Bài toán xử lý nợ xấu làm “nóng” nghị trường Quốc hội
Nợ xấu ngân hàng đang “xấu” tới cỡ nào, phải lượng hóa giải pháp cụ thể ra sao để giải quyết “cục máu đông” này trong hệ thống ngân hàng … là những ý kiến của ĐBQH nêu lên tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội ngày 1-11 về tái cơ cấu nền kinh tế.
Xử lý nợ xấu khó vì thiếu nguồn
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 2012 đến tháng 8-2014, toàn hệ thống đã xử lý được 214.000 tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống năm 2012: 4,08% tổng dư nợ, năm 2013: 3,61%, đến tháng 8-2014: 3,9%. Ngoài ra, còn có 316.200 tỷ đồng giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tính đến cuối tháng 9-2014, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua nợ xấu với tổng nợ gốc là 82.800 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng (TCTD), bán được 1.400 tỷ đồng nợ xấu.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ NHNN thì đến tháng 10-2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9-2012, chủ yếu bằng các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho VAMC.
Công ty VAMC đã mua gần 95.000 tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4000 tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Tỷ lệ nợ xấu hiện nay theo báo cáo của các tổ chức tín dụng vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%). Theo đánh giá của NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến nay giảm còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012 (tỷ lệ nợ xấu do NHNN đánh giá cao hơn là do thực hiện phân loại nợ theo thông tin giám sát).
Đọc hết hơn 40 trang báo cáo giám sát về tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, nhưng đại biểu Trịnh Ngọc Phương (tỉnh Tây Ninh) cho rằng, bản báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa giải trình thuyết phục về khó khăn xử lý nợ xấu, chưa đưa ra đánh giá đầy đủ, minh bạch về xử lý nợ xấu hiện nay.
Ông dẫn dụ, ngay như báo cáo nêu “thiếu nguồn lực tài chính công để có thể hỗ trợ xử lý nợ xấu”, nhưng nếu dùng tài chính công để xử lý nợ thì nguồn đó lấy từ đâu? Có được đưa vào dự toán thu chi ngân sách trước đó hay không? Nếu có đưa thì làm sao không sử dụng được? Hay như việc lành mạnh hóa hệ thống TCTD, như vậy thế nào là lành mạnh hóa?...
Ghi nhận những kết quả ban đầu về xử lý nợ xấu của NHNN, nhưng đại biểu Thân Đức Nam (TP. Đà Nẵng) nhấn mạnh, những cách xử lý đã thực hiện dường như chưa thể hiện được sự mạnh dạn để giải quyết triệt để vấn đề mà trông chờ vào thị trường bất động sản nóng lại.
“Đây là hệ quả trông chờ làm cho nền kinh tế tắc nghẽn về vốn, sản xuất, kinh doanh khó khăn, ngân hàng thừa tiền còn doanh nghiệp thì thiếu vốn” – đại biểu Nam nói.
Là một chuyên gia kinh tế, hiện đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, với cái nhìn người trong cuộc, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (tỉnh Thái Bình) nói thẳng, nỗi ám ảnh nợ xấu vẫn sẽ còn đeo đẳng nền kinh tế không chỉ năm nay, mà còn sang cả năm 2015 và những năm sau, nếu như không có cái nhìn lượng hóa và cụ thể hóa giải pháp xử lý.
Phải “cởi trói” ngay cho VAMC
Với vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu, các ĐBQH đều cho rằng, đây là một sáng kiến hay nhưng mô hình này lại chưa phát huy được hiệu quả do thiếu cơ chế pháp lý đồng bộ.
Theo đại biểu Phùng Văn Hùng (tỉnh Cao Bằng), nhấn mạnh vấn đề nợ xấu, mua bán nợ xấu cũng là một lĩnh vực kinh doanh có thể thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước nếu có cơ chế phù hợp.
“Bên cạnh việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng mạnh mẽ hơn nữa, thông qua cơ cấu việc sáp nhập các tổ chức tín dụng có sự tham gia của những ngân hàng mạnh, tôi đề nghị Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường mua bán nợ phù hợp với thông lệ quốc tế để thu hút được các nguồn lực không nhỏ từ xã hội”- vị đại biểu tỉnh Cao Bằng đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) thì chia sẻ với sự “đơn thân độc mã” trong xử lý nợ xấu bấy lâu nay của hệ thống ngân hàng, ông nhấn mạnh, muốn “cục máu đông” nợ xấu được xử lý nhanh và triệt để thì không chỉ mỗi NHNN nỗ lực là đủ, mà cần sự “chung tay” của tất cả các bộ, ngành kinh tế khác.
Theo nhìn nhận của các ĐBQH, kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ xấu cho thấy để xử lý nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ Nhà nước, đồng thời phải có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu, Luật về công ty quản lý tài sản và có thị trường tài chính phát triển…
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư phát triển, nên không có nguồn để xử lý nợ xấu.
Để có nguồn lực xử lý nợ xấu nhanh hơn thông qua mô hình VAMC, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) đề xuất cần trao quyền chủ động cho VAMC nhiều hơn. Song song đó, đây cũng là thời điểm chín muồi để triển khai xây dựng ngay thị trường mua bán nợ xấu.
“Chúng ta phải triển khai ngay các giải pháp đồng bộ thì khi nền kinh tế hồi phục sức khỏe, thị trường bất động sản ấm lên thì nợ xấu sẽ trở lại bình thường” – đại biểu Ngân lạc quan.
Theo Quân đội nhân dân
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Cột tin quảng cáo