống phương pháp đánh giá mới về công chức.
 

Đoàn Huế (Tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo