Bà Phạm Chi Lan chỉ rõ 3 điểm yếu cố hữu khiến DN Việt không thể lớn
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế màu xám
- Nói đến Việt Nam, không ít người đặt câu hỏi: Nước ta có rừng vàng, biển bạc tức là tài nguyên có, hơn 90 triệu dân, có khát vọng, có sáng tạo, có những lĩnh vực kinh tế thế mạnh… nhưng vẫn nghèo. Bà có thể lý giải ngắn gọn dưới góc độ kinh tế không?
Bà Phạm Chi Lan: Dưới góc độ kinh tế, doanh nhân Việt Nam, nói về bình diện chung, theo chuyên gia kinh tế Vũ Quốc Tuấn, từng làm trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây đã nói một câu rất hay là: “Thể chế nào, doanh nhân đấy. Thể chế nào doanh nghiệp ấy”. Đúng là ở nước ta trong điều kiện kinh doanh ở Việt Nam thì chúng ta chỉ có một mặt bằng chung hầu hết các doanh nghiệp là nhỏ và vừa chưa thoát khỏi được mô hình công ty gia đình, trình độ quản trị còn hạn chế, trình độ công nghệ khá lạc hậu; làm ăn chủ yếu theo nhưng nhu cầu ngắn hạn, năng suất lao động thấp, tỷ suất lợi nhuận thấp.
Buồn nhất là trong những năm gần đây đang có những bước lùi dần về quy mô mà đáng lẽ ra trong thời kỳ như thế này chúng ta phải tăng được về quy mô. Theo báo cáo của VCCI đưa ra hồi đầu năm 2013 cho thấy trong 10 năm từ 2002- 2010, DN Việt Nam giảm trung bình 50% về quy mô nhân lực, còn về vốn trong báo cáo đó nói là tăng lên nhưng xét theo lạm phát thì cũng giảm tới 4 lần so với trước. Với thách thức rất lớn của tình trạng nền kinh tế bị bất ổn định lớn về vĩ mô trong thời gian vừa qua, hàng vạn doanh nghiệp đã chết.
Điều đó cũng cho thấy sức chống đỡ của các doanh nghiệp Việt Nam yếu như thế nào dù 2 năm qua kinh tế thế giới đều đã vượt qua khủng hoảng năm 2008.
- Vậy điều gì ở giới doanh nhân Việt khiến bà ấn tượng nhất?
Bà Phạm Chi Lan: Trong bức tranh ảm đạm đó thì vẫn có những số ít điểm sáng, những doanh nghiệp nổi lên, phát triển vững chãi được công nhận. Thời gian vừa qua, tạp chí Forbes công nhận 2 nữ doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam như những nữ doanh nhân hàng đầu của châu Á là bà Mai Kiều Liên (ngành sữa), bà Phạm Thị Việt Nga (ngành dược). Về ngành dược, sự vượt lên của bà Việt Nga cũng như công ty dược Hậu Giang thực sự đáng trân trọng.
Trong các lĩnh vực khác, chúng ta cũng có những doanh nhân nổi danh như ông Trương Gia Bình của FPT trong tạp chí Nikkei của Nhật nêu ra như một doanh nghiệp tiêu biểu của châu Á. Đó là sự đánh giá rất đáng trân trọng đối với công ty thuộc ngành công nghệ cao trong bối cảnh ở Việt Nam.
Có những người khác như ông Phạm Nhật Vượng - tỷ phú đầu tiên của Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Cách đi của ông Vượng rất đáng biểu dương so với những doanh nghiệp khác. Những tai tiếng thu hồi đất của Vingroup hầu như không có, không thấy có khiếu kiện của người dân mất đất như một số trường hợp khác, hoặc chuyện đền bù quá rẻ mạt để sau này thu lợi lớn về cho mình. Họ đã kết hợp hài hoà lợi ích của những nhà xây dựng với sự cần thiết về cơ sở hạ tầng đi cùng ở những nơi có dự án. Đó là một cách đi rất tốt, minh bạch được tài sản để thế giới công nhận.
Ngoài ra tôi cũng muốn nói về 1 trường hợp khác khiến tôi rất ấn tượng dù trên trường quốc tế họ chưa có được những danh hiệu như những doanh nhân mà tôi đã nêu ở trên. Đó là Đặng Lê Nguyên Vũ. Danh hiệu của Đặng Lê Nguyên Vũ được công nhận có đâu đó nhưng điều mà Đặng Lê Nguyên Vũ để lại trong tôi nhiều nhất có lẽ là chính là tâm huyết của anh ấy.
Đó là người dám có khát vọng lớn, dám có những ý tưởng mà nhiều khi bị mọi người nghĩ là ngông cuồng. Những điều này rất đáng quý. Xã hội bao giờ cũng cần những người có khát vọng lớn, dám bỏ công sức và tiền bạc của mình để thực hiện khát vọng ở chỗ này, chỗ khác. Đóng góp của anh Vũ cho các hoạt động xã hội để khơi dậy khát vọng cho thanh niên là rất đáng trân trọng.
3 điểm yếu cố hữu của doanh nhân Việt
- Bên cạnh những “điểm sáng” đó, thưa bà, doanh nhân Việt đang mắc phải những điểm yếu cố hữu gì?
Bà Phạm Chi Lan: Điểm yếu hàng đầu là thiếu tư duy táo bạo để dám vượt lên. Đã làm doanh nghiệp thì phải chấp nhận rủi ro. Những người dám chấp nhận làm doanh nghiệp dù có những nền tảng đào tạo rất khác nhau trong một môi trường còn đầy rẫy những khó khăn như ở Việt Nam đã được đánh giá cao.
Nhưng chỉ có tinh thần chấp nhận rủi ro đó thôi thì có lẽ chưa đủ để họ trở thành những doanh nhân mạnh mẽ hơn, dám vượt lên ở những tầm cao hơn. Đó là cái thiếu chung ở mặt bằng doanh nhân Việt Nam.
Khi tôi tham gia một số diễn đàn thấy một số người phát biểu được những ý kiến rất hay như anh Phạm Đình Đoàn hay là những người luôn trăn trở về những ngành lớn như ngành thép Việt Nam như anh Đỗ Viết Thái… Tiếc rằng những tấm gương tốt như vậy ít quá, vẫn là hiện tượng “đếm trên đầu ngón tay”. Về cơ bản, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ tư duy, suy nghĩ táo bạo để dám vượt lên. Khi người ta không có ý chí, khát vọng đến cùng trong sự nghiệp đó để mình theo đuổi thì khó có thể có thành công vang dội.
Thứ hai là chưa tạo được tính liên kết trong hoạt động. Vẫn còn ít các doanh nghiệp khi mới hình thành, mời được những người khác về làm việc, tạo được một sự gắn bó với nhau. Phần lớn các doanh ngiệp Việt Nam vẫn hoạt động theo hình thức công ty gia đình. Và như vậy chỉ tin cậy được với vài người trong gia đình, nhiều lắm là đào tạo cho con em mình kế nghiệp sau này chứ chưa mạnh dạn thuê người ngoài vào cùng với họ để gắn bó với nhau đi lên.
Trường hợp nhóm Marketing của anh Trần Bảo Minh rất nổi tiếng, nhưng Trần Bảo Minh “trụ” ở đâu cũng chỉ một vài năm thôi hoặc thậm chí là vài tháng rồi đi nơi khác. Có những người tài được xã hội thừa nhận nhưng không phải ai cũng sử dụng được những tài năng đó. Tôi thấy mấu chốt của vấn đề ở đây là không tạo được sự gắn kết, sự đồng điệu hài hòa với nhau, chia sẻ khát vọng, mục tiêu, tầm nhìn chiến lược cùng nhau để thiết kế những chính sách đúng đắn cho doanh nghiệp để đưa doanh ngiệp phát triển một cách bền vững. Đó là lý do khiến chúng ta có ít doanh nghiệp thành danh.
Và cũng từ cái thiếu đó mà các doanh nghiệp thiếu đi nguồn nhân lực có trình độ cao để làm việc. Vì thế nên các doanh nghiệp hay kêu là thiếu nguồn nhân lực. Vấn đề là từ nền tảng giáo dục của nước ta.
Thứ ba là các vấn đề thuộc về kỹ năng quản trị các mặt, công nghệ không đi cùng cơ cấu phát triển của doanh nghiệp nên không giúp được cho doanh nghiệp phát triển mạnh lên.
Tôi buồn một phần vì doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa phát triển được với tầm vóc cần thiết. Nhưng cũng phải hiểu cho họ là cái đó xuất phát từ thể chế kinh tế và nền tảng giáo dục như thế này, những trói buộc về tư duy văn hóa xã hội vẫn còn nặng nề khiến cho người ta chưa tạo được ra sự bứt phá. Tình trạng e ngại với những gì khác so với bình thường, tự mình đặt ra những chuẩn rất tầm tầm rồi hài lòng với cái tầm tầm ấy vẫn còn phổ biến
- Trong quá trình hội nhập quốc tế, rào cản lớn nhất của doanh nhân Việt là gì, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Trong quá trình hội nhập quốc tế, rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam có lẽ trước hết là độ vênh nhau rất lớn giữa mình và quốc tế trong mặt bằng chung của thế giới kinh doanh hiện đại. Người ta đang phát triển trên nhiều nhân tố mới trong khi đó mình đang phát triển trên nền tảng của một nền kinh tế vẫn còn quá lạc hậu.
Nếu nói về kết cấu và thiết chế kinh tế, hiện nay, Việt Nam đang rất lạc hậu với các nước trên thế giới. Nếu chỉ so sánh với các nền kinh tế trong khu vực như với Malaysia, Singapore hay Thái Lan thôi thì cũng đã thấy khoảng cách của mình với họ đã rất xa. Trong khi đó, mình đang chơi với họ.
Có khoảng 50% hàng xuất khẩu của chúng ta sang 3 khu vực kinh tế tiên tiến nhất thế giới là: Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản. Ở một vị thế thấp như thế này tiếp xúc với những đối tượng có vị thế cao như vậy mà mình không vượt lên được thì thế của mình sẽ bị lép dần mặc dù sản lượng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang tăng lên. Những phần xuất khẩu đó đang rơi dần vào tay các nhà đầu tư nước ngoài bởi 60% số hàng xuất khẩu là do các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
Đó là một hệ quả tất yếu mặc dù ban đầu họ có thể chơi với mình khi mình còn làm giá rẻ, ban đầu người ta chấp nhận cách chơi của mình. Càng ngày họ sẽ càng đòi hỏi những chuẩn cao hơn mà mình không đáp ứng được thì mình sẽ bị người khác thay thế ngay trên mảnh đất của mình. Suy cho cùng đó là độ vênh về trình độ kinh tế cũng như thể chế kinh tế mà rất khó để vượt lên được. Số có thể vượt lên được còn rất ít.
- Với những doanh nhân đang ấp ủ hoài bão bước ra biển lớn, bà nói gì với họ?
Bà Phạm Chi Lan: Với những doanh nhân ấp ủ khát vọng ra biển lướn thì tôi muốn nói rằng: Tôi kỳ vọng ở lứa doanh nhân mới ở Việt Nam - những người đang ở lứa tuổi 20 – 30 – 40 vẫn còn chặng dài trước mắt để có thể vượt xa. Cái đáng mừng ở nước ta hiện nay là đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, có được thế hệ doanh nhân được đào tạo tương đối tốt, tự đào tạo chịu khó học thực sự, chịu khó đi làm cho các công ty để học hỏi.
Những doanh nhân đó có hoài bão cao hơn, có ý chí cao hơn để vượt lên trong môi trường ngày càng thuận lợi hơn. Tôi rất thích những người trẻ như vậy.
- Xin trân trọng cảm ơn bà
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc