Góc nhìn

Sóc Trăng: Doanh nghiệp kêu cứu vì những khuất tất trong vụ kiện kéo dài 11 năm

DNVN- Sau 11 năm xảy ra vụ kiện giữa Công ty Kim Anh (Sóc Trăng) với các thành viên trong công ty, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao với 5 Thẩm phán đã ra một quyết định “ngược” với quyết định của Hội đồng có 13 Thẩm phán cách đây 8 năm.

Viết tiếp vụ việc “Doanh nghiệp “kêu cứu” nguy cơ chết yểu vì phải nộp thuế oan 26 tỉ đồng do lỗi của Bộ TN&MT?" / Góc nhìn: Thắng kiện Ngân hàng Agribank, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành để cho doanh nghiệp"sống sót" (?)

Nội dung vụ án

Ông Đỗ Ngọc Quí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Anh là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp giữa Công ty Kim Anh và các thành viên đã kéo dài 11 năm (khởi kiện tháng 6/2010) với 3 lần xét xử sơ thẩm, 3 lần phúc thẩm.

Cụ thể, năm 1992, DNTN Kim Anh được thành lập với vốn đầu tư 100 triệu đồng. Hai năm sau đó, Công ty Kim Anh thành lập, vốn điều lệ trên 2,8 tỷ đồng. Sau 9 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, vốn tăng lên trên 113 tỷ đồng.

Giấy đăng ký kinh doanh thể hiện bà Kim Anh sở hữu 30,75% vốn, ông Quí 36,39%. Bốn anh em còn lại của ông Quí gồm ông Dương Việt Trung, bà Đỗ Thị Ngọc Sương (mỗi người cùng tỷ lệ 10,46%), ông Đỗ Ngọc Tươi 0,94%, ông Đỗ Ngọc Tài 11%.

Tháng 6/2010, Công ty Kim Anh khởi kiện, cho rằng vốn thành lập Công ty Kim Anh là từ tài sản của DNTN Kim Anh do ông Quí tạo nên. Những lần thay đổi và tăng vốn điều lệ, ông Quí đều nhờ mẹ với các anh em ký tên trên giấy tờ chứ những thành viên này không biết gì về hoạt động của công ty. Từ đó, Công ty Kim Anh yêu cầu tòa án không công nhận tư cách thành viên của các bị đơn.

Ngược lại, bà Kim Anh và các con cho rằng tất cả tài sản của Công ty Kim Anh là của bà Kim Anh đầu tư, không phải của ông Quí. Khi thành lập Công ty Kim Anh, người mẹ đã phân chia cho mỗi con một phần theo như ghi nhận trong giấy phép kinh doanh.

Tháng 5/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng lần đầu tiên đưa vụ án ra xét xử, tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Kim Anh, công nhận toàn bộ số vốn góp của Công ty Kim Anh do ông Quí góp. Tháng 8/2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Tháng 4/2013, VKSND Tối cao có kháng nghị số 10. Trong năm 2013, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm số 33, tuyên hủy án sơ thẩm và phúc thẩm năm 2012.

Tháng 2/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử lần 2, chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Kim Anh và đơn yêu cầu độc lập của ông Quí, công nhận toàn bộ số vốn góp của Công ty Kim Anh là do ông Quí góp. Tuy nhiên, bản án này yêu cầu ông Quí phải có trách nhiệm giao lại cho các bị đơn mỗi người 1% vốn điều lệ, tương ứng với trên 1,13 tỷ đồng. Tháng 10/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm này.

Tháng 3/2019, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm (lần 3), tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Kim Anh. Tháng 1/2020, TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ lại cho TAND tỉnh Sóc Trăng giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

Tháng 4/2021, TAND Tối cao có kháng nghị số 06, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Cuối tháng 4/2021, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có quyết định chấp thuận kháng nghị 06.

Theo ông Quí, khi nhận được bản án phúc thẩm hủy án sơ thẩm lần 3, nguyên đơn làm đơn giám đốc thẩm lần 2. Vụ việc kéo dài cho đến khoảng một năm mới giải quyết gấp rút bằng 2 quyết định chỉ trong 2 tuần cuối tháng 4/2021. Vì sao phải gấp rút như vậy, các cơ quan chức năng của Trung ương cần vào cuộc làm rõ.

Công ty Kim Anh tại TP Sóc Trăng

Công ty Kim Anh tại TP Sóc Trăng.


Hai quyết định giám đốc thẩm “ngược” nhau

Trong đơn gửi đến các cấp lãnh đạo Trung ương mới đây, ông Quí cho rằng, việc quyết định kháng nghị số 06 của TAND Tối cao (ban hành ngày 15/4/2021) và QĐ số 04 ban hành ngày 28/4/2021 đều do một người ký. Việc này có vô tư khách quan hay không nếu căn cứ theo Điều 16 của Bộ luật Tố dụng dân sự năm 2015? Còn theo Khoản 1, Điều 350 của Bộ luật này quy định thời gian tống đạt quyết định đến đương sự là 5 ngày kể từ ngày ký. Tuy nhiên, QĐ số 04 ký ngày 28/4/202, nhưng mãi đến ngày 10/6/2021 (theo dấu bưu điện) TAND Tối cao mới gửi và ông Quí nhận được này 12/6/2021.

QĐ số 04 có nội dung “Chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 06 của TAND Tối cao”, Tổng giám đốc Công ty Kim Anh cho rằng QĐ này vi phạm Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Điều 343 dẫn chiếu 5 quyền của HĐXX Giám đốc thẩm, trong đó không có quyền nào được “Chấp nhận quyết định kháng nghị giám đốc thẩm”, mà chỉ có các quyền cụ thể là: "Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; Hủy bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản |án, quyết định đúng pháp luật của tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa; Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án; Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật".

Theo ông Quí, QĐ số 04 không chỉ mâu thuẫn với QĐ số 33 năm 2013, mà còn có những lập luận trái chiều so với Kháng nghị số 10, năm 2013 của VKSND Tối cao. Cụ thể, QĐ số 04 nhận định việc góp vốn vào công ty TNHH Kim Anh phù hợp với quy định của Luật Công ty năm 1990… nên có cơ sở pháp lý xác định các thành viên sáng lập đã góp đủ vốn vào công ty. Tuy nhiên, Kháng nghị 10 khẳng định: “Theo quy định tại khoản 1 điều 25 Luật Công ty năm 1991 quy định: Phần góp vốn của tất cả các thành viên phải được đóng đủ ngay khi thành lập công ty. Phần vốn góp từ các thành viên công ty phải được thể hiện trong sổ sách kế toán của công ty và việc giao nhận tài sản là vốn góp của các thành viên phải có chứng từ, biên bản giao nhận. Việc thể hiện tên và tỷ lệ góp vốn trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chưa đủ cơ sở để khẳng định có việc tham gia góp vốn của các thành viên công ty. Thực tế, đến ngày 1/5/2010, công ty cũng có công văn yêu cầu các thành viên công ty phải đóng góp vốn, nếu không vị trí các thành viên trong công ty sẽ bị hủy bỏ”.

Nội dung quyết định 33 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Nội dung quyết định 33 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Đồng thời, tại trang 10 của QĐ số 33 thể hiện đơn khởi kiện và các lời trình bày của ông Quí cũng như lời khai của ông Dương Thái Bảo (chồng đầu tiên của bà Kim Anh), Trương Tiết Thanh (con bà Kim Anh) và lời khai ban đầu của bà Trần Mỹ Lệ (vợ bị đơn Dương Việt Trung) thì trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, để hợp thức hóa chuyển đổi từ DNTN Kim Anh thành công ty TNHH Kim Anh nên việc lập hồ sơ chuyển đổi ông Quí nhờ mẹ ruột và các anh em ruột trong gia đình đứng tên giùm làm thành viên công ty, tỷ lệ góp vốn chỉ trên danh nghĩa. Còn thực chất toàn bộ tài sản của công ty Kim Anh là do ông Quí tự đầu tư (vốn từ DNTN Kim Anh chuyển sang). Việc thể hiện tên và tỷ lệ góp vốn trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chưa đủ cơ sở để khẳng định có việc tham gia góp vốn của các thành viên công ty.

Vấn đề thứ hai mà QĐ số 04 nêu: "Nguyên đơn khởi kiện cho rằng tài sản của DNTN Kim Anh chuyển sang, nhưng sau thời điểm thành lập công ty Công ty Kim Anh thì DNTN Kim Anh vẩn còn hoạt động, đến năm 1998 mới giải thể". Lập luận này ông Quí khẳng định là không chính xác, vì tháng 12/1994 DNTN Kim Anh đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế. DN không ký kết bất kỳ hợp đồng nào và tất cả tài sản cũng đã chuyển sang cho Công ty Kim Anh.

DNTN Kim Anh thời điểm này chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa về mặt pháp luật và do thủ tục hành chính kéo dài nên đến ngày 20/11/1998 mới thực hiện xong thủ tục giải thể.

Tại quyết định số 917 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ngày 20/11/1998 cũng đã xác nhận lý do xin giải thể DNTN Kim Anh là để “chuyển đổi loại hình hoạt động thành Công ty TNHH”.

Vấn đề thứ ba của QĐ số 04 nhận định: “Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án không công nhận tư cách thành viên của các bị đơn tại Công ty Kim Anh nên theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nguyên đơn phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp…”.

Lập luận này của QĐ số 04 theo ông Quí cho là là hoàn toàn không có cơ sở và không phù hợp với nhận định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại QĐ số 33. Lý do, Công ty Kim Anh được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ DNTN Kim Anh. Các thành viên công ty đều là những người ruột thịt trong gia đình. Vấn đề mấu chốt cơ bản là xác định ai là người góp vốn thực sự khi thành lập DNTN Kim Anh và sau đó chuyển đổi thành Công ty Kim Anh (ông Quí hay bà Kim Anh). Bởi vì, các thành viên còn lại là ông Đỗ Ngọc Tài, Đỗ Ngọc Tươi, Đỗ Thị Ngọc Sương, Dương Việt Trung đều trình bày vốn góp khi thành lập DNTN Kim Anh là của bà Kim Anh, khi chuyển đổi thành công ty thì bà Kim Anh cho ông Quí đứng tên và chia cho mỗi người con một phần vốn góp để cùng sáng lập công ty, còn bản thân họ không góp.

Ngoài ra, QĐ số 33 còn xác định ông Dương Thái Bảo, ông Trương Tiết Thanh, bà Trần Mỹ Lệ đều nêu trong bản tự khai rằng tài sản của DNTN Kim Anh trước đây và Công ty Kim Anh hiện nay đều do ông Quí gây dựng lên.

QĐ số 33 cũng khẳng định giá trị tài sản đất đai của ông Quí trị giá 69,8 triệu đồng, còn số vốn góp bằng tiền 40 triệu đồng đã được TAND tỉnh Sóc Trăng xác định trong bản án ngày 13/2/2015 và bản án ngày 7/3/2019 là thuộc sở hữu hợp pháp của ông Quí. Hai bản án này cũng xác định DNTN Kim Anh là của ông Quí.

Những thành viên của công ty Kim Anh nói gì?

Trong tất cả những trình bày của mình, bà Kim Anh khẳng định con dâu Trần Mỹ Lệ (vợ ông Dương Việt Trung) đã nghỉ dạy học để về Công ty Kim Anh làm kế toán trưởng. Là vợ bị đơn và hưởng cổ phần từ ông Trung nhưng bà Lệ có đơn tường trình rất rõ với TAND tỉnh Sóc Trăng khẳng định vốn điều lệ của Công ty Kim Anh thực chất số vốn này do tự kê khai để đưa vào cho khớp với thủ tục chung. Tỷ lệ phân chia trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ mang tính hình thức thủ tục. Việc kê khai khống trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và điều lệ của Công ty Kim Anh nhằm hợp thức hóa thủ tục thành lập công ty.

Về vốn hoạt động của Công ty Kim Anh, bà Lệ trình bày: "Khi chuyển đổi sang Công ty Kim Anh, vốn hoạt động là lấy toàn bộ từ tài sản của DNTN Kim Anh, không có thành viên nào góp thêm tiền hoặc tài sản".

“Sau một thời gian hoạt động, do cần mở rộng quy mô kinh doanh của công ty, lấy uy tín với các đối tác, Công ty Kim Anh đã nhiều lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ. Những lần thay đổi và tăng vốn điều lệ, ông Quí có nhờ các anh chị em có tên trong danh sách thành viên ký tên vào các giấy tờ, thủ tục kê khai theo mẫu của Sở KH&ĐT quy định. Thực tế, các thành viên ngoài ông Quí không có góp vốn, do vậy, chỉ có các số liệu hình thức trên bản điều lệ Công ty Kim Anh, chứ không có khoản tiền nào của các thành viên đó nhập vào hệ thống sổ sách kế toán do tôi phụ trách, cũng như không có khoản tiền thực, tài sản thực nào nhập vào quỹ Công ty Kim Anh”, bà Lệ trình bày trong đơn gửi tòa án.

Không chỉ bà Lệ, ông Bảo và ông Thanh được chia thừa kế cổ phần của bà Hoàng Thị Kim Anh nhưng những người này ngay từ ban đầu đều khẳng định ông Quí là chủ sở hữu của Công ty Kim Anh và không có ai góp vốn vào công ty, chỉ đứng tên giùm nhằm hợp thức hóa giấy tờ.

Mong sớm kết thúc vụ kiện để DN còn kinh doanh!

Trao đối với DNVN, ông Quí mong muốn trong lần xét xử tới, HĐXX sẽ có cách nhìn nhận công tâm, thấu đáo hồ sơ.

“Đến nay vụ án đã bước sang năm thứ 12 với 3 lần xét xử sơ thẩm. Tòa án cấp sơ thẩm đã làm rõ những vấn đề mà kháng nghị số 10, QĐ số 33, cũng như các bản án phúc thẩm lần 1 và 2 đặt ra với nội dung có đầy đủ căn cứ xác định tài sản góp vốn khi thành lập DNTN Kim Anh là thuộc sở hữu hợp pháp của ông Quí và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Do đó, nếu tiếp tục có những lập luận trái ngược với quyết định giám đốc thẩm số 33 năm 2013 là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, việc đưa ra những yêu cầu không cần thiết, không thể thực hiện được chỉ làm kéo dài thời gian, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của chúng tôi”, ông Quí nói.

Ngày 17/6, ông Đỗ Ngọc Quí, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kim Anh (Công ty Kim Anh, có trụ sở tại tỉnh Sóc Trăng) đã ký đơn đề nghị gửi Ủy ban Thường vụ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, VKSND Tối cao và TAND Tối cao về việc xem xét theo thủ tục đặc biệt đối với quyết định giám đốc thẩm số 04 (QĐ04) ngày 28/4/2021 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (Hội đồng này chỉ 5 thẩm phán).

Ông Quí cũng cho rằng, QĐ số 04 có nhiều quan điểm, lập luận không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ trong vụ kiện cũng như thực tế khách quan và đặc biệt là mâu thuẫn với quyết định giám đốc thẩm số 33 (QĐ số 33) của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao gồm 13 thẩm phán xét xử năm 2013. Việc mâu thuẫn này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, Công ty Kim Anh mà còn làm vụ kiện càng thêm phức tạp và không biết đến bao giờ mới kết thúc được vụ kiện đã kéo dài hơn 11 năm qua (?!)

Hoàng Oanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm