Bà cụ nghèo và 3 đứa cháu vô gia cư xin được thay phiên ngủ nhờ khi trời tối
Nói là biến cố, bởi lúc nào cuộc sống của bà Hồng dần đi đến ổn định thì bất hạnh lại ập xuống. Những tưởng sẽ không trụ nổi, nhưng vì ba đứa cháu nhỏ dại, bà Hồng (tên thường gọi là Nga) lại gượng dậy, tiếp tục lao vào những công việc không tên để có tiền đắp đổi qua ngày.
Trước đây, khi chồng bà Hồng còn sống, hai ông bà mở tiệm buôn bán bên vệ đường cũng có đồng ra đồng vào nuôi bốn người con. Sau đó, một người con của bà đột ngột qua đời, ba người còn lại luôn xảy ra mâu thuẫn với ông bà. Họ trải đời sớm, tự đi kiếm tiền nên cuộc sống gia đình không có ngày ngọt lành. Ông bà có căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, P. Cầu Kho, Q.1, TP. HCM (đoạn cầu Nguyễn Văn Cừ), lúc ông còn sống, con cái cũng nể sợ, tuy không ngọt ngào nhưng vẫn ở chung được.
Từ ngày ông mất, con cái lần lượt lập gia đình rồi sinh con đẻ cái. Căn nhà nhỏ dành cho ba cặp vợ chồng, bà Hồng và 9 đứa cháu trở nên bức bối, dù "xếp cá mồi" cũng không có chỗ nằm. Dưới áp lực của các con, bà Hồng buồn bã xin trú tạm ở cái lều của một người dì gần đó để ngả lưng vào mỗi tối.
Bà Hồng chia sẻ: "Hằng ngày, tôi đi lang thang quanh những con hẻm nhỏ, ai thuê gì làm nấy, nhiều người thương tôi có khi họ cho cơm, có khi cho vài ngàn để mấy đứa cháu có cái bỏ bụng. Tôi buồn các con, không muốn vào nhà nên cứ ngồi ở đường phố, tối đến thì vô lều ngủ. Chỉ tội ba đứa cháu nhỏ dại, tụi nó cũng lang bạt theo tôi. Hôm nào hiên nhà hàng xóm còn chỗ thì chúng được ngủ nhờ, không thì bốn bà cháu nằm dưới đất ngủ. Ăn thì nhiều chứ ở chẳng bao nhiêu...". Bỏ lửng câu nói, bà Hồng nhìn sang những đứa trẻ khép nép, sợ sệt khi có người lạ đến.
3 đứa cháu mà bà Hồng nhắc đến là Nguyễn Ngọc Thùy Dương (học lớp 2), Tohis (lớp 3) và một đứa mới 4 tuổi. Vì cuối năm 2012, ba mẹ chúng làm ăn thất bại nên bỏ nhà đi biệt xứ người. Từ khi con gái bỏ đi, bà Hồng cũng bặt tin chỉ biết im lặng kiếm tiền nuôi ba đứa cháu ngoại.
Để có tiền, bà Hồng làm đủ nghề, sáng 5h dậy đi phụ người ta bán cá đến 12h trưa, hôm nào bán đắt, người chủ cho bà khoảng 30.000 đồng, nếu bán còn dư thì cho cá về kho. Kết thúc buổi sáng bà Hồng tranh thủ đi hỏi xem có ai cần mua gì không thì bà đi mua dùm, trời nắng nóng nhiều người ngại ra đường, họ thường thuê bà với giá 5.000 đồng/lượt, có người hào phóng cho 10.000 đồng, có người chỉ cho tiền thừa, bà tuyệt nhiên không đặt giá cả, ai cho bao nhiêu thì cho. Tối đến, bà tranh thủ đi nhặt chai nhựa, giấy vụn người ta bỏ ngoài chợ về bán,... làm đủ nghề nhưng mỗi ngày bà chỉ kiếm được khoảng 30.000 đồng đến 60.000 đồng.
Về số nợ mà vợ chồng người con gái để lại, chủ nợ cứ túm lấy bà mà đòi tiền lời. Nhiều lần bà dắt díu 3 đứa cháu ra chợ trốn khi thấy chủ nợ từ đầu ngõ, nếu không chạy kịp thì xin khất nợ hoặc cứ mặc cho người ta xài xể rồi cũng xong. Với số tiền ít ỏi kiếm được, bà Hồng cùng 3 đứa cháu sống tằn tiện cũng dư chút ít, nhưng một tháng kiếm tiền không bằng một ngày bị bệnh. Bà Hồng bị viêm gân, mỗi lần bước đi là lại đau, thế nhưng bà không mua thuốc cho mình, mà chỉ để lo tiền trường, tiền thuốc cho cháu. Một trong nỗi lo lớn nhất của bà Hồng hiện giờ là cánh tay tật nguyền của bé Tohis.
Theo lời bà Hồng, đầu năm 2012 trong lúc đùa nghịch, bé Tohis bị ngã gãy tay, gia đình đưa bé đi bó bột. Khi bó bột xong, nhà cũng đã cạn tiền, Tohis cứ than khóc vì ngứa ngáy, khó chịu, và vì thấy cháu băng bột đã lâu mà không có tiền tháo nên bà tự ý cắt bột cho Tohis. Cánh tay chưa lành đã bị tháo bột nên không cố định được, Tohis té ngã thêm hai lần nữa khiến tay dặt dẹo không bình thường được. Bà Hồng đưa Tohis đi Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP. HCM), tại đây bác sĩ nói là phải mổ gấp để xếp xương tay của Tohis lại, nếu để lâu, bé trưởng thành thì sẽ khó trị và tật nguyền suốt đời, nhưng số tiền để mổ là khoảng 20 triệu đồng. "Nhà không có tiền ăn, tiền học cũng khó, bây giờ trong người tôi không có đủ 100.000 đồng, nghe bác sĩ nói phải cần 18 triệu cho ca mổ, tôi choáng váng gần như té ngã tại đó. Ôm Tohis về mà lòng như lửa đốt, không biết phải làm sao để cứu cháu mình", bà Hồng rưng rưng.
Nói về chuyện học của cháu, bà Hồng lặng người chia sẻ, trong 9 đứa cháu thì chỉ có Tohis và Thùy Dương được đi học, nhưng cả hai đều thiếu tiền trường cả năm vừa rồi, bây giờ bà chưa thể trả nên cả hai đứa đều không được xếp lớp. Ngày 4/9 này, hai em tựu trường, chúng cứ giục bà đóng tiền khi thấy tụi bạn đi mua dụng cụ học tập, bà chỉ biết yên lặng mà không thể giải thích cho chúng. Với số nợ bao vây, Tohis cần mổ, bà quyết định cho hai đứa thôi học, hai đứa trẻ nghe bà ngoại nói thì im lặng, buồn bã nhìn ra phía dòng người trên phố.
Nói đoạn, bà dẫn chúng tôi vào trong lều của người dì mà bốn bà cháu bà Hồng xin ngủ nhờ. Nhìn hai cây dù xập xệ, che đủ một chiếc giường và những món đồ linh tinh, nước đọng thành vũng mà chúng tôi ái ngại hỏi chiếc giường nhỏ thế làm sao đủ cho 5 người nằm. Bà Hồng cười buồn giải thích: "Dì tôi thì nằm trên giường, tôi nằm ghế bố, ba đứa nhỏ thì gửi nhà hàng xóm. Hôm nào họ cho ngủ ở trong thì vào, không thì chúng ngủ ngoài hiên. Người ta cũng biết hoàn cảnh, thương chúng nên không đuổi, chỉ cần sáng thức sớm là được. Nắng thì đỡ, chứ mưa thì cũng tội, nhưng tôi còn ngủ nhờ thì sao mà lo được cho chúng".
Thời tiết Sài Gòn dường như cũng muốn trêu đùa người ta, sáng thì nóng như đổ lửa, chiều đến những cơn gió ào ào, oằn mình như muốn mời gọi cơn mưa lớn. Dòng xe trên phố cũng vội vã nhanh chóng trở về nhà, những người mưu sinh nghèo tranh thủ che chắn cho hàng hóa, lúc này bà Hồng cũng vội vã đi giúp mọi người để được tiền công. Khi bà ngoại đi vắng, ba đứa trẻ sợ hãi ôm lấy nhau trong những cơn dông, những tiếng sét rền vang một góc phố nghèo, rồi ngủ thiếp đi đợi trời sáng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc