Tin tức - Sự kiện

9 nữ doanh nhân ở quốc gia nam giới làm chủ

Bất chấp bất bình đẳng giới và bạo hành gia đình, những phụ nữ này đã vươn lên bằng con đường kinh doanh, thậm chí còn thuê người chồng vũ phu làm nhân viên.

 1. Người phụ nữ làm nên thương hiệu giày trị giá hàng triệu USD tại châu Phi

 

Phải tới gần đây, Ethiopia mới thực thi pháp luật bình đẳng giới, nhưng Bethlehem Tilahun Alemu đã chiến đấu cho sự bình đẳng này trong 9 năm qua và xây dựng thành công doanh nghiệp giầy trị giá hàng triệu đô la. Alemu, 33 tuổi, khát khao đẩy lùi nạn nghèo đói ở châu Phi từ gốc rễ.

 

 

Sau khi lấy bằng cử nhân đại học, Alemu khởi nghiệp với một cửa hàng dép tại khu đất của bà ngoại tại Addis Ababa. Với thôi thúc cháy bỏng phát triển cộng đồng và tôn vinh các nghệ nhân châu Phi, Alemu đã tạo nên thương hiệu giày soleRebels trị giá hàng triệu đô trên khắp lục địa đen và đang tiến ra thị trường thế giới. Theo trang web của soleRebels, công ty dự kiến sẽ có hơn 600 nhân viên vào năm 2015.

2. Nữ doanh nhân với công ty tư vấn phát triển kinh doanh tại Afghanistan

Ở Afghanistan, nơi phụ nữ không được ra ngoài một mình và chỉ 18% phụ nữ có việc làm phi nông nghiệp thì Kamila Sidiqi đã sở hữu một công ty trang phục ngay khi phong trào Taliban đang diễn ra. Sidiqui sống tại thủ đô Kabul, Afghanistan. Khi Taliban còn đang ở đỉnh cao quyền lực, cha và anh trai phải rời bỏ cô để đi chăm sóc cho những đứa em, Sidiqi đã bắt đầu may bán trang phục cho các thương gia địa phương và sau này thuê những phụ nữ trong vùng làm việc.

 

Năm 2004, Sidiqi thành lập Công ty Dịch vụ Phát triển Kinh doanh Kaweyan, chuyên tư vấn và đào tạo người trưởng thành khởi nghiệp. Theo tờ Christian Science Monitor, Sidiqi đã tìm ra con đường vượt qua sự phân biệt giới tính: “Tôi nói với họ rằng tôi đến với họ như một người em, người con để chia sẻ kinh nghiệm của chính mình”.

3. Nữ doanh nhân Uganda thành công với các công ty nhỏ

Sinh ra ở Uganda, một trong những nước nghèo nhất thế giới, Mary Ogwang đã đem lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình bằng cách mở nhiều công ty nhỏ. Mary Ogwang sống trong một gia đình 12 người tại ngôi nhà kim loại có duy nhất một phòng.

 

Cô tham gia tổ chức phi lợi nhuận BeadsforLife và mua một chiếc máy khâu từ tất cả số tiền dành dụm được để may và bán áo len trẻ em. Từ đó, Ogwang dùng tiền kiếm được để mua căn nhà lớn hơn cho gia đình và một tấm pin mặt trời để bắt đầu  dự án kinh doanh nhỏ thứ hai, cung cấp năng lượng cho điện thoại di động.

4. Nữ doanh nhân khai sinh nền điện ảnh Zambia

Ở Zambia, nơi ngành công nghiệp phim đang còn chập chững đi những bước đầu tiên, Musola Catherine Kaseketi đã tạo được việc làm cho những người đam mê ngành nghệ thuật thứ bảy. Kaseketi, 46 tuổi, là nữ đạo diễn phim đầu tiên của Zambia. Cô bắt đầu viết kịch khi còn ở quê hương Solwezi, sau đó thi vào Đại học Điện ảnh Truyền hình Nam Phi và tốt nghiệp đầu lớp. Sau nhiều năm hoạt động trong các dự án khác nhau, năm 2002, cô thành lập Trung tâm sản xuất hình ảnh Vilole, chuyên đào tạo các biên kịch viên, đạo diễn và nhà sản xuất phim tương lai đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp phim vốn chưa từng xuất hiện ở Zambia. Bộ phim truyện đầu tay của cô, Suwi (2010), đã được trao giải thưởng quốc tế. Nhờ tác phẩm này, cô được ghi nhận là người khai sinh ra nền phim ảnh Zambia.

 

5. Nữ doanh nhân Afghanistan – một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới

Tại Afghanistan,  nơi chỉ có 1 trong 20 nữ sinh học qua lớp 6, Roya Mahboob đã sử dụng công nghệ thông tin để giúp đỡ phụ nữ trong nước. Mahboob, 26 tuổi, cùng 2 người bạn cùng lớp ở trường Đại học Herat sáng lập Công ty Phần mềm Citadel Afghan (ACS) nhằm phục vụ cộng đồng dân cư ở thành phố Herat, Afghanistan. ACS chuyên cung cấp dịch vụ Internet cho các trường học, bệnh viện và cơ quan chính phủ.

 

Thành tựu nổi bật của công ty là xây dựng 8 phòng thí nghiệm máy tính ở các trường học tại Herat và tạo ra phần mềm Hệ thống giáo dục Examer. Năm 2013, cô được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất của trong thế giới. Mahboob chia sẻ với tạp chí Daily Beast: “Bạn biết đấy, ở Afghanistan, mọi người vẫn cho rằng phụ nữ chúng tôi chỉ nên ở nhà và không nên điều hành kinh doanh. Nhưng tôi không đồng ý với quan điểm này”.

6. Nữ doanh nhân phục hưng ngành du lịch tại Antigua và Barbuda

Ở Antigua và Barbuda, khi ngành du lịch đang suy giảm thì “nữ anh hùng” Ruth Spencer xuất hiện và làm hồi sinh ngành công nghiệp này. Spencer thành lập khu tổ hợp căn hộ và dịch vụ du lịch cho du khách Ruth’s Place tại thủ đô St. John của Antigua và Barbuda vào năm 2009. Khu tổ hợp này hoạt động hoàn toàn dựa vào năng lượng mặt trời. Với cam kết phát triển bền vững, Spencer được coi là một trong những nữ doanh nhân vùng Caribbe chủ chốt trên con đường phục hưng ngành du lịch địa phương. Năm 2012, bà trở thành Điều phối viên quốc gia của Chương trình tài trợ nhỏ cho Quỹ Môi trường toàn cầu (dự án Barbados của Liên Hợp Quốc).

 

 

7. Mona Tavassoli, người kết nối các bà mẹ doanh nhân ở Trung Đông

Mona Tavassoli là nữ doanh nhân nổi bật nhất của Trung Đông, người đang kết nối các bà mẹ kinh doanh. Năm 2012, Tavassoli thành lập trang web MomSouq, một  thị trường trực tuyến và phân loại dành cho các bậc cha mẹ ở Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Cuối năm 2013, Tavassoli cho ra mắt trang web thứ hai có tên Những bà mẹ doanh nhân Trung Đông để kết nối những phụ nữ đang phải cân bằng giữa thiên chức làm mẹ và công việc kinh doanh. Trang web có các cột tư vấn, diễn đàn và trang sự kiện để liên kết các bà mẹ doanh nhân này. Tavassoli còn hy vọng hướng tới thị trường toàn cầu: “Chúng tôi muốn thấy các nữ doanh nhân ở mọi lứa tuổi trên thế giới cùng liên kết để xây dựng quan hệ hợp tác, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhau”.

 

8. Nữ doanh nhân thuê người chồng vũ phu làm nhân viên

Ở Pakistan, nơi 90% phụ nữ đang là nạn nhân của bạo lực gia đình, Saima Muhammad đã bắt đầu kinh doanh để thoát khỏi tệ nạn này đồng thời nhận được sự tôn trọng từ người chồng của mình. Sống tại  Lahore, Pakistan, Saima Muhammed, một nạn nhân của nghèo đói và bạo lực gia đình, đã quyết định làm điều gì đó để thay đổi tình hình. Muhammed đăng ký một khoản vay trị giá 65 đô la Mỹ từ một tổ chức cho vay nhỏ dành riêng cho phụ nữ có tên Kashf Foundation và dùng số tiền đó để mua vật tư sản xuất hàng thêu rồi đem bán trên thị trường địa phương.

Sau đó, cô đầu tư xoay vòng, dùng lợi nhuận có được để mua them nhiều vật tư, dần dần tạo nên nguồn lợi nhuận ổn định. Từ đó, một công ty gồm 30 nhân viên đã ra đời. Từ hai bàn tay trắng, cô đã kéo chính mình ra khỏi đói nghèo và cuối cùng còn thuê chính người chồng từng vũ phu làm nhân viên cho công ty.

9. Nữ doanh nhân thành lập ngân hàng cho phụ nữ nông thôn đầu tiên tại Ấn Độ

Tại Ấn Độ, chỉ khoảng 20-30% phụ nữ nông thôn có việc làm. 38 tuổi, Vanita Pise bắt đầu bán sữa trâu để tăng thêm thu nhập cho gia đình vốn dựa vào trang trại gà đang ngày càng thu hẹp. Sau khi trả xong khoản nợ 10.000 rupee (tương đương khoảng 165 đô la Mỹ), Pise đã bỏ công việc đồng áng quen thuộc để chuyển sang sản xuất cốc và đĩa dùng một lần. Hiện cô là chủ tịch hội đồng quản trị tại ngân hàng đầu tiên dành cho phụ nữ nông thôn tại Ấn Độ và thuê những phụ nữ khác trong làng vào ban quản trị ngân hàng. Trả lời tạp chí Wall Street Journal, Pise chia sẻ: “Tôi nói với các chị em phụ nữ khác rằng hãy nhìn tôi – một doanh nhân không hề có tấm bằng danh giá. Nếu tôi có thể điều hành một doanh nghiệp thành công thì họ cũng có thể”.

 

Theo Khám phá /Huffington Post
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo