An ninh mạng

Khi bị yêu cầu kiểm tra điện thoại và email, người dân nên ứng xử thế nào để bảo vệ quyền riêng tư?

DNVN - Tại Tọa đàm online Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân diễn ra vào chiều ngày 15/6/2021, các diễn giả đã thảo luận về tình huống dân phòng, bảo vệ hay công an yêu cầu người dân mở điện thoại, email để kiểm tra, thì người dân nên ứng xử thế nào? Họ có quyền được từ chối để bảo vệ quyền riêng tư của mình hay không?

Xử lý vi phạm quyền riêng tư còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả / Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Xử lý hành vi tấn công mạng, xỉ vả tập thể trên mạng bất khả thi

Bị cơ quan chức năng yêu cầu mở điện thoại và email cá nhân, người dân nên ứng xử thế nào?

Các ý kiến tại tọa đàm cũng nhắc lại trường hợp ở Mỹ cách đây nhiều năm khi FBI điều tra tội phạm khủng bố đã yêu cầu Apple cung cấp mã truy cập iPhone để phá code điện thoại của tội phạm nhưng Apple kiên quyết từ chối. Nhưng ở Việt Nam, với trường hợp tương tự thì người dân có quyền từ chối hay không?

Trước câu hỏi này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, ở Việt Nam rất khó có thể từ chối yêu cầu của cơ quan chức năng như ở Mỹ. Ở Mỹ, Apple từ chối mở khóa iPhone theo yêu cầu của FBI là do luật pháp Mỹ cho phép như vậy, FBI muốn Apple mở khóa thì phải có lệnh của tòa án nên Apple có quyền từ chối khi FBI chưa xin được lệnh của tòa.

Theo Luật sư Lập, ở Việt Nam thì khác, cơ quan điều tra có quyền yêu cầu, bất cứ những vụ việc họ điều tra thì đều được coi là an ninh quốc gia, nếu cá nhân nào không tuân thủ, có khả năng bị quy kết là cản trở người thi hành công vụ. Do đó, Luật sư Lập đưa ra lời khuyên, nếu ai gặp phải trường hợp bị yêu cầu mở passcode điện thoại hay email, thì trước hết nên có thái độ ứng xử một cách hợp tác là “tôi sẽ làm theo yêu cầu của anh. Nhưng tôi là công dân bình thường tôi không hiểu biết pháp luật, nên hãy cho phép tôi tham khảo ý kiến của luật sư, trước khi thực hiện yêu cầu của cơ quan công quyền. Khi đó sẽ không ai có thể quy kết mình vào tội chống người thi hành công vụ”.

Trước câu hỏi, Hiến pháp và Bộ luật Dân sự đều có quy định về bảo vệ bí mật thư tín, vậy người dân có quyền từ chối mở email cá nhân khi được yêu cầu hay không? Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, câu hỏi này rất khó trả lời. Vì ở Việt Nam khái niệm an ninh quốc gia, chống người thi hành công vụ rất “tù mù”. Sự "tù mù "này dễ cho cơ quan công quyền, nhưng khó cho người dân. Cơ quan công quyền có quyền cao hơn rất nhiều nên người dân cần có cách ứng xử bằng cách: “Hãy cho tôi căn cứ, cho tôi lý do tại sao anh bắt tôi mở khóa iPhone, việc truy cập thông tin của tôi có phải là an ninh quốc gia không? Hoặc việc anh mở khóa iPhone của tôi có được cho phép của cơ quan pháp luật không?”…

Cũng theo Luật sư Lập, ở nước ngoài thì kể cả khi có quyết định của tòa án thì luật sư vẫn có quyền kháng cáo để trì hoãn, kéo dài thời gian thi hành. Còn ở Việt Nam thì khó hơn, người dân có quyền yêu cầu cơ quan công quyền chứng minh lý do tôi được yêu cầu mở khóa điện thoại, có phải liên quan đến an ninh quốc gia thì mới chấp hành? Hoặc người dân có quyền yêu cầu phải làm đúng thủ tục, tức là phải có lệnh, có văn bản yêu cầu, nghĩa là phải có sự cho phép của một cơ quan có thẩm quyền.

“Người dân phải hiểu và biết cách ứng xử trong các trường hợp bị người khác đòi kiểm tra các thông tin riêng tư của mình. Nếu người dân không biết cách ứng xử như vậy, nếu người dân không biết xử lý khéo léo thì Hiến pháp chỉ là một bức tranh đẹp”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập phát biểu.

Người dân có quyền từ chối khi bị yêu cầu cho truy cập vào điện thoại và email hay không?

Người dân có quyền từ chối khi bị yêu cầu cho truy cập vào điện thoại và email hay không?

Đưa thông tin riêng lên Facebook sẽ bị mất một số quyền được biện hộ pháp lý

Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng cảnh báo người dùng mạng xã hội phải phân biệt thông tin cá nhân, thông tin đời tư trước khi chia sẻ. Hiện nhiều người chia sẻ thông tin đời tư lên mạng một cách khá thoải mái. Khi đã đưa lên Facebook công khai tức là mình đã mất một số quyền được biện hộ pháp lý. Cái gì là bí mật chỉ một mình người biết, giống như nhà phải có khóa, có cửa đóng then cài. Nếu bí mật cá nhân không có biện pháp giữ gìn, đưa lên mạng là mình tự đánh mất quyền biện hộ pháp lý. Vì khi đưa lên mạng là hàng triệu người biết thì ranh giới của bí mật riêng tư không còn nữa.

Nếu bị bôi nhọ, xúc phạm, phải phản ứng ngay, còn nếu không nói gì là mất quyền biện hộ, không phản ứng là mất quyền. Ở nước ngoài các vụ xử lý bôi nhọ, xúc phạm danh dự đã được luật ghi thành văn, sự biện hộ của luật sư đã có các phiên tòa, đã có bản án thực tế để người khác nhìn vào, trở thành tiền lệ để người dân tham khảo. Nhưng Việt Nam hiện chưa có phiên tòa nào về hành vi bôi nhọ, xúc phạm hay vi phạm bí mật riêng tư cả, nên tôi rất mong có 1 phiên tòa như vậy để người dân có thể nhìn vào để tham khảo”, Luật sư Nguyễn Tiến Lập phát biểu

Muốn tự bảo vệ mình trên mạng thì phải trang bị kỹ năng số

 

Gợi ý về dùng công vụ kỹ thuật để bảo vệ quyền riêng tư trên mạng, một chuyên gia về công nghệ thông tin cho biết, trước hết cần xác định rõ thiết bị mình đang dùng là của ai, nếu là thiết bị thuộc sở hữu cá nhân thì lưu trữ thông tin cá nhân, thiết bị do cơ quan cung cấp chỉ lưu trữ thông tin chung của doanh nghiệp. Đây là quyền sở hữu dữ liệu từ ban đầu (dữ liệu số, các file văn bản, video, âm thanh) thu thập hàng ngày, đặc biệt là các cá nhân phải nắm rõ về điều này.

Vị chuyên gia cũng chia sẻ các bước căn bản về bảo mật mà mỗi cá nhân cần phải biết, đầu tiên là passcode, FaceID, TouchID để bảo vệ các thiết bị mình đang dùng. Cao hơn nữa có thể dùng hệ thống mã hóa dữ liệu của máy tính, ai không có quyền truy cập sẽ không truy cập được. Apple và Windows có phần mềm mã hóa tốt có thể tham khảo sử dụng.

“Các kỹ năng về số phải được trang bị, cá nhân phải hiểu biết về môi trường số mới rèn được các kỹ năng tự bảo vệ mình. Ngoại trừ ta vi phạm pháp luật thì các cơ quan công quyền mới có quyền thu hồi thiết bị của ta, nhưng nếu họ muốn truy xuất dữ liệu thì cần có nhiều phương pháp khác nữa. Ở nước ngoài, khi 1 người bị cơ quan pháp luật bắt hoặc triệu hồi họ luôn đi cùng luật sư, họ có thể tham khảo ý kiến luật sư xem họ có quyền gì, và chỉ cung cấp thông tin gì, cho ai”, vị chuyên gia chia sẻ.

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù chế tài cũng đã quy định là quyền riêng tư được bảo vệ. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người lại rơi vào cảnh ngộ không biết gặp ai để kiện khi biết người đó sử dụng bí mật, hình ảnh của mình. Đó là cái khó, nên thường người ta thường bỏ qua không đi kiện tụng khi bị xâm phạm.

Khi tham gia vào một hệ thống CNTT, cần xác lập danh tính (dùng email đăng ký tài khoản để dùng) dần dần email không dễ xác thực danh tính 1 người, chuyển sang dùng số di động xác thực nhanh hơn. Do đó, các hãng công nghệ ngày càng yêu cầu cung cấp số điện thoại cho họ vì điện thoại có cơ chế xác thực tốt hơn là email. Hiện có các công cụ AI, các trí tuệ nhân tạo sẽ có phân loại, khi report trên TikTok hoặc YouTube họ hỏi rất kỹ để lọc thông tin. Khi tham gia thanh toán điện tử, càng về sau càng chặt chẽ hơn, hiện đã có yêu cầu xác thực qua eKYC.

 

Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt, việc cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân lại dẫn đến nguy cơ bị lộ lọt, điển hình đã có vụ hàng trăm ngàn CMND/CCCD bị rao bán trên mạng.

“Khi tôi vào 1 trang thương mại điện tử và tiền ảo để đăng ký, nếu được yêu cầu chụp passport hay CMND thì dứt khoát tôi không cung cấp và không dùng nữa. Các tội phạm mạng hay dụ dỗ người dùng bằng các lợi ích ngắn hạn để thu thập thông tin trái phép, nên người dùng cần hết sức cảnh giác trước các yêu cầu xác thực thông tin cá nhân. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ chân chính họ có AI để xác thực nên họ không đòi hỏi cung cấp các thông tin cá nhân nữa", vị chuyên gia nói.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo