Góc nhìn

Hòa Bình: Người cao tuổi bị khuyết tật, tai biến đến khi qua đời vẫn chưa được giải quyết chế độ trợ cấp

DNVN - Sau hơn 2 năm, dù gia đình người cao tuổi bị khuyết tật đã đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình thực hiện trợ cấp theo chính sách của Nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Liên tiếp “đụng độ” trên những công trình điện gió ở miền Tây / Mức phạt nồng độ cồn tài xế cần biết

Ngày 24/2/2022, cụ Phạm Văn Ngọ (trú tại thôn Hồng Phong 2, Xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy) qua đời, hưởng thọ 90 tuổi. Điều khiến người dân trong thôn bức xúc là từ hơn 2 năm trước, cụ Ngọ bị tai biến phải nằm một chỗ, mức độ liệt ½ cơ thể nhưng đến khi qua đời vẫn chưa được Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy xét duyệt chế độ trợ cấp.

Theo phản ánh của ông Phạm Văn Bình, con cụ Ngọ, ngay sau khi cụ Ngọ bị bệnh, tháng 10/2019 gia đình đã có đơn xin trợ cấp xã hội theo chế độ người cao tuổi và khuyết tật. Gia đình ông Bình đã làm hồ sơ thủ tục đầy đủ theo Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH; Luật Người khuyết tật năm 2010; Nghị định hướng dẫn số 28/2012/NĐ–CP của Chính phủ; Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH về hướng dẫn, xác định xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định khuyết tật đã được hướng dẫn cụ thể, chi tiết tại Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH. Thế nhưng, không hiểu vì lí do gì Phòng LĐ-TB&XH, UBND huyện Lạc Thủy đã không thẩm định hồ sơ và xét duyệt trợ cấp xã hội cho cụ.

Trụ sở Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy.

Trụ sở Phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.

Theo ông Bình, gia đình đã cho người cháu đi tìm hiểu từ UBND xã đến UBND huyện thì được biết, bà Đinh Thị Thu Huyền - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy đã trả lại hồ sơ với lý do thiếu xác nhận, giấy khám chữa bệnh, chứng nhận bệnh án, giấy tờ khám chữa bệnh, điều trị xác nhận từ bệnh viện cấp tỉnh trở lên mới được xét duyệt hồ sơ; người dân không có quyền gì thắc mắc, không thuộc đối tượng để hỏi người cơ quan Nhà nước.

“Bố tôi năm đó cũng 89 tuổi rồi, thêm bệnh tai biến mạch máu não, liệt ½ cơ thể, không đi lại được, thường xuyên tiểu tiện tại chỗ. Gia đình tôi thuộc hộ nghèo của xã, nhưng vẫn luôn phải túc trực chăm sóc cho ông cụ, nhà có hai vợ chồng là lao động chính, nên phải thay phiên nhau, người đi làm, người nghỉ ở nhà còn chăm sóc cho cụ”, ông Bình cho hay.

Theo tìm hiểu của PV Doanh nghiệp Việt Nam, trường hợp để người cao tuổi nhận được trợ cấp xã hội như cụ Ngọ phải có xác nhận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chủ trì phối hợp được quy định, hướng dẫn rất cụ thể tại Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH quy định: “Hội đồng xác định mức độ khuyết tật do Chủ tịch UBND xã là Chủ tịch Hội đồng, Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác LĐ-TB&XH; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật”.

Hồ sơ và giấy tờ liên quan của cụ Ngọ

Hồ sơ và giấy tờ liên quan của cụ Phạm Văn Ngọ.

 

Tại mục 1, 2, 3 Điều 4, Chương III Thông tư số 01/2019 hướng dẫn chi tiết về hồ sơ đề nghị xác nhận khuyết tật bao gồm “Đơn đề nghị xác định khuyết tật, Bản sao các giấy tờ liên quan đến khuyết tật (nếu có) như: Bệnh án, giấy tờ khám, điều trị, phẫu thuật, Giấy xác nhận khuyết tật cũ và các giấy tờ có liên quan khác. Bản sao kết luận của Hội đồng Giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động đối với trường hợp người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng Giám định y khoa trước ngày Nghị định số 28/2012/NĐ-CP có hiệu lực hoặc các giấy tờ liên quan khác (nếu có)”.

Về cách xác định mức độ khuyết tật thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 của Luật Người khuyết tật và Điều 3 Chương II Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH. Cụ thể, việc xác định mức độ khuyết tật được thực hiện bằng phương pháp quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo các tiêu chí về y tế, xã hội và các phương pháp đơn giản khác để kết luận mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.

Xác định phê duyệt hồ sơ và xác định khuyết tật cho người cao tuổi đã được quy định, hướng dẫn rất rõ tại Thông tư số 01/2019 của Bộ LĐ-TB&XH là vậy. Nhưng khi người dân có ý kiến, trao đổi trực tiếp với Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lạc Thủy lại buộc người dân cần phải có các giấy tờ liên quan tới bệnh án, xác định khuyết tật, giám định y khoa từ tuyến cấp tỉnh trở lên mới chấp thuận hồ sơ.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn và tuổi cao, sức yếu, ông Phạm Văn Ngọ đã qua đời mà chưa hề nhận được sự quan tâm hỗ trợ nào.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn và tuổi cao, sức yếu, ông Phạm Văn Ngọ đã qua đời mà chưa hề nhận được sự quan tâm hỗ trợ nào.

Trước sự bức xúc của dư luận, mới đây UBND huyện Lạc Thuỷ có CV số 307/UBND-LĐTBXH ngày 28/2/2022, do Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Vân gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, báo cáo về vụ việc.

 

Theo nội dung công văn số 307 thì “ngày 28/10/2020, gia đình ông Phạm Văn Ngọ, sinh năm 1933, trú tại thôn Hồng Phong 2, xã Yên Bồng có đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật (viết tay) cho ông Phạm Văn Ngọ gửi UBND xã Yên Bồng, đến tháng 6/2021 ông Hồ Thanh Cương - Nguyên công chức Lao động -Thương binh xã Yên Bồng hướng dẫn gia đình ông Phạm Văn Ngọ làm hồ sơ thủ tục để xét duyệt…”.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ: “Sau khi tiếp nhận hồ sơ, ngày 26/1/2022, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng đã họp kết luận khuyết tật và mức độ khuyết tật của các trường hợp thuộc xã Yên Bồng trong đó có hồ sơ của ông Phạm Văn Ngọ. Căn cứ Biên bản họp ngày 26/1/2022, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng đã kết luận trường hợp Ông Phạm Văn Ngọ là khuyết tật, nhưng chưa cấp Giấy chứng nhận khuyết tật… Đến ngày 17/2/2022, hồ sơ của ông Phạm Văn Ngọ chưa hoàn thiện, nên Hội đồng xác định mức độ khuyết tật xã Yên Bồng chưa có văn bản đề nghị kèm hồ sơ của đối tượng gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định trình UBND huyện quyết định”.

Giấy Xác nhận khuyết tật số 159/GXNKT được UBND xã Yên Bồng cấp vào ngày 26/11/2021

Giấy Xác nhận khuyết tật số 159/GXNKT được UBND xã Yên Bồng cấp vào ngày 26/11/2021.

Cho rằng báo cáo của UBND huyện Lạc Thủy không đúng sự thật, ông Phạm Văn Bình bức xúc cho biết: “Thực tế là gia đình tôi đã làm đơn ngay khi cụ Ngọ bị tai biến giữa trung tuần tháng 10/2019, chứ không phải 28/10/2020 như báo cáo của huyện nêu. Cứ cho rằng tháng 10/2020, gia đình mới có đơn, vậy tại sao tận tháng 6/2021 (sau 8 tháng) ông Hồ Thanh Chương - nguyên công chức bộ phận Lao động Thương binh và Xã hội xã Yên Bồng mới hướng dẫn gia đình làm thủ tục pháp lý?”.

 

Cũng theo ông Bình, việc xác định mức độ khuyết tật căn cứ theo Thông tư số 01/2019/TT- BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH, cụ Phạm Văn Ngọ đã được UBND xã Yên Bồng cấp giấy xác nhận khuyết tật số 159/GXNKT ngày 26/11/2021. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Ngọc Vân lại báo cáo ngày 26/1/2022 mới tiếp nhận được hồ sơ, đến ngày 17/2/2022 hồ sơ chưa hoàn thiện.

Thiết nghĩ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình cần thanh tra làm rõ việc thực thi công vụ của Phòng LĐ-TB&XH, UBND huyện Lạc Thủy để chấm dứt tình trạng tắc trách của công chức, gây bức xúc cho người dân.

Linh Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm