Quốc tế

Bắn đạn thật gần Ấn Độ, Trung Quốc cảnh báo đã kiềm chế "hết cỡ"

(DNVN) - Quân đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật tại khu vực Tây Tạng gần biên giới Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng giữa 2 quốc gia vẫn đang leo thang.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 4/8 công bố đoạn video ghi lại cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc được tiến hành vài ngày trước ở Tây Tạng, gần khu vực biên giới đang xảy ra căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ.

Cuộc tập trận diễn ra tại độ cao 4.600 m. CCTV không nêu địa điểm chính xác của cuộc diễn tập, song cho biết nó diễn ra ở dãy Himalayas, nơi giao giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.

Hình ảnh cắt từ đoạn video Trung Quốc tập trận bắn đạn thật gần biên giới Ấn Độ.

Đoạn video có cảnh Tư lệnh đếm ngược và chỉ huy tấn công, sau đó, một tên lửa bắn được thẳng lên trời. Trong khuôn khổ tập trận, các binh sĩ tới từ các đơn vị pháo binh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thực hiện tấn công nhiều mục tiêu khác nhau bao gồm xe tăng, bệ phóng tên lửa với đại bác lòng ngắn và pháo hỏa tiễn.

Việc công bố những hình ảnh này được cho là nhằm tăng cường áp lực lên New Delhi khi Bắc Kinh cảnh báo rằng "sự kiềm chế của họ có giới hạn" trong bế tắc quân sự kéo dài với Ấn Độ.

"Trung Quốc đã thể hiện thiện chí tối đa và nỗ lực làm việc với Ấn Độ thông qua các kênh ngoại giao kể từ khi căng thẳng leo thang. Quân đội Trung Quốc luôn kiềm chế vì quan hệ song phương và hòa bình, ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, thiện chí cũng có nguyên tắc và sự kiềm chế đã đạt đến đỉnh điểm", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói.

Hồi tháng 6, căng thẳng leo thang khi Trung Quốc cho xây dựng một con đường tại cao nguyên tranh chấp Doklam mà New Delhi cho là lãnh thổ của Bhutan. Bhutan sau đó yêu cầu Ấn Độ thúc đẩy việc triển khai quân vượt biên giới.

Ấn Độ còn cảnh báo Bắc Kinh rằng, con đường mà Trung Quốc đang xây dựng ở Doklam là "mối quan ngại an ninh nghiêm trọng". Bởi con đường này sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận "Cổ gà", vùng đất nối 7 bang phía đông bắc Ấn Độ với các khu vực còn lại của nước này.

 

Nên đọc



Tùng Bách (theo CCTV)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo