Thị trường

Ba giải pháp cho 3 đặc khu kinh tế, tạo bước phát triển đột phá cho đất nước

Đây là những đề xuất của PGS, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, người đang làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore về các đặc khu kinh tế của Việt Nam.

Thông điệp Chiến lược và ba mục đích lớn

Việt Nam đang có những chuyển động rất lớn trong nỗ lực phát triển, trong đó việc thành lập ba ĐKKT Vân đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ là một bước đi đột phá, có thể đem lại những tác động sâu rộng đến cục diện phát triển của cả nước. Điều quan trọng là, bước đi này cần tầm vóc hơn về mục tiêu, thông thái hơn về chiến lược và sắc bén hơn về phương cách thực thi.

Về mục tiêu, nỗ lực xây dựng ĐKKT nhằm tới ba mục đích lớn.

PGS, Tiến sĩ Vũ Minh Khương.

Thứ nhất, đó là một thông điệp chiến lược về ý chí phát triển, tư duy hội nhập, và năng lực tổ chức.

Thứ hai, các ĐKKT là động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy nhanh công cuộc cải cách-phát triển thông qua gắn kết sâu rộng với thế giới và thử nghiệm các mô hình quản trị có tính đột phá.

Thứ ba, các ĐKKT, thay vì hoàn toàn ỷ lại vào ưu đãi, phải là nơi thể hiện sáng chói sự ưu tú về con người và thể chế. Đây không chỉ là nơi sử dụng hiệu quả nhất mà còn là nơi tốt nhất thu hút và đào tạo nguồn nhân lực xuất sắc cho Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo, và hội nhập quốc tế.

Với các mục tiêu này, sự hình thành và phát triển của các ĐKKT sẽ không chỉ hạn hẹp ở ba khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, mà có thể lan tỏa rất nhanh, biến cả Việt Nam thành đặc khu phát triển của châu Á và thế giới. Trong phát triển, Việt Nam rất cần chú ý tới khả năng này. Nó gọi là "đà thắng lợi" hay nôm na là "thừa thắng xông lên".

Bước đi riêng để khai thác tối đa lợi thế

 

Về chiến lược, mỗi ĐKKT cần có chiến lược riêng, đặc sắc để khai thác tối đa đặc thù và lợi thế của mình.

Với, ĐKKT Vân đồn, khai thác sức mua của thị trường Trung Quốc cần là ưu tiên hàng đầu. Ba thế mạnh ĐKKT Vân Đồn có thể trội vượt là coi trọng đặc biệt về quản lý chất lượng, gắn kết sâu rộng với thế giới; và sức mạnh tổng lực của người Việt Nam. ĐKKT Vân đồn phải làm gì để khách hàng coi nơi đây là điểm đến lý tưởng cho mua hàng chất lượng cao và được tuyệt đối đảm bảo, không gian dối, dù đó là hàng hiệu quốc tế hay sản phẩm bình dân của Việt Nam.

ĐKKT Vân đồn cần khai thác tối đa lợi thế kết nối sâu rộng với thế giới, đặc biệt là các dịch vụ công nghệ số mà bị hạn chế ở Trung Quốc. ĐKKT Vân đồn cũng cần phải là một Điện Biên Phủ để người Việt Nam huy động hết tài lực của mình chứng minh với nước bạn và thế giới không chỉ về đẳng cấp phát triển mà cả lòng chân thành và khả năng hợp tác.

Với ĐKKT Bắc Vân Phong, khai thác thế mạnh du lịch của Miền Trung và Việt Nam cần được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt trong gia đoạn đầu. ĐKKT Bắc Vân Phong cần một căn cứ hậu cần và là tổ hợp đẳng cấp toàn cầu của ngành công nghiệp du lịch.

ĐKKT Phú Quốc có tiềm năng rất lớn để trở thành một mô hình phát triển bền vững của thế kỷ 21, dựa trên sự bảo toàn hệ sinh thái và khai thác tối đa các công nghệ thông minh. Điện mặt trời, rừng nguyên sinh, đảo thông minh, nơi hội tụ các ý tưởng và chia sẻ kiến thức cần trở thành những đặc trưng định hình nên ĐKKT Phú Quốc tương lai.

 

Luật chung cho Đặc khu Kinh tế

Đã có nhiều ý kiến rất giá trị của các chính khách và học giả trong luận bàn về phương cách triển khai thực các ĐKKT ở Việt Nam, trong đó, có hai điểm Quốc hội và Chính phủ cần hết sức lưu tâm. Điểm thứ nhất là, luật ĐKKT cần là một luật chung. Nó tạo cho Việt Nam một vũ khí chiến lược có sức mạnh tiềm tàng để triển khai ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào khi có thể tạo ra xung lực phát triển quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Trên cơ sở luật chung này, nghị định áp dụng luật ĐKKT cho ba địa bàn Vân Đồn, Bắc Vân Phong, và Phú Quốc là bước đi khởi đầu.

Điểm thứ hai là, tuyệt đối không cho tăng thêm thời hạn thuê so với mức tối đa 70 năm mà luật đất đai hiện tại cho phép. Tôn trọng ý kiến này không chỉ tăng ủng hộ của nhân dân mà còn khuyến khích các dự án ứng dụng kỹ thuật có tiến bộ nhanh và mang lại hiệu quả sớm. Cho thuê đất 99 năm sẽ làm các ĐKKT bị thiên lệch về thu hút các nhà đầu tư có tính đầu cơ.

Ngoài ra, trong phương cách thực hiện, Chính phủ nên xem xét ba đề xuất sau.

Thứ nhất, để tăng hiệu quả phối thuộc và công hưởng của ba ĐKKT và toàn bộ nền kinh tế, Chính phủ lập Hội đồng xúc tiến và phối thuộc phát triển các ĐKKT. Hội đồng này gồm các chuyên gia hàng đầu có trách nhiệm hỗ trợ, tư vấn, và xúc tiến các ĐKKT phát triển. Hội đồng không can thiệp vào quyết định của lãnh đạo ĐKKT nhưng theo dõi chặt chẽ và định kỳ phân tích, đánh giá, chấm điểm hiệu quả của các ĐKKT để báo cáo Thủ tướng. Cách kiểm soát quyền lực tốt nhất là đồng hành, minh bạch, và đánh giá khoa học.

 

Thư hai, bộ máy vận hành của các ĐKKT nên học kinh nghiệm các cục tác nghiệp (statutory boards) của Singapore. Trong cơ chế này, cơ quan thực thi chính sách có nhiều cơ chế giống với doanh nghiệp. Họ có hội đồng quản trị và có khả năng linh hoạt tuyển dụng người giỏi và hỗ trợ các dự án đầu tư có hiệu quả cao. Chẳng hạn họ có thể thuê chuyên gia trả lương 200-300 nghìn USD nếu thấy rằng chuyên gia này có thể đem lại cho tổ chức hàng triệu USD.

Thứ ba, các ưu đãi dự kiến giành cho các ĐKKT cần có tính hiệu quả và chiến lược cao hơn. Chẳng hạn, không nên để cơ chế bốn năm miễn thuế 100%, chín năm giảm thuế 50% không tính đến thời điểm đầu tư. Trên thực tế, trong giai đoạn khởi đầu (5-10 năm), sự hỗ trợ cần hết sức đặc biệt; kể cả gói trợ cấp. Tuy nhiên sau khi ĐKKT đã đi vào giai đoạn cất cánh, rất nhiều nhà đầu tư muốn vào, không có lý gì lại cho họ nhiều ưu đãi hơn đầu tư ở các địa bàn khác.

Xây dựng các ĐKKT là một bước đi đột phá, có khả năng giúp Việt Nam tạo nên những bước tiến ngoạn mục chưa từng có trong công cuộc phát triển. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, trong rất nhiều nỗ lực, Việt Nam thường bị đánh giá là "Khát vọng nhiều, tiềm năng lớn, nền móng yếu, khó đi xa".

Yếu tố nền móng ở đây nhấn mạnh đến mục tiêu lớn, tầm chiến lược, và khả năng thực thi sắc bén. Xây dựng ĐKKT của Việt Nam sẽ chỉ thành công nếu chúng ta không coi đây là cơ hội của cá nhân, nhóm người hay địa phương mà là một lời tuyên ngôn quả cảm của thế hệ người Việt Nam hôm nay rằng chúng ta sẽ cùng nhau viết lên những trang sử vẻ vang mà thế hệ mai sau mãi mãi thấy tự hào và thôi thúc.

Phó giáo sư/Tiến sĩ Vũ Minh Khương đang làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Ông chủ yếu nghiên cứu và giảng dạy về phát triển kinh tế và phân tích chính sách. Ông cũng đồng thời là giáo sư thỉnh giảng về Chính sách Công của Đại học Nazarbayev, Kazakhstan. 

 

Phó giáo sư Vũ Minh Khương là tác giả của 2 cuốn sách, hơn 20 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành và rất nhiều các bài phân tích trên các tờ báo khu vực và quốc tế. Trước khi đi theo con đường học thuật, ông từng giữ nhiều chức vụ trong bộ máy hành chính Việt Nam, bao gồm Phó chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đình Vũ và Nghiên cứu viên tại Ban Cố vấn của Thủ tướng.

Tốt nghiệp bằng Cử nhân Toán tại Đại học Hà Nội, ông tiếp tục theo học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Tiến sĩ tại Đại học Harvard. Trước khi làm việc tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu, ông từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Suffolk, Boston, Mỹ và Đại học Keio, Tokyo.

Nên đọc
Theo Trí thức trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo