Ẩn họa trong thuốc uống "làm béo"
Chi, nhân viên văn phòng ở Ba Đình (Hà Nội), luôn tự ti với thân hình cò hương. Cô đã mất nhiều cơ hội công việc chỉ vì thân hình gầy gò. Gia đình người yêu cũng chê Chi thiếu sức sống, sợ sau này khó đẻ. Muốn tăng cân, nghe chị bạn ở công ty mách, cô tìm đến một thầy lang trên phố cổ để mua thuốc tăng cân. Cô đã mua một bịch thuốc bột, một gói thuốc viên màu đỏ và vài viên con nhộng, với lời dặn "sau 3 ngày uống có bất thường gì thì gọi điện báo, nếu không cứ uống hết thuốc trong 20 ngày, chắc chắn lên cân".
Sau khi uống hai ngày, Chi thấy luôn buồn ngủ, thèm ăn. Và đúng như lời thầy lang nói, sau khi uống 20 hôm, Chi đã tăng được 2 kg. Sau đó, cô tiếp tục uống thêm hai đợt nữa thì thấy mặt tròn đầy, nhưng người luôn uể oải, thèm ngủ. Người quen lâu ngày không gặp bảo trông cô như bị phù. Dù vui mừng vì đã đạt cân nặng 46 kg như mong muốn nhưng Chi đành ngưng dùng thuốc "vì thấy sợ sợ".
"Giờ thì lại chán ăn và đang sút cân rồi. Nhưng cũng không dám uống thuốc nữa", cô gái 24 tuổi than thở.
Có biệt danh "mắm" vì chưa bao giờ qua nổi mốc 42 kg dù cao 1,64 m, Trinh (Giải Phóng, Hà Nội) đã thử qua nhiều cách từ uống sữa cao năng lượng tới đồ tẩm bổ bằng yến sào, ăn đêm... nhưng tình hình chưa cải thiện. Gần đây, mẹ Trinh nghe người mách có thầy lang giỏi nên tìm tới bốc thuốc cho cô uống để tăng cân. "Vì đang mong mập ra, hơn nữa thuốc mẹ mua về là thuốc bắc dạng hoàn (viên) nên mình không ngại uống lắm, dùng luôn", Trinh cho biết.
Uống thuốc vài hôm, Trinh thấy háo ăn hơn hẳn và cực kỳ buồn ngủ. Sau chục ngày dùng tiếp thì chân cô bị phù và tê nhưng không nghĩ tình trạng này liên quan đến thuốc nên vẫn uống thêm. Nửa tháng sau, Trinh bị viêm gan cấp, phải nhập viện điều trị gần 2 tháng mới ổn. Các bác sĩ khẳng định trong thuốc bắc cô uống có trộn tân dược, gây nhiều tác dụng phụ.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm dị ứng miễn dịch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa số thuốc được quảng cáo là giúp tăng cân nhanh đều có corticoid. Thuốc này sẽ làm cơ thể giữ nước, muối, kích thích ăn nhiều và làm người dùng béo lên nhanh. Tuy nhiên, dùng lâu rất hại vì corticorid có nhiều tác dụng phụ, có thể làm loét dạ dày, tá tràng, loãng xương, gây hội chứng Cushing. Khi uống thuốc có corticoid vào giúp tăng cân nhưng khi ngừng uống thì sẽ lại giảm cân do tác dụng của corticoid hết ngay khi cắt thuốc.
"Biểu hiện dễ nhận thấy nhất sau khi dùng thuốc là tăng cân nhanh chóng, cơ thể lừ đừ mệt mỏi, thèm ngủ, ăn nhiều... Người dùng nên thận trọng với các loại thuốc này. Nếu sử dụng thấy có biểu hiện trên nên ngừng ngay", bác sĩ khuyến cáo.
Lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội đông y Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, rất nhiều người, cả nam và nữ, tìm tới thầy thuốc nhờ bốc thuốc để béo. Thực tế, trong đông y không có loại thuốc nào được gọi là "thuốc tăng cân", nhưng có các vị giúp bổ khí, huyết, thanh nhiệt... giúp người gầy ăn ngủ ngon, cải thiện thể trạng gầy.
Theo ông, người gầy thường do âm hư nội nhiệt hoặc can huyết nhiệt (nóng trong). Một số do ăn kém, ngủ ít, ngủ không sâu... nên cơ thể không thể béo lên dù thử nhiều cách. Đây thường là những người làm việc trí óc, hay thức khuya, có nếp ăn ngủ không khoa học khiến tâm can uất kết, tây y gọi là suy nhược cơ thể, thậm chí sinh ra bệnh dạ dày, khí hư huyết trệ, hay suy nghĩ, bồn chồn.
Lương y Đức cho biết, nhiều người nói cắt thuốc bắc để béo thực chất là uống các vị thuốc mát, bổ. Các vị này không gây hại nhưng không phải dùng được và có hiệu quả với tất cả mọi người. Trong các bài thuốc bổ lại có nhiều vị, chữa nhiều triệu chứng khác nhau. Có bài thuốc để chữa âm hư nội thiệt, có bài lại chữa can huyết nhiệt...
"Hai người gầy như nhau, mạch lý, triệu chứng khác nhau, thân nhiệt khác... không thể chung một bài thuốc, một loại thuốc. Vì thế, người muốn tăng cân hiệu quả phải được khám kỹ, xác định nguyên nhân gầy gò, tình trạng bệnh (nếu có), từ đó thầy thuốc mới bốc thuốc, gia giảm từng vị cho phù hợp. Ngay cả khi đã khám rồi, nếu uống thấy không cải thiện tình trạng, người bệnh vẫn cần gặp thầy thuốc để xem nguyên nhân và điều chỉnh", lương y cho biết.
Theo ông, việc uống thuốc cần kết hợp với chế độ sinh hoạt, tập luyện thể dục phù hợp, thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý.
Lương y Phó Hữu Đức cho biết, những trường hợp uống thuốc xong tăng cân nhưng lại kèm cảm giác mệt mỏi thì chắc chắn dùng thuốc không phù hợp và rất có thể đó là thuốc được trộn tân dược. Uống thuốc bắc để bổ khí huyết, thanh nhiệt... không có các triệu chứng như mệt mỏi, buồn ngủ, giữ nước. Việc tăng cân quá nhanh cần phải cảnh giác. Thuốc bắc giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe, nên dần dần giúp khí huyết lưu thông, cải thiện tiêu hóa, giấc ngủ, tâm an nên chỉ tăng cân từ từ.
"Khi muốn cải thiện sức khỏe, tăng cân lành mạnh cần đến địa chỉ thầy thuốc uy tín để khám trực tiếp và dùng thuốc, chớ nghe lời mách hoặc dùng đơn thuốc của người khác, đặc biệt là các loại thuốc không rõ xuất xứ vì có thể mang họa vào thân", ông Đức khuyến cáo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất