Ăn Tết mà bảo phải cắt giảm thì còn gì vui?
Ông xã tôi có thú vui nho nhỏ ngày Tết là trang hoàng nhà cửa, mua sắm quà cáp tặng bà con, anh em; lì xì cho tụi nhỏ và dặc biệt là phải mua một chậu mai chưng Tết. Làm gì thì làm, tháng lương thứ 13 của anh tôi không được tơ hào đồng nào mà phải để nguyên cho anh thực hiện niềm vui nho nhỏ nhưng có giá trị lớn ấy.
Những năm trước, công ty của anh ăn nên làm ra nên tháng 13 được thưởng hơn chục triệu đồng. Nhưng năm nay khó khăn, nghe đâu mỗi người chỉ được đúng 1 tháng lương cơ bản mà lương cơ bản của anh thì chưa tới 5 triệu đồng. Nghe vậy, tôi biết chắc Tết năm nay của anh sẽ "thúi hẻo" rồi.
Bữa trước thấy anh buồn, tôi nói: "Anh ghi tất cả các hạng mục Tết ra giấy thử xem có cái nào bỏ được thì bỏ. Năm nay em cũng sẽ bỏ bớt một số món, không sắm sửa gì nhiều bởi ngày thường mình cũng đã ăn uống, mua sắm rồi chứ có thiếu thốn gì đâu mà để dồn vào mấy ngày Tết. Không có tiền thì ăn Tết tiết kiệm một chút cũng không sao...". Nhưng anh không chịu: "Ăn Tết mà bảo phải cắt giảm thì còn gì vui? Cứ để anh tính".
Tưởng anh tính sao, ai dè tối đó khi vợ chồng vui vẻ, anh hết đấm lưng lại bóp tay chân cho vợ rồi khen vợ đẹp, dễ thương, hiền lành, biết điều... và cuối cùng thủ thỉ: "Em cho tiền anh ăn Tết nha". Giọng anh thật ngọt ngào khiến chút nữa thì tôi mềm lòng. Thế nhưng tôi sực tỉnh: "Tiền đâu em cho anh?". Anh xoa nhè nhẹ lưng tôi: "Thì tiền tiết kiệm của mình đó. Em rút ra cho anh 15 triệu...".
Đến nước này thì tôi ngồi bật dậy: "Không được. Tụi mình đã thống nhất tiền tiết kiệm là để phòng hờ những lúc thắt ngặt như đau ốm, bệnh tật hoặc ba má ngoài quê có chuyện gì. Bây giờ lấy ra xài, lỡ có chuyện gì thì sao?". Anh nhăn nhó: "Sao em lại mong những chuyện rủi ro như vậy? Mấy năm rồi có đau ốm, bệnh tật gì đâu? Xài hết thì kiếm cái khác. Tiền bạc cũng giống như máu trong cơ thể, không lưu thông thì chết còn gì?".
Mới vui vẻ đó mà đụng tới tiền bạc thì vợ chồng lại cắng đắng, tôi cụt hứng: "Thôi, để em ngủ, lúc khác tính". Nhưng chồng tôi không chịu: "Đi em... cho anh tiền ăn Tết đi... Không có tiền thì còn Tết nhất gì nữa?". Nghe giọng anh nhèo nhẹo bên tai, tôi bực mình kéo mền trùm kín: "Nhiều chuyện quá! Ngủ đi".
Tôi nghe anh thở rõ dài rồi anh nằm quay lưng lại. Thật lòng tôi thấy rất tội nghiệp anh nhưng nếu không kiên quyết thì mãi vợ chồng cũng sẽ không có dư. Cày cục hơn 10 năm qua, mua được miếng đất ở ngoại thành, phải vay mượn thêm mới cất được cái nhà nho nhỏ nhưng cũng chưa sắm sửa được gì. Phải tiện tặn lắm mỗi tháng sau khi trả nợ xây nhà, tôi mới để dành được 3 triệu đồng gởi tiết kiệm.
Cứ mỗi kỳ lương, thấy tin nhắn của ngân hàng báo số lượng tiền tiết kiệm được cộng thêm, tôi rất vui. Thỉnh thoảng lại tính tính, toán toán thử xem 5 năm rồi 10 năm nữa mình sẽ để dành được bao nhiêu... Tháng rồi, tổng số tiền được 21 triệu đồng. Tôi muốn mua cái tivi mới nhưng lại nghĩ cũng chưa cần thiết lắm nên lại thôi... Nếu bây giờ nghe lời anh lấy tiền đó xài xả láng tết này thì coi như cày cục cả năm chỉ xài mấy ngày thì hết. Cứ nghĩ đến đó thì tôi thấy đau thắt ruột gan...
Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng sáng ra thấy mặt chồng buồn hiu tôi cũng nao lòng. Chưa hết, lúc đánh răng, rửa mặt, anh cứ ư ử trong miệng. Hình như anh hát. Tôi nghiêng tai lắng nghe và không nhịn được cười khi anh cứ lặp đi lặp lại môt câu: "Tết... Tết... Tết... Tết nhất gì? Tết... Tết... Tết... Tết hết tiền... Tết... Tết... Tết... Tết ứ ừ...".
Thú thật, nghe anh hát mà tôi mủi lòng. Bất chợt tôi thấy mình yếu đuối. Hay là cứ rút tiền tiết kiệm cho anh sắm sửa thỏa thích vì dù sao mỗi năm Tết cũng chỉ có một lần và anh cũng đã vất vả suốt một năm trời... Nếu không, anh cứ buồn buồn như thế thì tôi ăn Tết cũng đâu có vui?
End of content
Không có tin nào tiếp theo