Thị trường

Áp lực xuất khẩu tôm nước lợ năm 2018 đạt trên 4,2 tỷ USD?

(DNVN) - Đó là mục tiêu đặt ra với ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm. Điều này đặt ra không ít áp lực đối với công tác quản lý cũng như các doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Trong năm nay sẽ tiếp tục có nhiều áp lực lớn đối về công tác quản lý Nhà nước với ngành tôm, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 4,2 tỷ USD.

Điều này sẽ càng khó khăn hơn trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, dịch bệnh tôm, ô nhiễm môi trường, các rào cản kỹ thuật như thuế chống bán phá giá, vấn đề bảo hộ sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu… khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá, năm nay cũng có những tín hiệu khả quan cho ngành tôm Việt Nam như Việt Nam đã đảm bảo tự sản xuất, cung ứng đủ giống tôm sú bố mẹ sạch bệnh, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và khởi công, chuỗi sản xuất tôm bước đầu hình thành.

Để đạt được những kế hoạch đặt ra trong năm, mới đây, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện tốt Quyết định 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nội dung hướng dẫn văn bản số 1623/BNN-TCTS của Bộ NN&PTNT về triển khai kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam, xây dựng kế hoạch cụ thể tại địa phương. Trong đó, các địa phương cần lưu ý tập trung tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm tôm bằng các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến; không sử dụng hóa chất, kháng sinh; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết…

Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Tổng cục Thủy sản tăng cường kiểm tra trách nhiệm quản lý chất lượng tôm giống bố mẹ nhập khẩu đã phân cấp cho các địa phương; phối hợp tăng cường kiểm tra chất lượng tôm giống, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh tôm giống và công khia trên Website của Tổng cục Thủy sản; đồng thời hỗ trợ Tập đoàn Minh phú xây dựng khu phức hợp ứng dụng công nghệ cao về tôm tại Kiên Giang…

 

Với Cục Thú y, nhiệm vụ được giao là phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh tôm, tháo gỡ rào cản kiểm dịch ở các thị trường nhập khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt việc lưu thông, buôn bán tôm giống trôi nổi, nhất là các chợ tôm giống tự phát; quản lý tốt chất lượng vật tư đầu vào và nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2017, diện tích tôm chân trắng là 98.700 ha, tăng 4,7% so với năm 2016. Sản lượng tôm chân trắng đạt 427.000 tấn, tăng 8,5% so với năm 2016. Kim ngạch XK tôm chân trắng đạt 2,5 tỷ USD; chiếm 65,6% tổng XK tôm và tăng 29,2% so với năm 2016.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá, với thời gian nuôi ngắn, năng suất cao trong khi giá bán khá ổn định, tôm chân trắng được coi là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành nuôi trồng thủy sản. Năm 2018, sản lượng tôm chân trắng có khả năng đạt 430.000 tấn, tăng 0,7% so với năm 2017.

Năm 2017, 4 thị trường nhập khẩu (NK) tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2018, dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm chân trắng của các thị trường này có xu hướng tăng.

 

Một tín hiệu vui với tôm Việt Nam là Australia đang xem xét việc nhập khẩu tôm tươi nguyên con vào thị trường này. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đang cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xây dựng vùng cơ sở an toàn và chuỗi sản xuất tôm an toàn để phục vụ xuất khẩu.

Nên đọc
Anh Thơ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo