An ninh mạng

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Xử lý hành vi tấn công mạng, xỉ vả tập thể trên mạng bất khả thi

DNVN - Theo luật sư, về lý thuyết việc xử lý hành vi tấn công mạng là đúng nhưng không thể điều tra, xử lý hàng nghìn người cùng lúc vì quá tốn kém nguồn lực và không khả thi. Do đó, với các vi phạm trên môi trường số thì cần có ứng xử mang tính số nhiều hơn, cần có các công cụ kỹ thuật để ngăn chặn tấn công, cùng vai trò của tổ chức dân sự xã hội.

Bàng hoàng vì tiền trong thẻ tín dụng tự nhiên “bốc hơi” / Bộ GTVT đề nghị Bộ TT&TT xử lý website giả mạo về giấy phép lái xe

Tại Tọa đàm online Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân diễn ra vào chiều ngày 15/6/2021, các diễn giả đã đưa ra các ý kiến tư vấn về việc người dân cần làm gì khi bị tấn công trên mạng, cũng như việc người dân cần ứng xử như thế nào khi được cơ quan chức năng yêu cầu truy cập vào các thiết bị cá nhân.

Các ý kiến đưa ra thảo luận xoay quanh 3 vụ việc lộ lọt thông tin cá nhân gần đây: Lộ thông tin sao kê ngân hàng của danh hài Hoài Linh, vụ 10 triệu thông tin chứng minh nhân dân người Việt bị rao bán trên diễn đàn Raidforum và vụ nữ diễn viên "Về nhà đi con" lộ clip "nóng" sau khi đưa điện thoại cho Công an phường kiểm tra trong vụ xử lý vi phạm hành chính.

Xử lý hành vi tấn công mạng bất khả thi

Liên quan đến vụ việc gần đây một số phóng viên VOV, thậm chí cả lãnh đạo một tờ báo bị tấn công trên mạng sau loạt bài viết đề nghị xử lý sai phạm của bà Nguyễn Phương Hằng, Luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, việc đè bẹp hay tấn công một cá nhân, một tổ chức trên mạng là việc bình thường trên môi trường số, các cuộc tấn công này mang tính phá đám nhiều hơn là xây dựng.

"Nếu xét về pháp lý hành vi tấn công mạng là vi phạm pháp luật, cần yêu cầu cơ quan công quyền vào cuộc để xử lý những kẻ tấn công. Nhưng trên thực tế thì các thiết chế pháp luật chắc cũng bó tay với hành vi này, vì nếu điều tra xử lý hàng nghìn người tấn công là điều không thể. Về lý thuyết việc xử lý vi phạm là đúng nhưng không thể điều tra, xử lý hàng nghìn người cùng lúc vì quá tốn kém nguồn lực và không khả thi", Luật sư Lập phát biểu.

Do đó, với các vi phạm trên môi trường số thì cần có ứng xử mang tính số nhiều hơn. Ví dụ, Facebook đã công bố sẵn sàng ngăn chặn các cuộc tấn công gây bão, sẵn sàng hợp tác ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nếu có yêu cầu chính thức của chính quyền.

Ngoài ra còn có cách xử lý khác, đó là cần có các tổ chức xã hội dân sự vào cuộc để bảo vệ nhóm yếu thế. Ví dụ, khi 1 người bị tấn công trên mạng, các tổ chức xã hội vào cuộc, họ có chiến dịch, yêu cầu cơ quan công quyền, luật sư, đại diện cho người yếu thế để khởi kiện (khởi kiện tập thể để tránh gây hoang mang cho dư luận). Hiện Việt Nam chưa có các tổ chức bảo vệ quyền như vậy, nên rất cần có cơ chế để hình thành các tổ chức xã hội để bảo vệ người yếu thế trên môi trường số.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập.

Luật sư Nguyễn Tiến Lập.

Trở lại vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream bóc phốt một số nghệ sĩ. Khi tập thể văn nghệ sĩ có căn cứ cho rằng họ bị xúc phạm, bị bôi nhọ thì sẽ có 1 tổ chức là Hội nghệ sĩ đứng ra khởi kiện hay lên tiếng bảo vệ họ.

Ở một ví dụ khác, khi khách hàng đi máy bay, bị lộ thông tin chuyến bay có 1 hãng taxi gọi mời đi xe, đây là hành vi làm phiền, khi đó khách hàng đó thường không đứng ra khởi kiện. Nhưng nếu nhiều người đi máy bay cùng bị làm phiền như vậy, thì tổ chức nào sẽ đứng ra khởi kiện ra tòa án.

“Một cá nhân không có động lực để kiện ra tòa án, mà cần có tập thể đứng ra bảo vệ lợi ích tập thể. Môi trường số quy mô nhỏ chỉ 1 cá nhân bị ảnh hưởng, nhưng tác động xã hội lại rất lớn nếu như nhiều người cùng bị ảnh hưởng bởi 1 hành vi”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nói.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, hành vi xỉ vả tập thể trên không gian mạng là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý người bị đe dọa, bị tấn công trên mạng. Đã đến lúc phải có các tổ chức xã hội dân sự riêng cho các hoạt động số, để bảo vệ người yếu thế trên không gian mạng. Bên cạnh đó, cần có vai trò công nghệ của các hãng cung cấp dịch vụ, xa hơn nữa cần có một đạo luật bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng.

Nhiều kẽ hở để lộ, lọt thông tin riêng tư từ chính phía người dùng

 

Phân tích về trách nhiệm trong các vụ lộ lọt thông tin nhạy cảm, việc các thông tin riêng tư bị lộ lọt trên mạng xã hội không chỉ là lỗi của người ngoài xã hội, người phát tán thông tin mà còn có phần lỗi của cả người trong cuộc. Nghệ sĩ Hoài Linh có sơ hở không khi để lộ sao kê tài khoản của mình, trách nhiệm ngân hàng trong vụ việc này thế nào. Bản thân nữ diễn viên Về nhà đi con bị lộ clip nóng cũng có lỗi khi không biết cách bảo vệ thông tin riêng tư của mình.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, các vụ việc lộ thông tin cá nhân đều có những kẽ hở để bị lợi dụng. Ví dụ, nhân viên ngân hàng làm lộ thông tin tài khoản nghệ sĩ Hoài Linh. Trên thực tế, thông tin cá nhân của chúng ta có thể bị lợi dụng trong những trường hợp tưởng như vô hại. Khi chúng ta đi làm việc, bảo vệ tòa nhà thường yêu cầu để lại giấy tờ tùy thân cho họ giữ. Như vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu các nhân viên tòa nhà chụp lại ảnh rồi đưa thông tin đó ra ngoài. Do đó rất cần có 1 quy trình, 1 hướng dẫn để bảo vệ thông tin cá nhân trong các trường hợp bắt buộc phải trình giấy tờ riêng tư như vậy. Giấy tờ tùy thân chỉ chứa các thông tin cơ bản của mỗi người, còn có những hồ sơ nhạy cảm hơn. Như là hồ sơ bệnh án bệnh nhân, nếu các bạn sinh viên thực tập dùng điện thoại chụp lại thông tin người bệnh, đưa ra ngoài là mối nguy rất lớn.

Ông Đồng nhấn mạnh: “Ý thức, hiểu biết về bảo vệ quyền riêng tư cá nhân của người Việt Nam còn rất yếu. Một điển hình thấy rõ nhất về nhận thức bảo vệ quyền riêng tư, trong trận đấu EURO 2020 gần đây, khi 1 cầu thủ Đan Mạch bị đột quỵ, hình ảnh của anh được đồng đội che chắn rất kỹ khi đưa ra khỏi sân nhằm mục đích bảo vệ quyền riêng tư của anh. Có thể thấy rõ các cầu thủ, đội bóng họ đã ý thức được và thực hành rất tốt việc cần làm gì để bảo vệ quyền riêng tư trong những tình huống khẩn cấp. Nhưng đa số người Việt Nam mình thì chưa ý thức được như vậy”.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Do đó, bất kỳ ai cũng đều được pháp luật bảo hộ về danh dự và nhân phẩm, không ai có quyền xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi hành vi chửi bới, xúc phạm đến người khác đều sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

 

Bởi vậy, hành vi đe dọa, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác được thực hiện trong đời sống xã hội nếu mức độ chưa nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 5, Nghị định số 167, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Trường hợp hành vi chửi bới, nhắn tin xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác được thực hiện bằng mạng xã hội, mạng viễn thông thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15 của Chính phủ, với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.

Trường hợp nhắn tin có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội "Vu khống", "Làm nhục người khác", "Đưa thông tin trái phép trên mạng Internet hoặc tội "Lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" theo quy định của bộ luật hình sự.

Nếu hành vi nhắn tin kèm theo những lời đe dọa giết người thì người nhắn tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đe dọa giết người".

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm