ADB sẽ cho Việt Nam vay 1 tỷ USD năm 2016
Chiều 17/6, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam tổ chức họp báo nhân kết thúc chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao từ ngày 15-17/6.
Tại buổi họp báo, Chủ tịch ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, dù có nguy cơ tăng yếu hơn do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tiếp diễn.
Ông Takehiko Nakao đánh giá kinh tế Việt Nam đang ổn định hơn so với thời gian trước với các chỉ số tốt về lạm phát và tăng trưởng. Nhưng lãnh đạo ADB cũng lưu ý các yếu tố rủi ro liên quan đến bội chi ngân sách và tăng trưởng tín dụng nóng ở một số lĩnh vực.
Ông Nakao cũng khuyến nghị Việt Nam cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu công. Đáng chú ý, lãnh đạo ADB cũng khẳng định, ADB có thể mua cổ phần của ngân hàng có nợ xấu.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác tiềm ẩn rủi ro là: Khả năng dự trữ ngoại hối của Việt Nam liệu có được cải thiện không, khả năng ứng phó với những biến động về tỉ giá. Đặc biệt, các yếu tố bên ngoài như nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến ngành tiêu dùng và dịch vụ của Việt Nam, nếu tiêu dùng nội địa không đủ mạnh.
Chủ tịch ADB cho rằng, Việt Nam vẫn cần giữ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giáo dục, dạy nghề, giáo dục đại học, điều này sẽ tạo ra nền tảng để tăng trưởng dài hạn. Vấn đề ở chỗ, Việt Nam cần tăng thu nội địa để có nguồn vốn, đồng thời phải cải thiện hiệu quả của các dự án đầu tư.
Về tình hình cho vay với Việt Nam, Chủ tịch ADB tái khẳng định rằng ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ thông qua các khoản cho vay trị giá khoảng 1 tỷ USD, mỗi năm cùng lúc ADB đang xây dựng Chiến lược Đối tác quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu trọng tâm của chiến lược này là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020) của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển.
Ông Nakao phát biểu: “Vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt quan trọng là cải cách các doanh nghiệp nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước, nâng cao quản trị doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả tài chính. Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế, và nâng cao hiệu quả chi tiêu công”.
Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP), phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ. Việc cho vay các doanh nghiệp tư nhân và khoản vay này không tính vào trần nợ của Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển