Xử lý vi phạm quyền riêng tư còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả
Xuất hiện trang giả mạo website Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) / Bàng hoàng vì tiền trong thẻ tín dụng tự nhiên “bốc hơi”
Chiều 15/6/2021 đã diễn ra Tọa đàm online Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân, tọa đàm đã đưa ra những góc nhìn từ 3 trường hợp lộ lọt dữ liệu gây xôn xao dư luận gần đây, cụ thể các vụ viện liên quan đến: Lộ thông tin sao kê ngân hàng của danh hài Hoài Linh, vụ 10 triệu thông tin chứng minh nhân dân người Việt bị rao bán trên diễn đàn Raidforum và vụ nữ diễn viên "Về nhà đi con" lộ clip "nóng" sau khi đưa điện thoại cho Công an phường kiểm tra trong vụ xử lý vi phạm hành chính.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS).
Ví dụ, trong trường hợp nữ diễn viên trong phim “Về nhà đi con”, khi có vụ việc bị kiểm tra hành chính ở công an phường, phải mở passcode để cơ quan chức năng truy cập vào điện thoại của mình, dẫn đến việc thông tin riêng tư của cô bị phát tán trái phép lên mạng.
“Có thể nói nhận thức về quyền riêng tư của người dùng còn rất hạn chế”, ông Đồng nhấn mạnh.
Một chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, dữ liệu là cực kỳ quan trọng của mỗi cá nhân. Dữ liệu tạo ra bởi các thông tin của chính chúng ta, nên ta phải có trách nhiệm với thông tin của mình, trách nhiệm trong lưu trữ, trao đổi thông tin với người nào khác phải được báo cáo rõ. Hiện có nhiều khung pháp lý quy định đảm bảo dữ liệu được bảo vệ bởi nhà cung cấp dịch như thế nào? Nhưng thực tế thì người dùng lại không quan tâm tới điều khoản về bảo đảm quyền thông tin cá nhân khi ký kết hợp đồng dùng dịch vụ Internet chẳng hạn.
Vị chuyên gia này cho rằng: “Mỗi người phải có trách nhiệm về thông tin cá nhân của mình, thông tin của mình được lưu trữ ở đâu, sử dụng thế nào, ai sử dụngthì chính cá nhân đó phải biết, phải kiểm soát được”.
Các ý kiến tại tọa đàm cho biết, các quốc gia phát triển như châu Âu, Mỹ có những quy định rất rõ ràng về quyền riêng tư. Nhu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân cực cao, nên chúng ta phải nhận thức rõ quyền của chúng ta ở đâu, quyền làm chủ tài sản, thiết bị lưu trữ của mỗi người. Hiện nay có rất nhiều dịch vụ được lưu trữ trên điện toán đám mây quốc gia, hoặc liên quốc gia. Đối với các công ty này họ cung cấp dịch vụ ở quốc gia nào thì phải tuân thủ luật pháp của quốc gia đó. Ví dụ, khi vào trang web của nước ngoài sẽ được hỏi liên tục có cho vào cookie hay không (cookie lưu trữ thông tin người dùng, để ghi nhớ bạn là ai, đề xuất các thông tin phù hợp), nếu người dùng đồng ý thì họ mới lưu trữ. Còn ở Việt Nam thì hầu như chả ai quan tâm tới việc này.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng, các nghiên cứu về quyền riêng tư do Viện IPS thực hiện cho thấy, ở Việt Nam mua bán dữ liệu thô khá phổ biến, chưa nói các dữ liệu thu thập tinh vi hơn như trên mạng xã hội nước ngoài.
Xử lý vi phạm quyền riêng tư còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho hay, các vấn đề về bảo vệ riêng tư, bảo vệ uy tín cá nhân đang xuất hiện một làn sóng mới sau vụ ồn ào trên mạng xã hội liên quan đến danh hài Hoài Linh, bà Nguyễn Phương Hằng. Theo Luật sư Lập, đây là câu chuyện không mới, Viện IPS đã có những nghiên cứu khá công phu, đánh giá thực tiễn về quyền riêng tư ở các EU, Mỹ và Việt Nam.
“Nói chung ở Việt Nam cả cá nhân, nhà nước, xã hội đang lúng túng trong việc xử lý các vấn đề vi phạm quyền riêng tư. Châu Âu đang tiến hành đánh thuế các công ty công nghệ, hay chi tiết hóa các vấn đề bảo vệ quyền riêng tư. Còn ở Việt Nam những gì đang diễn ra khiến cho chúng ta cảm thấy có gì đó còn bỡ ngỡ, ngạc nhiên, bất ngờ”, Luật sư Lập nói.
Tuy nhiên nếu nói chưa có khung khổ chính sách nào để ứng phó với các vi phạm về quyền riêng tư thì không phải. Theo Luật sư Lập, khi bị vi phạm quyền riêng tư thì trước hết cần tỉnh táo đánh giá, bình tĩnh nhìn nhận vấn đề. Ngay từ thế kỷ 13 đã có Luật về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, bởi nếu bí mật cá nhân không được bảo vệ thì con người mất bản ngã của mình. Hoặc họ có thể bị tấn công, hoặc bị điều khiển bởi người khác. Ở Việt Nam, Hiến pháp và Bộ luật Dân sự đã quy định quyền riêng tư, bí mật riêng tư được luật pháp bảo vệ.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập.
Còn trên môi trường ảo, hay đời sống ảo là đời sống mới hình thành từ hơn chục năm trở lại đây. Quyền riêng tư, tương tác ảo, những vi phạm liên quan đến quyền bảo vệ riêng tư phát triển mạnh mẽ trên môi trường ảo. Lỗi không phải do công nghệ, mà là do trên môi trường ảo con người rất dễ dàng để tương tác với người khác.
Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta cần ứng phó thế nào khi bị tấn công trên mạng? “Bộ TT&TT, Bộ Công an mặc dù vào cuộc khá quyết liệt, bảo vệ an ninh thông tin trên mạng nhưng thực tế hiệu quả chưa được bao nhiêu. Nếu nhìn vấn đề dưới góc độ pháp luật thì thấy rõ sự lúng túng, nhiều người chưa tin cậy lắm vào hiệu quả của các biện pháp xử lý này” Luật sư Lập phát biểu.
Cũng theo các ý kiến tại tọa đàm, các cơ chế điều tra, giám sát, xử phạt hành chính trên môi trường mạng, dẫn đến tác dụng phụ là quyền tự do thông tin, tiếp cận thông tin, quyền tự do ngôn luận bị hạn chế. Chưa nói là các quyền này có thể bị bóp nghẹt, nếu sử dụng thái quá công cụ pháp luật. Công cụ pháp luật là cần thiết, nhưng lạm dụng quá hành lang xử phạt hành chính hay hình sự cũng không phải là biện pháp hiệu quả.
Để tránh cho việc quyền riêng tư, bí mật đời tư bị công khai trên mạng, chính bản thân mỗi người tự nâng cao nhận thức, kiến thức về quyền của con người, quyền riêng tư của mình. Hiện nay các kênh giáo dục và đào tạo đều chưa có nội dung đào tạo về quyền riêng tư.
“Tình trạng mù truyền thông trên môi trường mạng còn nhiều, việc ứng xử trên mạng thế nào, đưa thông tin gì, để người khác truy cập vào bình luận trang của mình thế nào, làm gì để không bị chiếm đoạt thông tin, tất cả những kiến thức này là rất cần thiết để bảo vệ an toàn trên môi trường mạng, nhưng nhiều cá nhân chưa biết cách bảo vệ mình. Ngoài công cụ pháp lý, pháp luật phải đi theo hướng giáo dục nhiều hơn nữa”, Luật sư Nguyễn Tiếp Lập chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo