8 người tử vong khi chạy thận: Chưa có kết luận điều tra
Theo đó, khi nào kết thúc quá trình điều tra, có kết luận thì Công an tỉnh Hòa Bình sẽ thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí, Đại tá Phạm Văn Sử cho biết trên báo Công an Nhân dân.
Hiện nay, Công an tỉnh Hòa Bình vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an điều tra, làm rõ những sai phạm của tập thể, cá nhân liên quan nếu có để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Những thông tin mà các báo nêu phản ánh chưa đầy đủ về quá trình điều tra ban đầu của lực lượng Công an.
Ngày 29/5, 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, sau đó đã có 8 bệnh nhân tử vong, 10 bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên, tiếp tục điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã trực tiếp nghe và chỉ đạo vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Công an tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các Cục nghiệp vụ gồm Cục Cảnh sát Hình sự, Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện Khoa học Hình sự và các đơn vị chức năng Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra vụ án.
Ngày 30/5, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án theo điều 242 Bộ Luật Hình quy định về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Liên quan đến vụ án 8 người chết trong quá trình chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố bị can 3 đối tượng gồm: Bùi Mạnh Quốc, 31 tuổi, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh; Trần Văn Sơn, 27 tuổi, ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình và Hoàng Công Lương, 31 tuổi, ở xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Liên quan đến vụ tai biến chạy thận tại Hoà Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai cho biết, để lọc rửa hệ thống màng lọc RO cần dùng nước riêng của nhà sản xuất máy. Với sục rửa đường nước trong chạy thận, hiện thế giới chỉ dùng 3 hoá chất: Formandehyt, javen và peracetic acid, theo tin tức trên báo Vietnamnet.
"Flo là chất cấm kỵ trong y học, trong y văn chưa bao giờ dùng chất này để lọc rửa các máy chạy thận. Trước tai biến ở Hoà Bình, thế giới mới ghi nhận 2 ca ngộ độc flo trong y tế tại Mỹ”, TS Dũng thông tin.
ThS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cung cấp thêm, flo là hoá chất cực độc, dùng làm chất tẩy rửa trong công nghiệp, tuyệt đối không dùng trong y tế. “Việc có flo xuất hiện với nồng độ cao trong mẫu nước là do được đưa vào từ quá trình xử lý nước chứ không phải tự nhiên”, BS Nguyên nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo