Điện Biên: Ngày 18/9, Tòa án xét xử vụ án UBND huyện Điện Biên bị một người dân kiện ra tòa
Điện Biên: Viện Kiểm sát quan tâm đến kế sinh nhai của người muốn hoàn lương đang chới với / Điện Biên: Viện Kiểm sát bảo vệ kế sinh nhai của người hoàn lương nhưng lại bị Thi hành án “chống trả”?
Nguyên nhân của vụ kiện là do UBND huyện Điện Biên vào tháng 10/2019 đã ban hành các quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông Đoàn Vĩnh Sinh do có tranh chấp quyền thừa kế. Nhưng theo quy định của Luật Đất đai, việc giải quyết tranh chấp thừa kế là do Tòa án giải quyết.
Cụ thể, ông Đoàn Vĩnh Sinh đã khởi kiện UBND huyện Điện Biên ra Tòa án, vào ngày 26/2/2020 TAND tỉnh Điện Biên đã thụ lý vụ án hành chính số 16/2020/TLST-HC về việc “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”.
Về phía bị kiện, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Nguyễn Hữu Khởi đã ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Hải Bình đại diện cho phía bị kiện tham dự phiên tòa.
Em ruột đòi chia thừa kế mảnh đất đã được cấp sổ đỏ cho chị gái từ năm 1997
Nguyên nhân dẫn đến vụ kiện xuất phát từ một vụ tranh chấp quyền thừa kế của hai chị em ruột, cụ thể như sau: Năm 1976, ông Đoàn Văn Sinh (Đoàn Vĩnh Sinh) kết hôn cùng bà Nguyễn Thị Hường con gái bà Nguyễn Thị Mỡ (còn gọi bà Nguyễn Thị Nấng, bà Nguyễn Thị Hấng). Sau khi kết hôn vợ chồng ông Sinh, bà Hường làm ăn và chung sống tại nhà của mẹ vợ là bà Mỡ (trên mảnh đất của thôn 7 xã Sam Mứn bây giờ). Bà Mỡ có ruộng đất do được Hợp tác xã chia cho. Năm 1981 vợ chồng ông Sinh, bà Hường xây dựng nhà ở trên mảnh đất ấy của cụ Mỡ, cả gia đình cùng sinh sống ổn định trên mảnh đất này từ đó đến nay, không ai có ý kiến phản đối gì, kể cả người đang tranh chấp di sản hiện nay là bà N.T.T - em gái ruột của bà Hường.
Thực hiện Luật Đất đai 1993, năm 1995, tại huyện Điện Biên tiến hành cho các hộ, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp kê khai, đăng ký để được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất (GCNQSĐ). Bà Mỡ (lúc đó đã 75 tuổi) đến thôn, đội và xã để khai báo, làm các thủ tục đăng ký cấp GCNQSĐ. Trong giấy đăng ký làm thủ tục đăng ký GCNQSĐ bà Mỡ có ghi nội dung “cho con rể là ông Sinh đứng tên trong GCNQSĐ”. Mọi thủ tục đăng ký đều được bà Mỡ thực hiện theo hướng dẫn của thôn, xã, bà Mỡ đã ký tên trên các tờ khai trong thủ tục làm GCNQSĐ (viết chữ “Mỡ” vào phần ký tên trên các giấy tờ).
Theo các tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập trong quá trình thụ lý vụ kiện, quá trình đăng ký cấp GCNQSĐ của ông Đoàn Vĩnh Sinh được chứng nhận từ thôn, đội, địa chính xã và lãnh đạo xã. Thể hiện mảnh đất của bà Mỡ không có tranh chấp và đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định. UBND xã hồi đó cũng làm đúng các trình tự thủ như: Sau khi quy chủ, chính quyền đã niêm yết công khai theo đúng thời hạn quy định - suốt thời gian niêm yết không có bất cứ khiếu nại nào.
Vào thời điểm năm 1997, bà Mỡ cho con gái và con rể mảnh đất có “Giấy chuyển giao quyền sử dụng đất ”, được viết vào ngày 15/5/1997, có chữ ký của bà Mỡ, con rể là ông Sinh, con gái bà Hường, kể cả chữ viết và chữ ký của bà N.T.T (em gái bà Hường, người đang tranh chấp mảnh đất). Sau đó giấy này được trưởng thôn, địa chính xã, Chủ tịch xã xác nhận, đóng dấu của UBND xã.
Trước đó, bà Mỡ còn khẳng định việc cho ông Sinh và bà Hường mảnh đất bằng việc ký tên đồng ý những nội dung trong “Đơn đăng ký quyền sử dụng đất”. Đơn này được Hội đồng đăng ký ruộng đất xã duyệt và được UBND huyện Điện Biên duyệt cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1997. Từ năm 1997 đến năm 2018 mảnh đất không có tranh chấp. Sau khi bà Mỡ sang tên mảnh đất cho vợ chồng ông Sinh bà Hường vào năm 1997, bà Mỡ còn sống chung với vợ chồng con gái 13 năm (bà Mỡ mất năm 2010). Các bút lục lấy lời khai tại Tòa án của trưởng thôn, hàng xóm của gia đình ông Sinh bà Hường đều xác nhận, trong suốt thời gian bà Mỡ còn sống, gia đình bà Mỡ sống hòa thuận và trong 21 năm không có bất kỳ ý kiến nào phản đối vợ chồng ông Sinh, bà Hường sở hữu mảnh đất này.
Cho đến năm 2019, sau khi bà Mỡ mất, bà N.T.T (em gái bà Hường) đã có đơn khiếu nại lên UBND huyện để đòi chia thừa kế đối với mảnh đất của vợ chồng ông Sinh, bà Hường. Mảnh đất đã được cấp GCNQSĐ cho ông Sinh, bà Hường từ năm 1997 và sinh sống ổn định trên đó 21 năm, bỗng phát sinh tranh chấp quyền thừa kế.
Sau khi có đơn khiếu nại của bà N.T.T liên quan đến quyền thừa kế, thay vì hướng dẫn bà N.T.T khởi kiện ra Tòa án theo đúng quy định trong Luật Đất đại thì UBND huyện Điện Biên lại đứng ra xử lý vụ kiện.
Ngày 18/9/2019, Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra thuộc UBND huyện Điện Biên đã ra kết luận kiểm tra việc cấp GCNQSĐ do UBND huyện Điện Biên cấp ngày 24/11/1997 mang trên ông Đoàn Vĩnh Sinh. Trong kết luận này, đoàn kiểm tra nêu rõ: “diện tích đất được UBND xã Sam Mứn giao cho bà Mỡ, bà Mỡ ủy quyền cho con rể Đoàn Vĩnh Sinh “việc ủy quyền không có văn bản”. Trong khi toàn bộ thủ tục cấp GCNQSĐ cho ông Đoàn Vĩnh Sinh (theo đơn đề nghị của bà Mỡ) đã được thực hiện từ cấp thôn, đội lên Hội đồng đăng ký ruộng đất xã Sam Mứn và được UBND huyện cấp bìa đỏ từ năm 1997.
Tuy nhiên, trong quá trình đoàn kiểm tra của UBND huyện Điện Biên làm việc vào năm 2019, Chính quyền xã Sam Mứn không lưu giữ “ Giấy ủy quyền - giao quyền sử dụng đất”, gia đình ông Sinh, bà Hường cũng chưa tìm thấy và xuất trình được giấy này (vì nó được viết từ năm 1997). Do UBND xã Sam Mứn không lưu giữ giấy ủy quyền dẫn đến việc UBND huyện Điện Biên đã ra quyết định thu hồi và hủy bỏ sổ đỏ đã cấp cho ông Đoàn Vĩnh Sinh từ năm 1997.
Gia đình ông Sinh sau đó đã tìm được Giấy ủy quyền do bà Mỡ viết vào năm 1997 và có bút lục chữ ký của các con của bà Mỡ là ông Sinh (con rể), bà Hường (con gái) và bà N.T.T (em gái bà Hường, người đang khởi kiện đòi chia quyền thừa kế với chị ruột), cùng với xác nhận của chính quyền địa phương.
Mảnh đất tại thôn 7 xã Sam Mứn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đang phát sinh tranh chấp quyền thừa kế, dẫn đến UBND huyện Điện Biên bị một người dân kiện ra Tòa án.
Luật sư: UBND huyện Điện Biên làm sai thẩm quyền, làm thay việc của Tòa án
Cho rằng, UBND huyện Điện Biên ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Sinh là sai tố tụng, vì đây thuộc trường hợp đòi thừa kế (đòi chia di sản của mẹ để lại), theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự thì phải được giải quyết tại Tòa án dân sự.
Nhưng UBND huyện Điện Biên lại giải quyết việc tranh chấp quan hệ dân sự bằng một mệnh lệnh hành chính (ra quyết định thu hồi và hủy bỏ sổ đỏ đã cấp hợp pháp 21 năm). Như vậy là người đứng đầu UBND huyện Điện Biên đã “hành chính hóa quan hệ dân sự”. Ông Đoàn Vĩnh Sinh cho rằng, các quyết định của UBND huyện Điện Biên là trái pháp luật, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, do đó ông đã quyết định khởi kiện UBND huyện Điện Biên ra tòa án để yêu cầu thu hồi các quyết định trái pháp luật nêu trên.
Theo luật sư Trần Ngọc Tuyên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Đoàn Vĩnh Sinh, căn cứ vào trình tự thủ tục hồ sơ cấp đất cho hộ ông Sinh năm 1997 được khẳng định là có giấy ủy quyền của bà Mỡ cho ông Sinh. Mới đây, ông Sinh bà Hường đã tìm lại được tờ ủy quyền do mẹ vợ là bà Mỡ ký cho vợ chồng ông được quyền sử dụng đất của bà. Trong giấy ủy quyền này có chữ ký xác nhận của nhiều người, bao gồm: ông Sinh; bà Mỡ (còn gọi là bà Nguyễn Thị Hấng); và bà N.T.T (em gái bà Hường); trưởng thôn 7 – ông Nguyễn Văn Oai; cán bộ địa chính xã – ông Nguyễn Văn Thiên; Chủ tịch UBND xã Sam Mứn – ông Phạm Sơn.
Bên cạnh đó, luật sư Tuyên cũng cho rằng, UBND huyện Điện Biên có văn bản trả lời đơn thư của ông Sinh nói rõ lý do thu hồi GCNQSĐ là do ông Sinh, bà Hường không có giấy ủy quyền của bà Mỡ. Nhưng thực tế, theo hồ sơ xin đăng ký cấp GCNQSĐ của ông Sinh thì “Tờ khai đăng ký có chữ ký của bà Mỡ đã thể hiện rõ ý chí chia thừa kế cho bà Hường, ông Sinh”.
“Từ việc ký vào Giấy ủy quyền của mình, từ việc ký vào hồ sơ đăng ký đất đai do thôn, xã lập, chuyển cho UBND huyện xét cấp, bà Mỡ đã thể hiện ý chí để lại di sản là sổ đất mang tên bà trước đó cho con gái và con rể là ông Sinh và bà Hường. Giấy ủy quyền có chứng kiến của trưởng thôn, cán bộ địa chính xã, lãnh đạo xã ký và có đóng dấu của chính quyền xã, chính là Di chúc hợp pháp của bà Mỡ, chưa bị hủy, do đó đang có hiệu lực pháp lý.
“Như vậy, việc ra quyết định thu hồi, hủy bỏ GCNQSĐ của ông Sinh của UBND huyện Điện Biên là để thực hiện chia lại di sản đã chia, đang có hiệu lực pháp luật, tức là đang được “thừa kế hợp pháp bằng di chúc” bằng việc “chia thừa kế theo pháp luật”. Như vậy UBND huyện Điện Biên muốn làm thay việc của Tòa án bằng việc “nhảy” vào giải quyết tranh chấp thừa kế. Việc làm của UBND huyện Điện Biên rõ ràng sai thẩm quyền theo quy định tại Luật Đất đai năm 2003”, luật sư Trần Ngọc Tuyên khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo