An toàn thực phẩm là thách thức lớn của Việt Nam
Không thể phủ nhận rằng an toàn thực phẩm đang trở thành điểm quyết định sự thành bại cho ngành thực phẩm tại Việt Nam khi chúng ta mở cửa cạnh tranh với các đối thủ nặng ký trên sàn quốc tế.
Theo GS Lê Duẩn- Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Quốc tế (IAFoST), Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Công nghệ Lương thực thực Phẩm Việt Nam (VAFoST): Đầu tiên, nhắc đến TPP, chúng ta sẽ nhắc đến một hiệp định sẽ giúp mỗi quốc gia thành viên phát huy thế mạnh của mình. Trong đó, Việt Nam sẽ tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp, giày da và dệt may.
Đối với ngành da và ngành dệt may, chúng ta cần giải quyết vấn đề nhân lực là chính. Ngành nông nghiệp thì lại khác. Đây là ngành đòi hỏi chúng ta phải có những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật như đảm bảo chất lượng giống cây trồng, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng và cảm quan.
Trong đó, mối quan tâm hàng đầu là vấn đề về an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm là thách thức lớn của Việt Nam trong những năm sắp đến, đặc biệt là sau khi chúng ta gia nhập TPP.
Ngoài ra, ngành thực phẩm tại Việt Nam cũng đang phải đối đầu với rào cản kinh tế và văn hoá như cạnh tranh về giá cả và thị hiếu người tiêu dùng trong nước và khu vực. Nước ta tuy đã có những đơn vị sản xuất thực phẩm có chất lượng cao, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thiếu năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Về văn hoá tiêu dùng, người Việt Nam có thu nhập khá trở lên vẫn chuộng hàng ngoại. Điều này ảnh hưởng nhiều đến sức tiêu thụ của sản phẩm nội địa, nhất là các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao.
Nói một cách tổng quát lại, theo tôi, vào TPP, chúng ta có cơ hội phát triển thế mạnh nông nghiệp của mình, nhưng vẫn tồn đọng nhiều thách thức, nhất là hàng rào kỹ thuật và chiến lược chiếm lĩnh thị trường. GS Lê Duẩn chỉ rõ.
An toàn thực phẩm là nỗi lo lắng và cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong nông nghiệp, nhiều đơn vị còn sử dụng chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng ngoài danh mục cho phép, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Chính những người sử dụng các chất này cũng không biết rõ nguồn gốc và các tác dụng đi kèm. GS Lê Duẩn thẳng thắn.
Do đó, nhiệm vụ của VAFoST đối với thực trạng này là:
+ Tuyên truyền và tư vấn để doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ tính chất độc hại của hoá chất ngoài danh mục, và liều lượng được cho phép sử dụng của những phụ gia trong danh mục.
+ Tổ chức các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, và hỗ trợ, hợp tác với các cơ quan, tổ chức khác trong các chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Nghiên cứu và phát triển các nguyên vật liệu, phụ gia thay thế có nguồn gốc thiên nhiên không độc hại.
+ Cập nhật và phổ biến các thông tin và kiến thức mới nhất từ khắp nơi trên thế giới đến doanh nghiệp trong nước.
Trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp những năm qua, đã có nhiều cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng hệ thống máy móc, thiết bị, phương tiện để đánh giá độ an toàn của thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ điều kiện để trang bị các thiết bị công nghệ cao. Nhưng trên hết, các cơ quan và tổ chức khoa học có trách nhiệm xã hội trong việc giáo dục, xây dựng nhận thức, giá trị đạo đức và khuyến khích hành động đảm bảo an toàn thực phẩm ở nhà sản xuất và người tiêu dùng mọi tầng lớp.
Trong năm 2016, VAFoST sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình “Giáo sư tình nguyện”, mời các Giáo sư hàng đầu trong Liên đoàn KH&CN Thực phẩm quốc tế (IUFoST) đến Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn miễn phí cho các doanh nghiệp và các nhà khoa học trẻ trong nước. Đây là cơ hội để các nhân tố quan trọng của ngành thực phẩm trong nước cập nhật kiến thức chuyên môn và các hướng tiếp cận tiên tiến. Các giáo sư quốc tế cũng sẽ giảng dạy cho sinh viên và hỗ trợ nghiên cứu sinh.
Trong mảng học thuật, VAFoST sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình đào tạo về khoa học & công nghệ thực phẩm được công nhận bởi IUFoST, tổ chức các cuộc thi về phát triển sản phẩm an toàn cho sinh viên đại học, tập hợp và khuyến khích các nhà khoa học trẻ tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước, viết các bài báo quốc tế, cũng như hỗ trợ các em tìm học bổng để đào sâu chuyên môn, hợp tác nghiên cứu trong ngành. Trong năm 2016, VAFoST sẽ đề cử nhà khoa học trẻ tham dự Đại hội Thực phẩm toàn cầu tại Ireland.
Về phía doanh nghiệp, VAFoST quảng bá và phát triển mạng lưới thông tin của ngành thực phẩm đến cho các doanh nghiệp thông qua các diễn đàn điện tử, chương trình cố vấn hợp tác với các doanh nghiệp và đồng tổ chức các buổi tập huấn về ngành thực phẩm. Như một truyền thống, hàng năm VAFoST giúp các doanh nghiệp hợp tác quốc tế và hội nhập, đưa thương hiệu thực phẩm Việt ra thế giới và đạt được nhiều giải thưởng cao.
Hai năm 2016 và 2017 tới rất quan trọng với VAFoST, chúng tôi tiếp tục tổ chức các sự kiện và Hội nghị trong nước, trong khu vực và tầm cỡ quốc tế. Điển hình trong nước, chúng tôi sẽ tổ chức các Hội nghị lớn tích hợp trong các sự kiện tiêu biểu của ngành như PROPAK VIETNAM 2016 - Triển lãm và Hội thảo Quốc Tế về ngành đóng gói, Chế biến Thực phẩm hàng đầu Việt Nam. GS Lê Duẩn cho biết.
VAFoST luôn nỗ lực tổ chức cho các đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị trong trong khu vực như ở Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, và Hội nghị toàn cầu của IUFoST (Dublin, Ireland năm 2016)
Đặc biệt, trong năm 2017, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thực phẩm ASEAN (ASEAN Food Conference - AFC). Đây là lần thứ 2 nước ta đăng cai tổ chức sự kiện này, lần đầu vào năm 2003. Đây thật sự là diễn đàn khoa học quan trọng với ngành thực phẩm Đông Nam Á nói riêng và khu vực Châu Á nói chung, thu hút nhiều đại biểu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia; và cũng là cột mốc quan trọng đối với ngành Thực phẩm Việt Nam.
Được biết, VAFoST và Viện Cơ điện Nông Nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch đã nhận công văn từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn giao phó vai trò Ban tổ chức ASEAN Food Conference 2017. Dự kiến Hội nghị sẽ quy tụ 700 đến 800 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp về thực phẩm trong khu vực ASEAN và quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo