Thị trường

Ai bảo vệ người dân?

Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các thương hiệu vàng khác chuyển đổi sang vàng miếng SJC chỉ tốn phí 50.000 đồng/lượng. Tuy nhiên khi doanh nghiệp mua lại vàng miếng của chính mình, người dân bị “trừ” 3,4 triệu đồng/lượng.

Tồn tại nghịch lý này là do muốn chuyển đổi sang vàng miếng SJC, người dân phải thông qua các công ty vàng hoặc ngân hàng chứ không thể trực tiếp mang đến Công ty SJC để đổi.

Mất đứt 3,4 triệu đồng/lượng

Chị Thanh (Hà Nội) cho biết tích cóp được hai lượng vàng Rồng Thăng Long. Trước đây giá vàng miếng thương hiệu này xấp xỉ vàng miếng SJC, tuy nhiên từ cuối năm ngoái giá mua vàng Rồng Thăng Long cứ trượt dần. "Tôi cố giữ đến khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các thương hiệu vàng khác được chuyển đổi thành vàng miếng SJC hi vọng giá mua được cải thiện, ai ngờ..." - chị Thanh nói.

Theo bảng giá niêm yết chiều 29/10, giá mua vàng miếng Rồng Thăng Long niêm yết tại Công ty vàng Bảo Tín Minh Châu ở mức 42,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn 3,43 triệu đồng/lượng so với giá mua vàng miếng SJC ở cùng thời điểm và cũng là thương hiệu vàng miếng có giá mua thấp nhất. Đến giao dịch tại cửa hàng chị Thanh đã đặt câu hỏi vì sao trước đây giá bán thương hiệu Rồng Thăng Long ngang ngửa vàng SJC mà nay giá mua quá cách biệt như trên, nhân viên ở đây trả lời rằng sau khi SJC được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia, không riêng Rồng Thăng Long mà các thương hiệu vàng khác đều có sự cách biệt nhất định với giá vàng SJC.

 

 

Ảnh minh họa.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều thương hiệu vàng miếng khác như AAA, SBJ... Chị Vân (Quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) cho biết cuối tuần qua chị cầm 1 lượng vàng thương hiệu SBJ đến bán tại Ngân hàng Sacombank. Nhân viên tại đây thông báo giá mua chỉ 45,23 triệu đồng/lượng, thấp hơn gần 1 triệu đồng/lượng so với giá mua vàng SJC cùng thời điểm. "Phí chuyển đổi sang vàng miếng SJC chỉ có 50.000 đồng/lượng, trong khi ngân hàng để chênh lệch gần 1 triệu đồng, gấp 20 lần mức phí chuyển đổi. Biết là bất hợp lý nhưng chúng tôi không còn chọn lựa nào khác là bán lại cho ngân hàng vì các tiệm vàng khác không mua loại vàng nào khác ngoài SJC" - chị Vân bức xúc

Ai bảo vệ người dân?

Tổng giám đốc một công ty vàng tại quận 1, TP.Hồ Chí Minh giải thích sở dĩ sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển đổi sang vàng miếng SJC mà các thương hiệu vàng khác vẫn "mua rẻ" của người dân vài triệu đồng/lượng là vì trước đây họ đã mua vàng của người dân cất trong kho chờ Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển đổi. Chi phí lãi vay, rủi ro do biến động giá và các chi phí vô hình khác được các đơn vị kinh doanh tính vào chi phí và trừ vào giá mua vàng của người dân.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng các công ty vàng phải có trách nhiệm với thương hiệu vàng của mình. "Đương nhiên trong thời gian chờ đợi Ngân hàng Nhà nước cho phép chuyển đổi sang vàng miếng SJC, người kinh doanh bị thiệt hại vì phải chịu chi phí do lãi suất, rủi ro nhưng chi phí này không nhiều so với mức lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu được khi chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Ở đây cần đặt vấn đề phạm trù đạo đức của người kinh doanh ở đâu khi chỉ lo thu lợi cho chính mình mà không quan tâm đến quyền lợi của khách hàng" - ông Long nói.

Thực tế hai tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã bốn lần cấp hạn mức chuyển đổi vàng miếng cho các công ty vàng, ngân hàng. Tuy nhiên việc bao nhiêu đơn vị được cấp phép, số lượng từng đơn vị bao nhiêu thì Ngân hàng Nhà nước không công bố. Chính sự không rõ ràng này đang đặt ra nhiều dấu hỏi trong việc gia công vàng.

Trao đổi với PV, một chuyên gia cũng nghi vấn khả năng nhiều đơn vị xin hạn mức chuyển đổi số lượng vàng rất lớn từ Ngân hàng Nhà nước nhưng trong kho không có số lượng vàng tương ứng. Lợi dụng việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 3-4 triệu đồng/lượng, nhiều đơn vị đã tranh thủ dập vàng sau đó đem sang Công ty SJC gia công hưởng chênh lệch.

 

Ông Lê Hùng Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty SJC):

Họ đã "ăn cắp"

Vì sao các doanh nghiệp vàng và ngân hàng mua lại vàng do chính họ bán ra với giá thấp hơn so với vàng SJC, trong khi phí chuyển đổi ra vàng SJC chỉ có 50.000 đồng/lượng? Trao đổi với PV, ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty SJC - nói:

- Có thể nói đây là bất cập của chính sách mà cơ quan quản lý chưa lường trước. Một doanh nghiệp không phải là SJC nhưng có quota chuyển đổi sang vàng SJC lại hưởng chênh lệch lớn. Chúng tôi cũng thấy sự bất hợp lý này nhưng cũng chịu vì SJC cũng chỉ là đơn vị gia công. Hơn nữa, SJC cũng không có quyền từ chối gia công vì việc gia công đấy được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

* Số lượng vàng thương hiệu khác được các doanh nghiệp đăng ký chuyển đổi lên tới 13 tấn, liệu có tình trạng doanh nghiệp đăng ký nhiều hơn số lượng thực sau đó mua vào để chuyển đổi, hưởng chênh lệch?

- Cái này tôi không biết và cũng không bình luận. Tuy nhiên, tôi nghĩ trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải kiểm tra kỹ số lượng, niêm phong số vàng đã đăng ký để ngăn chặn việc khai khống.

* Dư luận lo ngại rằng thay vì mua vàng của dân, doanh nghiệp sử dụng vàng lậu để sản xuất vàng thương hiệu của mình rồi mang đến SJC để chuyển đổi?

- Đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Bởi trước khi cấp quota chuyển đổi, Ngân hàng Nhà nước đã chốt số lượng vàng của từng doanh nghiệp. Có lẽ Ngân hàng Nhà nước cũng đã niêm phong và kiểm soát máy móc của các doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ là đơn vị gia công, không có thẩm quyền và khả năng để nắm được thông tin.

* Các doanh nghiệp cho rằng tốc độ chuyển đổi ra vàng SJC bị chậm, trong khi doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay khi ôm vàng là lý do có sự chênh lệch này?

- Đó chỉ là cách nói, chứ bản thân những doanh nghiệp này đã bỏ túi khoản chênh lệch khá lớn do mua thấp, bán cao. Còn tốc độ dập ra vàng miếng SJC bị chậm là do chất lượng vàng của nhiều thương hiệu rất kém. Theo kết quả kiểm tra gần 53.000 lượng ban đầu có đến 9,04% không đạt, trong đó cá biệt có doanh nghiệp vàng không đủ tuổi chiếm đến 55,71%. Việc kiểm tra từng miếng (khoảng 1.500-1.800 miếng/ngày) khiến tốc độ dập bị chậm, chưa đến 2.000 lượng/ngày, trong khi công suất của SJC lên đến 80.000 lượng/ngày.

* Như vậy, ngoài việc hưởng chênh lệch, việc ép giá mua vàng thương hiệu của mình còn do chất lượng vàng mà các doanh nghiệp này bán ra không đạt?

- Thực tế là trước khi vàng SJC được chọn làm thương hiệu vàng quốc gia, hầu hết doanh nghiệp khác cũng đều đem vàng đến cho chúng tôi gia công. Nếu vàng họ sản xuất ra chất lượng tốt, cần gì phải đem đến SJC để gia công, trong khi SJC cũng là đối thủ cạnh tranh. Nói tóm lại, tôi cho rằng hoặc là nhân viên sản xuất của các doanh nghiệp pha đồng hoặc bạc để rút bớt vàng khi sản xuất hoặc chính các doanh nghiệp đã "ăn cắp" của người tiêu dùng bằng việc sản xuất những loại vàng kém chất lượng.

* Theo ông, có giải pháp nào để thúc đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số vàng khác đã đăng ký sang vàng SJC?

- Đã có một số doanh nghiệp đề nghị cho tạm xuất tái nhập. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tạm xuất toàn bộ lô hàng của họ theo đúng quy trình để bán cho đơn vị nước ngoài. Sau đó doanh nghiệp mua lại vàng nguyên liệu nước ngoài đủ chuẩn với số lượng tương đương. Nếu áp dụng giải pháp này, chỉ cần một tuần là có thể chuyển đổi xong...

* Hiện giá vàng SJC vẫn cao hơn vàng thế giới từ 2-3 triệu đồng/lượng, vì sao thưa ông?

- Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 17/10, số vàng được SJC dập chuyển đổi được 116.692 lượng, tương đương hơn 4,5 tấn. Tuy nhiên, số vàng này có ra thị trường hay không thì tôi chịu. Còn giá vàng SJC vẫn cao hơn thế giới 2-3 triệu đồng/lượng là có nhiều lý do. Trước đây các ngân hàng đã huy động vàng và chuyển đổi ra tiền để cho vay, hiện nay đến hạn tất toán phải mua vào. Với biến động giá trị trên thị trường, các doanh nghiệp lại mua số lượng lớn đã đẩy giá SJC chênh lệch với giá vàng thế giới.


Thái Hà (Theo TTO)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo