An Giang: Giải pháp bền vững hơn trong tạm trữ lúa gạo
(vov) Sau 1 tháng triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo, tại An Giang các doanh nghiệp đã thu mua được 109.000 tấn, đạt tỷ lệ 84% kế hoạch. Điều đáng phấn khởi là hiện nay giá lúa gạo đã nhích lên có lợi cho người nông dân. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chỉ tiêu thu mua không đạt kế hoạch đề ra. Chính vì vậy, theo chủ trương của tỉnh An Giang, thời gian tới cần có những giải pháp bền vững hơn trong tạm trữ để sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ngày càng phát triển ổn định.
Phóng viên đã phỏng vấn Giám đốc Sở Công thương An Giang, bà Mai Thị Ánh Tuyết nhằm làm rõ vấn đề này.
** Thưa bà, công tác thu mua tạm trữ lúa gạo qua 1 tháng thực hiện ở tỉnh An Giang đã đạt ở mức nào?
Thực hiện chủ trương thu mua lúa gạo tạm trữ, An Giang được phân bổ 130.000 tấn cho 11 doanh nghiệp. Ngoài ra còn có 16 doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng thu mua với chỉ tiêu trên 100.000 tấn.
Qua đợt thu mua, đã có những chuyển biến tích cực. Khi doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua, giá cũng tăng hơn đầu vụ 800 đồng/kg. Do đó người nông dân rất phấn khởi.
Tính đến cuối tháng 7, các doanh nghiệp đã thu mua được 109.000 tấn, đạt tỷ lệ 84% kế hoạch.
** Mới đây Bộ NN và PTNT đã đề nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian thu mua tạm trữ lúa gạo. Vậy theo bà, việc nới rộng thời gian thu mua sẽ mang lại lợi ích gì cho người nông dân?
Hiện lúa trong dân còn khoảng 20-30%. Tuy vậy, áp lực không phải do tồn trữ trong dân mà từ phía doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa xuất hết lượng lúa đã thu mua từ vụ đông xuân vừa qua.
Vì vậy, vấn đề hiện nay là đẩy mạnh xúc tiến để tác động đầu ra cho các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có đầu ra họ sẽ tiếp tục thu mua. Đây mới là động thái có yếu tố quyết định để tiêu thụ lúa trong dân.
** Về lâu dài, việc thu mua tạm trữ đối với tỉnh An Giang nên thực hiện theo phương án nào, thưa bà?
Theo tôi, Nhà nước nên có một chiến lược phát triển theo hướng bền vững. Đó là thực hiện mô hình cánh đồng lớn gắn chuỗi liên kết đến khâu tiêu thụ.
Từ đó các doanh nghiệp sẽ xác định được thị trường; xác định được chất lượng của hàng hóa và ký kết các hợp đồng một cách ổn định.
Đến một thời điểm, Nhà nước sẽ thực hiện các kho tạm trữ lúa gạo chủ động. Áp lực của nhà nước lúc đó sẽ nhẹ đi rất nhiều.
Tôi nghĩ phải có sự vận dụng phù hợp giữa 2 loại hình: vừa là mô hình cánh đồng lớn và đồng thời là tạm trữ nhưng ở mức độ Nhà nước đảm đương được và chủ động tạm trữ một cách hiện quả.
** Vâng, xin cảm ơn bà.
Thanh Tùng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024