Pháp luật

Bác sĩ Hoàng Công Lương tại ngoại có ảnh hưởng đến quá trình tố tụng?

Bác sĩ Lương chỉ thiếu sót không ký nhận biên bản bàn giao sau khi súc rửa hệ thống nước RO số 2 máy chạy thận nhân tạo. Việc bác sĩ Lương tại ngoại không ảnh hưởng gì đến quá trình tố tụng.

Sau 13 ngày bị bắt tạm giam, ngày 5/7, bác sĩ Hoàng Công Lương (31 tuổi, trú tại xã Đông Xuân, Quốc Oai, TP Hà Nội) làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, được Viện KSND tỉnh Hòa Bình thay thế biện pháp ngăn chặn tạm thời cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú, theo tin tức trên báo Tiền phong.

Bác sĩ Hoàng Công Lương được tại ngoại, không ảnh hưởng đến quá trình tố tụng. Ảnh Vietnamnet

Tuy nhiên, bác sĩ Lương vẫn ngại tiếp xúc với người ngoài. Kể từ lúc về nhà, bác sĩ Lương mới gặp mẹ, vợ, con gái út 7 tháng tuổi. Ngoài sự có mặt của luật sư, không có thêm hàng xóm hay người thân thích khác vì gia đình bác sĩ Lương không muốn cuộc sống bị xáo trộn. 

Từ khi bác sĩ Lương bị bắt tạm giam tới nay, người vợ trẻ như bị dội gáo nước lạnh lên đầu mà tới nay chị này vẫn còn sốc - ông H.V. Tình, chú ruột bác sĩ Lương - chia sẻ.

Bác sĩ Lương gửi lời cảm ơn đến tập thể cơ quan, các thầy cô, đồng nghiệp và những người đã lên tiếng ủng hộ, đề nghị cho anh được tại ngoại. Bác sĩ Lương nói rất xúc động, không thể hình dung được mọi người lại ủng hộ mình nhiều như thế - luật sư của bác sĩ Lương cho biết.

Trò chuyện với PV tại nhà riêng, mẹ của bác sĩ Hoàng Công Lương nói: “Khi nghe tin con trai bị bắt, tôi vô cùng hoảng hốt, chỉ chảy nước mắt, không thể nói nên lời. Lương bị bắt, cuộc sống của gia đình bị xáo trộn. Nay biết tin con trai được tại ngoại, tôi mừng quá nên đã lập tức từ quê lên Hòa Bình”.

Liên quan đến việc bác sĩ Lương được tại ngoại, ngày 6/7, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình nói: Thời gian vừa qua dư luận, đội ngũ y, bác sĩ,  Bộ Y tế, Tổng hội Y học…  đã lên tiếng kêu gọi cơ quan tố tụng cho bác sĩ Lương tại ngoại là một hành động thể hiện tính nhân văn. 

 

Ông Khánh cho rằng: Bác sĩ Lương chỉ thiếu sót không ký nhận biên bản bàn giao sau khi súc rửa hệ thống nước RO số 2 máy chạy thận nhân tạo, việc này đã quá rõ. Chính vì thế việc cho bác sĩ Lương tại ngoại không ảnh hưởng gì đến quá trình tố tụng.

Trước đó, Bộ Y tế cũng sẽ có văn bản đề nghị Công an tỉnh Hòa Bình thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ Lương, theo báo Dân việt.
Ngày 29/6, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Lê Gia Vinh cũng có văn bản gửi Công an và VKSND tỉnh Hòa Bình, đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét đầy đủ các yếu tố khách quan nhằm tránh oan sai, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bác sĩ Hoàng Công Lương.

Tổng hội cũng đề nghị cơ quan công an cho bác sĩ Lương tại ngoại phục vụ điều tra, do sai sót của bác sĩ là sai sót về thủ tục hành chính.
Hội Hồi sức - Cấp cứu và chống độc Việt Nam, Bộ Y tế, các GS, BS đầu ngành, đồng nghiệp, người nhà nạn cũng đã gửi đơn kiến nghị cho BS Lương được tại ngoại.

Như tin đã đưa, ngày 29/5, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xảy ra sự cố tai biến do chạy thận khiến 8 người tử vong. Sau đó 1 ngày, cơ quan công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án. Ngày 22/6, cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố 3 bị can để điều tra làm rõ.

Ngày 22/6, cơ quan CSĐT bắt tạm giam 3 nghi can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương để điều tra vì tội danh: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242, Bộ luật Hình sự. 

 

Nên đọc
Hiền Minh (Tổng hợp theo báo Tiền phong, Dân việt)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo