Bài phát biểu lịch sử của Putin làm yên lòng giới đầu tư
Trong bài phát biểu trước lưỡng viện của Nga, ngoài những khẳng định tính pháp lý và lịch sử về cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm và sáp nhập lãnh thổ này vào Nga, ông Putin cũng xoa dịu dư luận khi cho rằng, Nga không có ý định chia cắt Ukraine và sẽ không tiến hành sáp nhập bất kỳ lãnh thổ nào khác của Ukraine vào Nga.
Phát biểu này của ông Putin khiến giới đầu tư nhẹ nhõm hơn rất nhiều khi biết rằng, cuộc khủng hoảng sẽ không sâu sắc hơn, qua đó giúp chứng khoán Mỹ có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp, trong đó chỉ số S&P 500 tăng 1,7% trong 2 phiên này, mức tăng trong 2 ngày tốt nhất kể từ đầu tháng 2.
Ngoài ra, phát biểu Thủ tướng Chính phủ lâm thời Ukraine Arseni Yaseniuk cũng góp phần làm giảm bớt căng thẳng ở đây. Theo đó, ông Arseni Yaseniuk cho biết, việc gia nhập NATO không nằm trong chương trình nghị sự của Ukraine và chính phủ nước này sẽ giải giáp tất cả các nhóm vũ trang. Đây là phát biểu được đánh giá là nhằm xoa dịu Nga và cũng giúp giới đầu tư toàn cầu bớt lo ngại hơn về cuộc khủng hoảng Ukraine.
Về thông tin kinh tế, Phố Wall đón nhận một số thông tin trong phiên giao dịch ngày 18/3, nhưng không có nhiều tác động. Theo dữ liệu được công bố, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 2, đúng như dự báo trước đó.
Kết thúc phiên 18/3, chỉ số Dow Jones tăng 88,97 điểm (+0,55%), lên 16.336,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,42 điểm (+0,72%), lên 1.872,25 điểm. Nasdaq tăng 53,36 điểm (+1,25%), lên 4.333,31 điểm.
Cũng giống như chứng khoán Mỹ, bài phát biểu của ông Putin cũng tác động tích cực tới chứng khoán châu Âu. Các thị trường chứng khoán của “lục địa già” cũng có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 18/3, chỉ số FTSE tại Anh tăng 36,93 điểm (+0,56%), lên 6.605,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 61,66 điểm (+0,67%), lên 9.242,55 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 41,30 điểm (+0,97%), lên 4.313,26 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của vấn đề Ukraine. Sau khi vấn đề Crưm trôi qua một cách nhẹ nhàng, những diễn biến mới về tình hình căng thẳng ở Ukraine không sâu sắc hơn cũng giúp giới đầu tư châu Á hứng khởi.
Kết thúc phiên 18/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản tăng 133,60 điểm (+0,94%), lên 14.411,27 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 109,55 điểm (+0,51%), lên 21.583,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 1,52 điểm (+0,08%), lên 2.025,20 điểm.
Dĩ nhiên, khi giới đầu tư không còn lo lắng, chứng khoán tăng mạnh, thì vàng sẽ chịu tác động ngược lại. Vai trò là kênh đầu tư trú ẩn an toàn của vàng đã dần giảm vai trò khi vấn đề Ukraine không trầm trọng thêm, cũng như những phát biểu làm xoa dịu tình hình của cả Nga và Ukraine khiến giá vàng tiếp tục giảm mạnh.
Kết thúc phiên 18/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 12,00 USD (-0,88%), xuống 1.355,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 13,9 USD (-1,01%), xuống 1.359,0 USD/ounce.
Trong khi đó, đúng như phân tích trước đó của giới phân tích, giá dầu đã nhanh chóng phục hồi trở lại, bởi cuộc khủng hoảng chính trị và trừng phạt qua lại nhau giữa phương Tây và Nga, cũng như nhu cầu tiêu thụ được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm nay.
Kết thúc phiên 18/3, giá dầu thô Mỹ tăng 1,62 USD (+1,62%), lên 99,70 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,55 (+0,52%), lên 106,79 USD/thùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi