Ba 'chướng ngại vật' khi triệt bằng rởm
Theo GS Hoàng Tụy, để “chặn” đường đi của những tấm bằng thật chất lượng giả thì phải vượt qua được 3 “chướng ngại vật”: hậu duệ, quan hệ, tiền tệ.
“Lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm, có vị trí đứng ra nói thẳng vào sự thật đã tồn tại sờ sờ ra đó từ nhiều năm qua. Đó là điều đáng trọng” – GS Hoàng Tuỵ nhận xét về phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực.
Tạm gọi bằng thật chất lượng giả là “bằng rởm”, GS Hoàng Tuỵ cho rằng nạn bằng giả, bằng rởm “Là một trong những biểu hiện của tính gian dối từ mấy chục năm qua đã trở thành “đặc tính” của người Việt Nam”.
- Có chuyện là một người ngoại quốc khi được hỏi không thích điều gì nhất ở Việt Nam đã trả lời là “tính gian dối”.
Đó không còn là tính xấu bình thường, mà là tính xấu phổ cập đến mức nhiều người gian dối nhưng lương tâm không cắn rứt, coi đó là bình thường.
Nguy hiểm đến mức nó tồn tại không phải ở tầng lớp người dân không học thức, văn hoá mà ở cả tầng lớp trí thức, và phần nào tầng lớp trí thức cao cấp, hơn nữa trong cả hệ thống chính trị.
Trong một xã hội như vậy, chống bằng giả, bằng rởm cực kỳ khó khăn. Khi đã để bệnh gian dối trầm trọng đến mức này thì gần như việc chữa bệnh bằng giả, bằng rởm là vô phương.
PV: Bằng rởm có xuất xứ từ chính ngành giáo dục. Vậy có vô lý không khi Bộ trưởng ngành giáo dục “nhờ” ngành nội vụ “chữa bệnh”, giống như bên bán nhờ bên mua đừng mua hàng giả do mình sản xuất?
- Người ta hay nêu danh ngành giáo dục, đổ hết cho giáo dục, nhưng tôi thấy có phần oan. Giáo dục đã đành có trách nhiệm, nhưng tôi nghĩ bất cứ ai đứng đầu ngành giáo dục cũng không thể ngăn chặn được căn bệnh này.
Tình hình nguy hiểm đến mức ai cũng biết vậy nhưng vẫn nhắm mắt. Những người có trách nhiệm trong xã hội thường không muốn nhìn thẳng vào sự thật đó, một phần bản thân mình vướng vào đó, một phần không nhận thức rõ sự nguy hiểm của tình hình.
Trong ngành nào thì nạn bằng giả, bằng rởm cũng vậy, ví dụ đã tràn đầy ra đó. Ngành giáo dục không phải ngành nặng nề nhất về tính dối gian.
Ai làm bằng rởm, ai dùng bằng rởm? Tôi không dám chắc quan chức tham gia làm bằng dởm, nhưng dùng bằng rởm là khá phổ biến. Cán bộ có bằng giả, bằng rởm leo lên những vị trí cao hơn thì càng có khả năng dễ chấp nhận những người có bằng rởm khác đang ngấp nghé muốn chui vào bộ máy.
Trong một cuộc họp cách đây 10 năm do thủ tướng Chính phủ khi đó là ông Phan Văn Khải chủ trì, tôi có nói phải thành thật là Nhà nước chúng ta chưa bao giờ nghiêm trong những vụ vi phạm kiểu này. Dẫn chứng là một ngành còn ra hẳn văn bản quy định trong ngành những ai có bằng giả thì phải hợp thức hóa được tấm bằng giả đó.
PV: Và ông đã nói là vô phương cứu chữa cho căn bệnh này?
- Nói như vậy không phải là bó tay. Không làm gì càng trầm trọng hơn.
Muốn ngăn bằng giả, bằng rởm chui vào cơ quan Nhà nước đương nhiên phải thông qua Bộ Nội vụ, các cơ quan về tổ chức trong Đảng, Bộ Chính trị, vụ tổ chức cán bộ của các bộ, ngành… Ngăn chặn bằng luật lệ, bằng cách thức thực hiện chính sách cán bộ, biên chế cơ quan, quy định về lấy người vào biên chế, lựa chọn cán bộ.
Nếu chúng ta có quy định chặt chẽ về lựa chọn cán bộ, và thực hiện nghiêm chỉnh thì bằng giả, bằng rởm khó lòng chui vào được.
Nhưng ở đây, về phía thu nhận người vào cơ quan Nhà nước lại theo kiểu mà dân gian nói: Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, và thứ tư mới là trí tuệ.
Chính vì vậy mà sửa chữa cực kỳ khó khăn. Vô phương là ở chỗ đó.
PV: Thôi thì, cứ giả sử, nếu bắt tay ngay vào chống bằng giả, bằng rởm, theo ông có cách nào và cần bao lâu để làm sạch được bộ máy?
- Bình thường ra có trăm nghìn cách chống bằng giả, bằng rởm. Nhưng với những gì xã hội khác có tác dụng, thì ở Việt Nam các cách đó lại hạn chế.
Bằng giả rất dễ phát hiện, chỉ cần tìm đến những hồ sơ lưu tại trường. Nhưng ở nước ta việc đó lại không hẳn đã dễ. Vì nếu người đi kiểm tra cùng móc ngoặc với người bị kiểm tra thì còn lâu mới làm được.
Phát hiện bằng rởm cũng không khó, nhưng phải có hiểu biết, thông tin. Muốn xác minh về cơ sở đào tạo, chỉ cần đến đại sứ quán các nước xin danh sách các trường trong hệ thống giáo dục của họ là có hết. Cơ quan tuyển dụng phải biết cái gì rởm, cái gì không.
Còn ở ta, các quan chức, công chức mang bằng rởm về cơ quan, chẳng ai biết thực chất. Mà biết rồi thì giải quyết cũng khó, bởi phải vượt qua 3 “chướng ngại vật” như đã nói - hậu duệ, quan hệ, tiền tệ.
Và nói chung, chống được hay không tuỳ thuộc vào trên cao nhất.
PV: Cải cách việc tuyển dụng bằng năng lực thực tế liệu có phải là cú hích cho sự nghiệp đổi mới giáo dục không, thưa ông, khi mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu điều này ra tại cuộc họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực?
- Đổi mới giáo dục trước hết phải thay đổi triết lý giáo dục. Giáo dục của chúng ta hiện nay đang mù quáng theo ý thức hệ, mô tả, xây dựng xã hội theo hướng đẹp đẽ… nhưng bên ngoài xã hội sai hết cả.
Tất cả những điều trong xã hội diễn ra trái hết giáo lý trong nhà trường. Xã hội mà cứ như thế, nhà trường sẽ không thể đào tạo được những người trung thực, sáng tạo.
Đổi mới giáo dục thế nào khi học sinh không thể làm theo khuôn mẫu ảo tưởng dựng lên trái hẳn thực tế xã hội?
Điều này đòi hỏi phải thay đổi quyết liệt từ chương trình, phương pháp, tổ chức giảng dạy…
PV: Khi gian dối đã trở thành đặc tính, thì việc dạy sự trung thực cho thế hệ trẻ sẽ phải bắt đầu lại như thế nào, thưa ông?
- Tôi đã nói từ rất lâu về điều này. Trong nhiều đức tính phải rèn luyện cho lớp trẻ, có hai thứ cấp bách nhất là trung thực và sáng tạo.
Trung thực là không gian dối, trung thực với người khác, trung thực với chính mình. Trước sự thật mà mình nhắm mắt không thừa nhận cũng là gian dối.
Với người khác mà nói sai sự thật, che giấu sự thật bệnh sẽ càng trầm trọng.
Phải nâng cao đạo đức xã hội, cả xã hội phải thấy trách nhiệm của mình, đồng thời đẩy mạnh vai trò của nhà trường - là nơi tác động đến đạo đức, rèn luyện bồi dưỡng cho lớp trẻ.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần xem xét lại một trong những cơ chế thúc người ta gian dối là thi đua, đi kèm là khen thưởng. Thi đua đặt ra nhiều tiêu chí, rất hình thức, không thực chất như không có học sinh lưu ban, tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, điểm số… là những áp lực khiến giáo viên phải nói “láo”, làm “láo”.
Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo