Áp giá sàn vé máy bay là lạc hậu
Như tin tức đã đưa, hãng bay Jetstar Pacific đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét và áp dụng mức giá sàn trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, Jetstar đề xuất lấy chi phí vận hành trực tiếp của chuyến bay để làm căn cứ xây quy định giá sàn. Chi phí này bao gồm những chi phí cơ bản, trực tiếp liên quan đến phục vụ khai thác một chuyến bay và cơ bản giống nhau giữa các hãng cho cùng một loại máy bay (không bao gồm các chi phi gián tiếp như chi phí quản lý, bán hàng…). Với cách tính này, dự kiến giá sàn cho 5 nhóm đường bay giao động từ 29-34% giá trần.
Lý giải cho đề nghị này, Jetstar Pacific cho biết, trong vài năm vừa qua, mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30%/năm và các hãng hàng không Việt Nam đã phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách.
Theo đánh giá của Jetstar, điều này đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không, của ngành hàng không. Chưa kể, giá vé vận chuyển hàng không có nhiều mức giá thấp hơn mức giá vé đường sắt, đường bộ và có thể đã tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải khác (đường sắt, đường bộ).
Ngoài ra, hiện nay một số yếu tố chi phí đầu vào của các hãng hàng không đã tăng và dự kiến sẽ tăng (giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, giá xăng dầu máy bay, thuế môi trường...) nên sẽ tác động đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không nếu giá vé máy bay nội địa tiếp tục bị giảm do cạnh tranh về giá vé.
Nói về đề xuất này trên báo điện tử Chính phủ, chuyên gia hàng không Tiến sĩ Lương Hoài Nam cho rằng, phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá (giá trần – giá sàn) trên mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thực tiễn thế giới và cũng không hoàn toàn phù hợp cho nước ta. Mỹ đã tự do hoá giá vé máy bay từ năm 1978. Từ đó đến nay, giá vé máy bay nội địa Mỹ do các hãng tự quyết định theo các quy luật cung - cầu và cạnh tranh.
Ông Lương Hoài Nam cho rằng trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là quyết định giá bán của các doanh nghiệp. Quan điểm này đã được các nước châu Âu tiếp nhận từ thập kỷ 90 và sau đó cũng đã lan sang các nước châu Á. Cho đến nay, hiếm có nước nào quản lý giá vé máy bay nội địa bằng giá trần như ở Việt Nam, giá sàn thì lại càng hiếm hơn.
“Tôi cho rằng cách quản lý giá vé máy bay ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập quốc tế, “thị trường hoá”, giảm tối đa sự can thiệp của các cơ quan nhà nước”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho rằng dù Luật Hàng không (sửa đổi) có quy định tại điểm 2 Điều 116: "Hãng hàng không quyết định giá vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định", không nên hiểu máy móc là Nhà nước cần phải quy định khung giá cho mọi tuyến bay nội địa. Bản thân nội dung này đã được cụ thể hoá tại Mục (b) điểm 3 Điều 19 Luật Giá với quy định nhà nước chỉ quy định khung giá đối với "dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền".
“Theo tôi, nên hiểu Luật Hàng không như đã được cụ thể hoá tại Luật Giá: tuyến bay nội địa nào đã có cạnh tranh thì không có khung giá, tuyến bay nội địa nào còn độc quyền mới có khung giá", ông Nam nói.
Còn theo ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hầu hết các ý kiến đều phản đối việc áp giá sàn. Tuy nhiên, vẫn có người cẩn trọng hơn, lật lại vấn đề, họ đặt câu hỏi rằng liệu Vietjet hiện tại đang có giá rất thấp và ngày càng giảm giá thì có phải là đang "phá giá thị trường" không?
Đề nghị không sử dụng thuật ngữ "phá giá" mà sử dụng thuật ngữ "định giá hủy diệt", ông Đức cho biết định giá hủy diệt là khi có một nhà cung cấp chiếm thị phần lớn, có tiềm lực, đưa ra mức giá rất thấp nhằm buộc các đối thủ cạnh tranh khác cũng phải chạy đua về giá.
Do có tiềm lực lớn, doanh nghiệp khởi xướng cuộc đua này sẽ thắng và khiến đối thủ rơi vào cảnh rất khó khăn về tài chính. Đối thủ buộc phải rời bỏ thị trường, bị phá sản hoặc bị chính doanh nghiệp khởi xướng mua lại. Từ đó, doanh nghiệp khởi xướng sẽ nắm thế độc quyền để tăng giá trở lại, bù cho thiệt hại của cuộc đua hạ giá, và thậm chí thu lãi khủng sau đó.
“Hiện nay, thị trường hàng không của Việt Nam có 2 đối thủ chính là Vietnam Airlines và Vietjet. Giả sử Vietjet có định giá hủy diệt thì liệu họ có thể hủy diệt được Vietnam Airlines không? Chắc chắn không vì Vietnam Airlines cũng có tiềm lực tài chính rất khủng, thậm chí còn khủng hơn cả Vietjet, vì vậy mà nếu phải chạy đua xuống đáy về giá, Vietjet chắc chắn không thể thắng Vietnam Airlines. Do đó, tôi cho rằng Vietjet không định giá hủy diệt nên không thể dùng lý do này để biện hộ cho việc áp dụng chính sách giá sàn", ông Đức nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)