Góc nhìn

Các hãng taxi truyền thống kêu cứu khi đứng trước nguy cơ phá sản

DNVN - Sau một năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành vận tải nói chung và kinh doanh taxi nói riêng đang chịu những áp lực vô cùng lớn. Lượng hành khách giảm 80 – 90% khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản.

Bộ Công Thương thông tin việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lốp ô tô Việt Nam / Giữ nguyên giá xăng, dầu từ 15h ngày 27/5

Sau một năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành vận tải nói chung và kinh doanh taxi nói riêng đang chịu những áp lực vô cùng lớn. Lượng hành khách giảm 80 – 90% khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản.

Mới đây, Hiệp hội Taxi 3 miền (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh) đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải, do đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đại diện các Hiệp hội Taxi 3 miền cho biết, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đã làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải taxi lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Theo đại diện các Hiệp hội Taxi, lượng hành khách giảm đến 80-90% khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều người lao động không có thu nhập, hàng loạt các doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng.

Trước tình hình trên, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Hiệp hội Taxi 3 miền đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành chức năng một số giải pháp nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp vận tải, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay để phục hồi hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, phía Hiệp hội Taxi đã đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; Giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

Ngoài ra, các Hiệp hội này cũng đề xuất các ngân hàng áp dụng giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể là giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được ngừng đóng (không phải đóng) bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021; Đối với các doanh nghiệp vận tải còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31/12/2021 (không tính lãi chậm nộp);

Ngoài ra, cho các doanh nghiệp vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021. Điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải 24 tháng đối với chu kỳ đầu và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng.

Kết quả kinh doanh thực tế của các hãng taxi truyền thống vô cùng đáng lo ngại. Tập đoàn Mai Linh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% xuống còn 1.574 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp giảm đến 42% chỉ còn 295 tỷ đồng, biên lãi gộp cũng giảm từ 23% xuống còn 19%. Mặc dù nỗ lực tiết giảm các chi phí, năm 2020 Mai Linh vẫn thua lỗ ròng hơn 173 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng lỗ lũy kế tính hãng taxi truyền thống này lên đến 1.210 tỷ đồng.

Còn đối với VinaSun, hãng taxi lớn nhất tại miền Nam, Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với khoản lỗ 30 tỷ đồng – ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Cụ thể trong thu thuần trong kỳ đạt 222,7 tỷ đồng giảm 39% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chiếm tới 97% trong doanh thu thuần khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh từ hơn 49 tỷ đồng xuống còn 7,7 tỷ đồng. Mặc dù các khoản chi phí trong quý 1/2021 đều được tiết kiệm đáng kể so với cùng kỳ, trong đó chi phí tài chính giảm gần một nửa, chi phí bán hàng cũng giảm 38% và hoạt động khác có lãi 19,5 tỷ đồng, nhưng lãi gộp thấp nên kết quả Vinasun báo lỗ 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ sau thuế gần 17 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán cổ phiếu VNS đã bị đưa vào diện cảnh báo từ 12/4/2021 do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2020 âm.

Trong khi các hãng xe công nghệ có thêm các loại hình khác (giao hàng, giao đồ ăn...) để bù lỗ cho mảng gọi xe ảm đạm, các hãng taxi truyền thống lại chỉ có một loại hình kinh doanh duy nhất bằng xe ô tô. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp dễ bị "tổn thương" khi các địa bàn kinh doanh bị giãn cách hay nhu cầu đi lại giảm xuống.

Trước đây, khi việc kiện tụng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, mặc dù các hãng taxi công nghệ đã thua nhưng trong những hoàn cảnh khó dự báo như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào cuộc sống đã cho thấy tính vượt trội, linh hoạt và là xu thế tất yếu.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm