Thị trường

Ấn Độ điều tra chống bán phá giá gỗ tấm MDF từ Việt Nam

(DNVN) - Bộ Thương mại và công nghiệp Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Việt Nam và Indonesia, mã HS 4411.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa nhận được thông tin Tổng vụ Chống bán phá giá và chống trợ cấp (DGAD) thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Indonesia và Việt Nam.
Ngày khởi xướng bắt đầu từ 07/5/2015, loại sản phẩm bị điều tra là gỗ tấm MDF có mã HS 4411 với giai đoạn điều tra từ ngày 01/10/2013 đến 30/9/2014 (giai đoạn xem thiệt hại từ 01/4/2011 - 30/9/2013). Nguyên đơn là Công ty Greenply Industries Ltd và Công ty Mangalam Timber Products Ltd.
Thời gian để trả lời các bản câu hỏi là 40 ngày (kể từ ngày ban hành thông báo, ngày 19/5/2015). Trong trường hợp không nhận được phản hồi/bản trả lời trong thời gian nêu trên, cơ quan điều tra sẽ dựa trên các dữ kiện có sẵn để đưa ra kết luận về vụ việc.
Theo số liệu sơ bộ từ Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ tấm MDF của Việt Nam sang Ấn Độ năm 2014 đạt khoảng 28.800 tấn (trị giá khoảng 13 triệu USD) - xếp thứ 2 trong các quốc gia xuất khẩu sang Ấn Độ.

Ấn Độ điều tra chống bán phá giá gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Việt Nam
Ấn Độ điều tra chống bán phá giá gỗ tấm MDF nhập khẩu từ Việt Nam

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị khởi xướng điều tra về chống bán phá giá đối với ngành gỗ xuất khẩu trong nước. 
Trước đó, Theo Cục quản lý canh tranh (Bộ Công thương), gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, có mã HS: 4412.10; 4412.31; 4412.32 và 4412.39 đã bị Tổng vụ Nhập khẩu (Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ) điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Việc khởi xướng điều tra này được Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng vào ngày 27/5/2015 đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam và Bulgaria vào thị trường này từ năm 2010 đến nay. 
Trong thông báo khởi xướng, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sơ bộ xác định rằng kể từ năm 2010, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể, theo đó lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ năm 2010 trở về trước chỉ đạt 3.250m3, nhưng trong năm 2013 đã tăng lên 10.052m3 và năm 2014 là 24.065m3. Lượng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng từ 2% trong năm 2010 lên 8% trong năm 2014 (đứng thứ 4 sau Nga, Ukraine và Brasil). 
Căn cứ những diễn biến, dữ liệu thực tế nêu trên, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định khởi xướng điều tra vụ việc để xem xét liệu có khả năng tồn tại việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gỗ dán hay không.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo