Ăn ngủ 'cùng mai Tết'
Trời tờ mờ sáng, ông Tám đã vội thức dậy gắn máy bơm phun nước, bón phân cho vườn mai hơn 400 chậu để giữ ẩm phòng mai nở sớm, xong xuôi ông lại bón phân, tỉa cành, tạo dáng cho mai. Những ngày cuối năm này những người trồng mai tết phải túc trực ngày đêm, thậm chí mất ăn mất ngủ nếu nhìn thấy mai có biểu hiện bệnh hay nụ lớn.
Thà bỏ vợ, bỏ nhà chứ không bỏ mai
Đến với khu vực phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM hỏi thăm vườn mai nhà ông Tám thì ai cũng biết mặc dù khu vườn của ông nằm sâu tít trong con hẻm nhỏ dọc bờ kênh bên cạnh khúc sông Sài Gòn. Tên thật của ông là Phạm Tấn Lợi (62 tuổi) nhưng người dân ở đây thường gọi ông là ông Tám bởi cái tính hay nói và sự thân thiện, nhiệt tình của ông đối với những người xung quanh. Gặp bất cứ ai cho dù khách lạ hay khách quen ông cũng vui vẻ đón tiếp. Ngồi nghe ông nói chuyện với ông luôn đem lại sự thân thiện và vui vẻ cho người khác.
Khu vườn của ông rộng hơn 1.200m2 với hơn 400 chậu mai các loại, ngoài ra còn các loại hoa, cây cảnh khác xen lẫn vào đó là một ít bầu bí, rau đắng... Với gần 40 năm kinh nghiệm trồng mai, khi được hỏi chuyện ông say sưa kể về những kỉ niệm, những lúc gặp khó khăn như muốn bỏ nghề rồi lại không nỡ vì tình yêu đối với những cây mai. Ông Tám kể về cái duyên đến với cây mai, thời ông còn trẻ thấy người ta chơi mai nên tò mò ông cũng mua một vài cây nho nhỏ về trồng. Mỗi ngày nhìn cây mai lớn lên rồi chăm chút uốn cành tạo dáng cho cây dần dần ông sinh mê lúc nào không hay. “Nhiều lúc mệt mỏi muốn bỏ nghề nhưng gắn bó với cây mai hàng chục năm rồi giờ ăn cũng nghĩ đến mai, ngủ cũng không yên vì mai nên không thể bỏ dược”, ông Tám nói.
Vườn mai ngày càng được tăng lên khi ông có ít kinh nghiệm và bắt đầu tìm tòi học hỏi để vào nghề, mất cả chục năm một cây mai con mới có tán, gốc đẹp. Sau này, do thời gian để một cây mai con trưởng thành, gốc to, dáng đẹp tốn quá nhiều thời gian nên ông đi tìm mua các gốc mai đã lớn nhưng giống xấu về cấy ghép với các loại mai quý để rút ngắn thời gian và tăng thêm vẻ đẹp cho cây mai. Tuy nhiên, để ghép được một cây mai đẹp như ý thì cũng không phải đơn giản, có khi mất cả chục cây mới được một cây. “Để có những cây mai đẹp phải mất hàng năm trời ghép cành, tạo dáng”, ông Tám nói.
Công việc chăm sóc mai kéo dài cả năm, ngày nào cũng phải chăm sóc, tỉa cành, tạo dáng nhưng giai đoạn những tháng cuối năm ông Tám phải túc trực ngày đêm ở vườn mai không về nhà mặc dù nhà ông cách đó không xa, “thà tui bỏ vợ, bỏ nhà chứ không bỏ mai”, ông Tám dí dỏm.
Theo ông Tám, trước đây ông trồng những cây mai lớn, có giá cả trăm triệu nhưng sau này già cả, không còn đủ sức nên ông chuyển sang những cây mai nhỏ. “Tuy là mai nhỏ, giá trị không cao như mai lớn nhưng công chăm sóc cũng không thua kém gì. Ngày nào cũng phải chăm sóc, uốn cành tạo dáng, bắt sâu… Mặt khác, mai nhỏ dễ bán hơn vì những người chơi bình dân không có số tiền lớn để mua cây mai hàng chục, hàng trăm triệu đồng”.
Cũng như ông Tám, thời gian này gia đình anh Nguyễn Chí Công (39 tuổi, ở quận Thủ Đức) cũng đang tất bật cho những công đoạn cuối cùng để vườn mai hơn 1.500 gốc “ra lò”. Bước vào vườn mai của anh Công, tôi bị choáng ngợp bởi hàng loạt cây mai bonsai, mai cổ thụ có giá hàng trăm triệu đồng. Anh Công cho biết, giai đoạn gần tết, phải thuê thêm hơn 10 người làm việc thời vụ để nhặt lá, chăm sóc mai.
Chăm mai như chăm con
“Khó khăn nhất của những người trồng mai là canh sao cho mai nở đúng vào dịp tết. Trồng mai phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu năm nào thời tiết bất ổn thì mai lại nở sớm hoặc muộn. Đặc biệt năm nay hay có những cơn mưa trái mùa cộng với năm nhuận nên việc canh “nút” tết cho cây là rất quan trọng”, ông Tám cho biết.
Theo ông Tám, với cây mai, mỗi nhà vườn có một cách chăm sóc khác nhau, nhưng việc hãm mai nở sớm hay muộn đều phụ thuộc việc tưới nước để giữ ẩm, bón phân để tăng sức đề kháng cho cây.Tuy nhiên, không phải việc mai nở phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của con người. Có những cây mai mặc cho chủ có chăm sóc kỹ đến đâu thì cũng luôn luôn nở không đúng tết, “có những cây mai 10 năm chưa thấy mặt chợ”. Bởi theo ông Tám thì những cây mai này luôn nở hoa trước hoặc sau tết nên không bao giờ được đem ra chợ bán.
Ông Tám cho biết, hàng năm cứ 2 đến 3 tháng gần tết ông lại đau đầu với nạn trộm mai diễn ra trên địa bàn. Năm trước, vườn mai của ông bị trộm lấy mất 7 cây tổng trị giá đến vài chục triệu đồng, năm nay ông cũng vừa mất 3 cây. “Tui mất vậy còn ít, vườn mai của ông xóm dưới mất hết 21 cây trị giá vài trăm triệu. Tối đầu tiên, bị mất bảy cây ở góc trái vườn, ổng cho con ra canh thì tối hôm sau trộm lại nhổ bảy cây góc phải. Ổng tiếp tục cho một người nữa ra góc đó canh thì đêm thứ ba trộm nhổ bảy cây ở giữa vườn”.
Việc nhận chăm sóc mai cho khách cũng là một vấn đề không đơn giản. Ông Tám kể, cách đây hai năm ông bị trộm mất một cây mai quý của khách gửi. Người khách yêu cầu ông phải đi tìm bằng được cây mai giống như cây cũ để đền nhưng ông chạy đôn đáo cả tháng trời cũng không tìm được. Ông Tám phải năn nỉ lắm người khách mới chịu nhận tiền đền bù và ông còn phải biếu thêm một cây mai khác. “Có những người khách khó tính khi mang mai đến gửi họ còn bóp ổ khóa vào cành. Cuối năm mình mang đến họ lấy chìa khóa ra mở mà đúng thì mới nhận nếu không thì họ không chịu”.
Không bị trộm như ông Tám nhưng vườn mai của anh Công năm ngoái cũng bị thiệt hại hàng trăm cây vì vỡ đê bao, cả vườn mai chìm trong biển nước. Để vớt vát lại, anh Công và công nhân phải tưới nước sạch ròng rã cả tuần trời, may mắn những cây mai cổ thụ không bị ảnh hưởng nhiều. “Nếu mai mà hút nước bẩn thì cây sẽ thối rễ, rụng lá dẫn đến nở hoa sớm hoặc chết.”, anh Công nói .
Vất vả cả năm để dốc sức chăm sóc, cắt tỉa từ những gốc mai thô cứng trở thành những cây có thế, có hồn, niềm vui lớn nhất của những người trồng mai là được khách hàng đến trầm trồ khen ngợi. “Giá trị của cây mai thể hiện ở cái gốc, rễ phải chồm lên, gốc cây mai càng uốn lượn thể hiện cây mai đó được chăm sóc nhiều năm và có giá trị càng cao”, ông Tám cho biết.
Tại khu vườn của anh Công, đa số là những gốc mai có giá vài chục triệu tới vài trăm triệu, có cây hơn 300 triệu đã được khách đặt từ trước. Anh Công cho biết, vườn mai của anh toàn mai cổ thụ, mai bonsai nên công việc chăm sóc, cắt tỉa phải làm từ đầu năm. “Khi khách thuê mai chơi tết xong trả lại thì mình phải cắt hết cành để cho nhánh mới mọc ra rồi uốn từ đó. Cây ra được đoạn nào thì mình phải uốn đoạn đó, cách một thời gian lại phải tháo ra ít hôm rồi uốn lại”.
“Chăm sóc mai như chăm sóc cho một đứa trẻ, phải quan sát từ khi nó ra cành, ra lá…rồi mình chăm sóc uống nắn theo thời gian để ra một thành phẩm tốt nhất”, anh Công chia sẻ.
“Giá trị của cây mai thể hiện ở cái gốc, rễ phải chồm lên, gốc cây mai càng uốn lượn thể hiện cây mai đó được chăm sóc nhiều năm và có giá trị càng cao”.
Ông Tám cho biết
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo