Góc nhìn

Eximbank đưa 2 lý do "lật kèo" thuê Tòa nhà 79 Láng Hạ, luật sư chỉ ra những điểm ‘‘nhầm lẫn cơ bản”

DNVN - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa ký văn bản trả lời về lý do “lật kèo’ trong thỏa thuận thuê Tòa nhà 79 Láng hạ làm Trụ sở giao dịch tại Hà Nội. Song lý do này chưa tháo gỡ những vướng mắc giữa hai bên và luật sư nhận định Eximbank đang "nhầm lẫn cơ bản".

Lộ sáng những người đang thao túng tại Eximbank? / Luật sư lên tiếng vụ “ngân hàng Eximbank Ba Đình lật kèo trong thỏa thuận thuê nhà”

Liên quan tới vụ việc bà Hoàng Thanh Bình khởi kiện Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Ba Đình ra Tòa án, do Eximbank “lật kèo” trong hợp đồng thuê nhà, gây tổn hại đến tài sản và tinh thần cho bà Bình, mới đây, Eximbank đã có văn bản trả lời đơn tố cáo của bà Bình.

Eximbank đưa ra 2 lý do cho cú “lật kèo”

Theo văn bản trả lời do Phó Tổng giám đốc Eximbank Nguyễn Hồ Hoàng Vũ ký ngày 24/9/2021, Eximbank có nhu cầu thuê địa điểm để làm trụ sở giao dịch tại địa bàn Hà Nội. Vì vậy, Văn phòng khu vực Eximbank Miền Bắc và Chi nhánh Eximbank Ba Đình đã tìm kiếm các đơn vị cho thuê và có liên hệ với bà Bình để tiến hành khảo sát Tòa nhà số 79 Láng Hạ.

Tại các buổi làm việc, Chi nhánh Eximbank Ba Đình đã trao đổi với bà Bình để tìm hiểu các điều kiện thuê trụ sở mà bà Bình đưa ra, ghi nhận các điều khoản cơ bản của thỏa thuận thuê tài sản (bằng 2 Biên bản làm việc ngày 5/7/2021 và ngày 26/7/2021) để Chi nhánh làm cơ sở trình Hội sở Eximbank xem xét, quyết định. “Các Biên bản làm việc này không thể thay thế Hợp đồng thuê nhà vì tại các Biên bản làm việc hai bên có ghi nhận việc phải ký Hợp đồng thuê nhà (Biên bản làm việc ngày ngày 26/7/2021 thể hiện rõ: “Ngày ký Hợp đồng thuê nhà là ngày 16/8/2021")”, văn bản phản hồi của Eximbank nêu rõ.

Theo phía Eximbank, thỏa thuận thuê nhà chỉ có hiệu lực khi các bên thông qua và ký kết Hợp đồng thuê nhà. 2 Biên bản làm việc trên có thể xác định là tiền đề của việc ký kết Hợp đồng thuê nhà, không có giá trị thay thế Hợp đồng thuê nhà.

Đại diện cho Eximbank đã đưa ra 2 lý do cho việc vì sao đã ký các Biên bản làm việc với bà Hoàng Thanh Bình nhưng ngân hàng này lại “không thể ký” Hợp đồng thuê Tòa nhà 79 Láng Hạ đúng theo thỏa thuận “phải ký” đã được Biên bản làm việc ghi nhận. Đó là:

Thứ nhất, căn cứ hồ sơ pháp lý do bà Bình cung cấp, Tòa nhà tại số 79 Láng Hạ không đáp ứng đầy đủ điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam để Eximbank có thể thuê làm trụ sở Chi nhánh do “tài sản cho thuê chưa được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Thứ hai, tòa nhà số 79 Láng Hạ không đáp ứng được một số tiêu chí thuê trụ sở làm đơn vị kinh doanh theo quy định nội bộ của Eximbank.

Eximbank chi nhánh Ba Đình đang bị một công dân khởi kiện ra Tòa án.

Eximbank chi nhánh Ba Đình đang bị một công dân khởi kiện ra Tòa án.

Luật sư chỉ ra những điểm “nhầm lẫn” của Eximbank

Bình luận về nội dung trả lời khiếu nại của Eximbank, theo luật sư Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Trung và Anh Em, việc đại diện Eximbank đưa ra 2 lý do cho việc “không thể ký” Hợp đồng thuê Tòa nhà 79 Láng Hạ là một sự “nhầm lẫn hết sức cơ bản”.

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho rằng nội dung văn bản “các Biên bản làm việc không thay thế Hợp đồng thuê nhà vì tại các Biên bản làm việc hai bên có ghi nhận việc phải ký Hợp đồng thuê nhà” của phía Eximbank là hết sức sai lầm, bởi vì bản thân các Biên bản làm việc ngày 5/7/2021, Biên bản làm việc ngày 26/7/2021 có đầy đủ điều kiện là một hợp đồng. Các Biên bản này đã xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo quy định của pháp luật thì hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết.

Do vậy, các Biên bản làm việc nêu trên mặc nhiên có hiệu lực tại thời điểm hai bên ký vào Biên bản. Việc hai bên thoả thuận có ký Hợp đồng thuê nhà không làm thay đổi tính chất pháp lý của các Biên bản làm việc. Cũng theo quy định của pháp luật dân sự thì từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết.

 

Đối với ý kiến của Eximbank trong văn bản phản hồi: “Toà nhà 79 Láng Hạ không đáp ứng đầy đủ điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam để Eximbank có thể thuê làm trụ sở Chi nhánh do tài sản cho thuê chưa được ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, luật sư Nguyễn Hoàng Trung cũng khẳng định đây tiếp tục là sự “nhầm lẫn hết sức cơ bản” của phía Eximbank. Bởi lẽ, tại khoản 2 Điều 118 Luật nhà ở năm 2014 đã quy định rõ tài sản cho thuê không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận. Toà nhà của bà Bình được cấp phép xây dựng từ năm 2015, được xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng theo đúng quy định. Như vậy Toà nhà 79 Láng Hạ hoàn toàn có đủ điều kiện để cho thuê theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khẳng định về giá trị sử dụng của Tòa nhà 79 Láng Hạ, theo bà Hoàng Thanh Bình, Tòa nhà này có giấy phép xây dựng từ năm 2015, được nghiệm thu đưa vào sử dụng và tồn tại nhiều năm nay với đầy đủ các hệ thống kỹ thuật theo quy định. Hơn nữa, tại thời điểm Eximbank đàm phán thuê thì có các bên khác như Phòng khám đa khoa vẫn đang thuê để kinh doanh từ nhiều năm nay. Toà nhà có 9 tầng và hiện vẫn đang được nhiều đơn vị thuê làm trụ sở công ty, văn phòng giao dịch. Việc Eximbank cho rằng, “tòa nhà không đáp ứng đủ điều kiện cho thuê” là không đúng pháp luật và càng không đúng với thực tế.

Đối với lý do “Toà nhà 79 Láng Hạ cũng không đáp ứng được một số tiêu chí thuê trụ sở làm đơn vị kinh doanh theo quy định nội bộ của Eximbank”, bà Bình cho biết thêm, trước và sau khi ký các Biên bản làm việc, đại diện Eximbank Ba Đình đã nhiều lần khảo sát trực tiếp, đã được chủ nhà cung cấp bản vẽ, hồ sơ pháp lý và thông tin liên quan của Toà nhà. Phía kỹ thuật Eximbank cũng đã đo đạc hiện trạng Toà nhà và tính toán xây dựng kho tiền trước khi ký Biên bản làm việc. Toàn bộ các công việc này đều được camera an ninh Toà nhà ghi lại. Quá trình thương thảo và giao kết diễn ra hơn hai tháng với hai lần ký Biên bản nhưng Eximbank lại đưa ra lý do này là điều rất khó thuyết phục. Ngay trong Văn bản trả lời của Eximbank cũng không nói rõ Toà nhà 79 Láng Hạ không đáp ứng được tiêu chí nội bộ nào của Eximbank. Một lần nữa Eximbank không nói rõ lý do “lật kèo” mà đáng ra họ phải có trách nhiệm thông báo cho đối tác được biết.

Nhận định chung về văn bản trả lời ngày 24/9/2021 của Eximbank gửi cho bà Bình, luật sư Nguyễn Hoàng Trung cho rằng nội dung của văn bản “khá chủ quan”, không dựa trên căn cứ pháp luật. Hơn nữa, với nội dung trả lời của Eximbank thì nhiều khả năng sự việc còn bị đẩy đi xa hơn vì Eximbank không thực sự cầu thị và có thiện chí khắc phục các hậu quả mà phía chủ nhà phải gánh chịu.

Thực tế việc Eximbank “lật kèo” đã khiến bà Bình thiệt hại rất lớn, do bà Bình đã phải bồi thường việc chấm dứt hợp đồng cho thuê trước thời hạn với các đơn vị đang thuê khác, cộng với chi phí sửa chữa, nâng cấp 4 tầng của Tòa nhà theo yêu cầu của Eximbank. Chưa kể, sau lùm xùm này, giá trị thương hiệu Toà nhà của Bà cũng bị ảnh hưởng. Theo các tài liệu mà bà Bình giao nộp cho Toà án thì phía gia đình bà Bình thiệt hại nhiều tỷ đồng. Bà Bình cũng cho biết bà đã bị sốc nặng sau cú lật kèo của Eximbank, điều mà bà không thể nào ngờ tới đối với một ngân hàng lớn. Không những thiệt hại về tài sản, bà Bình cho biết còn bị tổn thất rất lớn về tinh thần. Đây cũng là lý do bà Bình đang khiếu nại khá gay gắt và quyết theo đuổi vụ kiện tới cùng.

 

Được biết, mới đây bà Bình cũng đã gửi đơn khiếu nại tới cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước về vụ việc này. Sau khi tiếp nhận các thông tin từ Văn bản trả lời ngày 24/9/2021, bà Bình và đội ngũ luật sư của Bà còn cân nhắc việc xem xét yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ việc "lật kèo" gây thiệt hại tài sản của công dân.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo