Bác sỹ đang bị vắt kiệt sức lao động
Là ngành được xác định phải “đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ đặc biệt” song hiện nay, rất nhiều cán bộ y tế - đặc biệt là ở địa phương, chưa nhận được đãi ngộ tương xứng. Ngay tại các thành phố lớn, không phải bác sỹ, điều dưỡng nào cũng có cơ hội làm thêm để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống.
Khám 10 người bằng khám 100 người
Đó là thực tế mà bác sỹ Trần Văn Phúc (BV đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) nêu khi giá viện phí BHYT bệnh viện thu không đủ chi.
Để làm rõ hơn về việc này, bác sỹ Phúc phân tích: Để một máy siêu âm sinh ra lợi nhuận vừa đủ bù đắp chi phí tối thiểu cho máy đó hoạt động thì giá mỗi ca siêu âm phải là 70.000 đồng. Nhưng thực tế, giá BHYT trả cho mỗi ca siêu âm này chỉ 20.000 đồng, nghĩa là bệnh viện phải chịu lỗ 50.000 đồng/ca.
“Thực tế này khiến bệnh viện càng làm càng lỗ, không có tiền để đầu tư mua sắm máy móc, máy nào cũng “kẽo kẹt” song đều phải sử dụng hết công suất để phục vụ bệnh nhân. Vậy thì nói gì đến chuyện có tiền để trả công cho cán bộ y tế sao cho xứng đáng?”, bác sỹ Phúc đặt câu hỏi.
Bác sỹ Phúc cho biết: “Đêm trực là vất vả nhất, bác sỹ thức trắng đêm, phải khám cho hàng trăm bệnh nhân cấp cứu, nhiều bệnh nhân và người nhà trong trạng thái bị kích động khiến bác sỹ, điều dưỡng bị đe dọa, rất khổ sở. Nhưng tiền bồi dưỡng mỗi ca trực cho bác sỹ như vậy cũng chỉ 100.000 đồng.
“Là bệnh viện hạng I của TP Hà Nội, số lượng bệnh nhân luôn quá tải vượt chỉ tiêu 200 - 300%, nhưng càng quá tải thì thu nhập của nhân viên y tế càng thấp do bất cập của chế độ viện phí khu vực BHYT, nên thực tế thu nhập của cán bộ y tế rất “khiêm tốn”. Ngoài tiền lương theo ngạch bậc, nhờ mở khu vực khám dịch vụ, mỗi năm mỗi cán bộ y tế được thêm một khoản phúc lợi “không đáng là bao” - bác sỹ Phúc chia sẻ.
Mỗi đêm trực cũng phải xử lý 60-70 bệnh nhân, có lúc cao điểm lên tới 100 người, số tiền mà chị Hoàng Thị Nguyệt - bệnh viện huyện Hoài Đức (Hà Nội) nhận được là 60.000 đồng. “Đó là đã tăng rồi, trước đây mỗi ca trực chỉ được 25.000 đồng thôi”, chị Nguyệt ngậm ngùi.
"Bệnh nhân đòi hỏi chúng tôi ân cần, nhẹ nhàng, đó là điều bình thường, nhưng ngày nào cũng quần quật như thế, nói thực lòng là quá mệt mỏi và áp lực", chị Nguyệt than.
Chị tâm sự: “Trong ngành y, muốn sống tốt một cách chân chính bằng nghề khó lắm, trừ những người thực sự giỏi, có tiếng, mà số này rất ít, muốn sống tốt cũng phải “lách” đủ kiểu chứ không trông chờ vào đồng lương èo uột Nhà nước trả”. Đi làm đã mười mấy năm, hiện lương chị Nguyệt chỉ hơn 3 triệu đồng.
Vắt kiệt sức lao động
Tại bệnh viện tuyến Trung ương, do được thực hiện các dịch vụ y tế đa dạng hơn và được thu viện phí mức cao hơn, có điều kiện làm thêm ngoài giờ nên thu nhập của cán bộ y tế có khá hơn, song cũng rất vất vả.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết mỗi bác sỹ của khoa mỗi ngày khám ít nhất 30-50 ca, ngày nào đông khoảng 60-70 ca, cao điểm lên tới 100 ca, trong đó có những ca nặng không thể tính được lượng chất xám, thời gian, kinh nghiệm bác sỹ phải đổ vào.
Công việc áp lực là vậy nhưng ngoài lương cơ bản, mỗi bác sỹ ở đây hàng tháng nhận thêm không quá 1,5-2 lần lương tối thiểu theo quy định. Tính ra, mỗi bác sỹ ra trường được nhận vào làm việc chính thức (tức là 8 năm kể từ khi đỗ ĐH, bởi ra trường sau 6 năm học Y còn phải học nghề 2 năm nữa) thì thu nhập mỗi tháng chỉ trên 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, dù sao PGS Dũng cũng nhìn nhận: Cán bộ y tế tuyến trên vất vả vì quá tải, vì bệnh nhân nặng, nhưng dù sao vẫn còn “may mắn” hơn vì có những cơ hội khác để tăng thu nhập.
Đồng tình với ý kiến này, song bác sỹ Trần Văn Phúc ngậm ngùi: Làm thêm là điều bắt buộc, chẳng bác sỹ nào muốn. Sau mỗi ngày quần quật ở bệnh viện, ai cũng muốn được nghỉ ngơi, dành thời gian cho con cái, gia đình, đọc sách nghiên cứu trau dồi chuyên môn vì ngành y mà tụt hậu là chết.
“Thế nhưng, vì thu nhập từ bệnh viện chẳng đủ đảm bảo cuộc sống nên bác sỹ hết giờ làm vẫn phải đến phòng khám tư “cày cuốc” đến 9-10 giờ đêm mới nghỉ. Nhiều người nói thu nhập của bác sỹ thành phố cao, nhưng đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ.
Thu nhập của ngành y (ở thành phố) thực chất cũng không quá kém cỏi so với các ngành nghề khác song thực tế bác sỹ đang bị bóc lột sức lao động vì làm việc quá vất vả nhưng không nhận được đãi ngộ tương xứng chứ đừng nói đến đãi ngộ đặc biệt”, bác sỹ Phúc cho hay.
Còn với bác sỹ địa phương, vùng sâu vùng xa thì làm thêm bằng gì? Một bác sỹ ở tỉnh Cao Bằng cho biết bệnh nhân nếu có điều kiện kinh tế đều đổ về Hà Nội chữa bệnh, chỉ còn lại toàn bệnh nhân nghèo, nhiều khi bác sỹ còn phải bỏ tiền túi ra để giúp bệnh nhân mua cơm ăn, quần áo. Như vậy, có mở phòng khám hay dịch vụ cũng "ế".
Với khoản lương ít ỏi (đã cộng cả phụ cấp đặc thù ngành cũng chỉ trên 2 triệu/tháng) nhưng cán bộ y tế ở đây vất vả vô cùng: Phải đến từng thôn bản tuyên truyền, phát thuốc và vận động người dân hợp tác.
“Trong khi Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế luôn khẳng định vai trò đặc biệt của hệ thống y tế cơ sở thì thực tế những chính sách đãi ngộ đối với cán bộ ở tuyến này đã thỏa đáng chưa?”, vị bác sỹ ưu tư.
VietnamNet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Cột tin quảng cáo