Ai thu lợi khi “giết” chợ truyền thống?
Trong khi hàng chục chợ truyền thống sau khi “bị” đầu tư nâng cấp thành trung tâm thương mại (TTTM) hóa ế ẩm hoang phế, người ta vẫn tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ. TP.HCM vừa phải đình hoãn dự án nâng cấp chợ Tân Bình, thì mới đây hàng trăm tiểu thương chợ Thành Công (Hà Nội) lại kêu cứu, phản đối.
Hầu hết các dự án này đều xác định đối tượng, mục tiêu hàng đầu của việc biến chợ thành TTTM là nhằm phục vụ tiểu thương, phục vụ hoạt động kinh doanh, nhưng hệ quả cho thấy hoàn toàn ngược lại, người bị ảnh hưởng trước nhất, nặng nề nhất là tiểu thương.
Hàng loạt TTTM chết yểu, bỏ hoang
Đã có đầy rẫy những mô hình TTTM chuyển đổi “chết yểu”, sau khi "lột xác" thành các TTTM khang trang, sạch đẹp, những địa điểm “vàng” về kinh doanh buôn bán bỗng vắng như chùa bà Đanh, tiểu thương "bỏ chợ chạy lấy người".
Chợ Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) sau khi thành “hoành tráng”, chỉ có 62 hộ kinh doanh chủ yếu hàng hoa quả, vàng mã, trầu cau trên diện tích 1.300m2 quy mô 7 tầng nổi, 2 tầng hầm, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Sau một thời gian kinh doanh vắng khách, các hộ này lần lượt bán lại chỗ cho chủ đầu tư.
Chợ Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) vốn là khu chợ truyền thống sầm uất, được xây dựng lại với 7 tầng nổi, một tầng hầm trên diện tích 520m2, nay hầu như không còn dấu tích chợ. Mặt tiền đã bị choán hết bởi biển hiệu của một quán kinh doanh karaoke, các diện tích khác trong tòa nhà là nơi tập thể dục thẩm mỹ, thuê văn phòng… 100 hộ dân kinh doanh cũ dạt ra bán hàng ở lòng lề đường các ngõ, phố lân cận.
TTTM Thanh Trì xây dựng trên diện tích "khủng" nhất của các TTTM cùng thời, lên đến 7.906m2. Công trình 7 tầng nổi, nhưng bên trong buồn hiu hắt. Trong tổng số 268 hợp đồng mua ki ốt, chỉ có khoảng một nửa hộ kinh doanh, mà số đó cũng không đến mở cửa thường xuyên, buổi có buổi không. Cả một dãy ki ốt dài tầng một kín mít những biển cho thuê, sang nhượng. Chợ rau xanh và thực phẩm tươi sống ở tầng hầm tối om, ẩm mốc, vắng vẻ. Tầng 3 và tầng 4 từ lâu cho thuê làm lớp học, còn cả nghìn mét vuông các tầng khác hiện vẫn bỏ trống.
Theo thống kê của Sở Công thương Hà Nội, chợ Hàng Da hiện có khoảng 200/636 hộ, chợ Cửa Nam có 62/62 hộ, chợ Ô Chợ Dừa có 100/100 hộ kinh doanh đã nghỉ hoặc sang nhượng địa điểm kinh doanh.
Tại TP.HCM cũng có tình trạng tương tự. Chợ Tân Phú (Quận 9) quy mô gần 4000m2, sau khi hoàn công, chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi nằm phơi sương. Chợ Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) có quy mô 200 sạp, từ khi đưa vào sử dụng chưa lúc nào có hơn 50% số sạp hoạt động. Lầu hai của chợ bị bỏ hoang, không sử dụng.
Chỉ có nhà đầu tư thu lợi
Khách hàng, người tiêu dùng không mua sắm ở TTTM vì ngại bị phiền toái, thiệt đơn thiệt kép. Thứ nhất, chi phí quầy sạp ở TTTM cao hơn, tiểu thương buộc phải đưa vào giá sản phẩm, nên giá cả hàng hóa ở đây chắc chắn phải cao hơn chợ truyền thống. Đã vậy muốn vào TTTM phải gửi xe, leo lầu, tay xách nách mang hoàn toàn bất tiện, hiếm ai thích vừa bị mua đắt, vừa bị phiền hà.
Khách chấp nhận mức phiền hà thấp hơn là đi xa hơn đến chợ truyền thống khác, hoặc chịu khó chen lấn để mua hàng ở các quán cóc, chợ tạm lề đường, chấp nhận làm khổ nhau, mất trật tự giao thông, an toàn xã hội. Sự lựa chọn này là quy luật, không thể lấy ý thức, trách nhiệm để giáo dục,cũng không thể lấy quyền lực hành chính nhà nước để cưỡng chế.
Tiểu thương không mua bán được, chắc hẳn nhà nước cũng thất thu nguồn thuế đáng kể, hơn thế nữa còn phải phát sinh thêm chi phí quản lý, giải tỏa các bến cóc chợ tạm luôn phát sinh bên cạnh các TTTM như một quy luật tất yếu. Và như vậy, mục tiêu thứ hai của các dự án này đưa ra cũng hoàn toàn có hậu quả trái ngược. TTTM không góp phần tăng thêm trật tự mỹ quan đô thị, mà chính nó là nguyên nhân tạo ra những chợ cóc liền kề.
Vậy thì ai có lợi trong việc đầu tư xây dựng các TTTM, vì sao chính quyền lại hồ hởi ủng hộ cấp phép cho các dự án này? Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, việc xây dựng các TTTM thường được giao cho các nhà đầu tư tư nhân, vì mong muốn nhanh chóng hoàn vốn nên nhà đầu tư nâng giá thuê sạp lên rất cao, nhiều tiểu thương không đáp ứng được.
Với lý lẽ là tạo bộ mặt khang trang đô thị, nhà đầu tư đã xây càng nhiều tầng lầu càng tốt để tăng diện tích sử dụng, thu lợi nhuận tối đa, mà bất chấp nhu cầu thói quen mua bán của dân. Việc buôn bán trên lầu bất tiện, việc ế ẩm, là việc của người mua, kẻ bán.
Nhà đầu tư tha hồ thu vốn, lãi qua tiền cho thuê sạp, tiền thế chân và bao nhiêu thứ phí phát sinh khác. Xây một TTTM đắt tiền, bất tiện cho người dùng để thu lợi cho mình, rõ là ở đây nhà đầu tư đã hình thành lợi ích ngược lại với lợi ích công cộng, với tiểu thương. Nhưng bằng các quan hệ bôi trơn, bằng các danh nghĩa phục vụ nhu cầu, phục vụ đô thị hóa - hiện đại hóa, họ đã được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương.
Theo PLTPHCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo