Sự thật tiếp theo vụ phá rừng nghiêm trọng ở Quảng Bình đã và đang được phơi bày thế nào?
Quảng Bình: Rừng tự nhiên đang bị bức tử, "chảy máu" tràn trề / Hồi âm nóng vụ “Rừng tự nhiên đang bị bức tử, “chảy máu” tràn trề" ở Quảng Bình
Sự thật tiếp theo vụ phá rừng nghiêm trọng
Sau khi Doanh nghiệp Việt Nam phản ánh, UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Bình đã quyết liệt vào cuộc để kiểm tra, xác minh làm rõ vụ phá rừng nghiêm trọng này. Theo Công văn số 920/BC – CCKL của Chi cục Kiểm lâm gửi Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp (CTMTPTLN) bền vững tỉnh, Sở NN- PTNT báo cáo về việc xác minh thông tin Doanh nghiệp Việt Nam phản ánh.
Theo nội dung báo cáo, ngày 9/8/2021, Doanh nghiệp Việt Nam đăng bài: “Quảng Bình: “Rừng tự nhiên bị bức tử, ‘chảy máu’ tràn trề”. Chi cục Kiểm Lâm (cơ quan thường trực BCĐ thực hiện CTMTPTLN bền vững tỉnh) đã có công văn chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa tham mưu UBND huyện Minh Hóa thành lập Tổ công tác kiểm tra, xác minh báo cáo rõ vụ việc.
Kết quả kiểm tra xác minh, tổ công tác liên ngành do Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa chủ trì phối hợp với UBND xã Thượng Hóa với đơn vị chủ rừng là Ban quản lí rừng cộng đồng bản Phú Minh tiến hành kiểm tra rừng tại khoảnh 1, khoảnh 4, tiểu khu 239. Ban đầu đã phát hiện ra 19 cây gỗ từ nhóm II đến nhóm VII, đường kính từ 30cm đến 70cm bị đốn hạ, khai thác trái pháp luật. Việc khai thác diễn ra vào các thời điểm khác nhau, không tập trung. Các cây gỗ bị khai thác đều được dùng máy cưa xăng để cắt hạ, xẻ thành hộp.
Qua kiểm tra, đối chiếu với các hình ảnh Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam nêu cho thấy: Sự việc nêu về khai thác gỗ là có, các bức ảnh được phóng viên ghi nhận phù hợp với hình ảnh và hiện trường mà Tổ công tác đã kiểm tra, báo cáo.
Cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ, xẻ thành hộp để dễ vận chuyển.
Báo cáo Chi cục Kiểm lâm cũng nêu rõ: "Mặc dù công tác quản lí, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Minh Hóa nói chung, xã Thượng Hóa nói riêng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo. Các lực lượng chức năng và chủ rừng đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra rừng, ngăn chặn và xử lí nghiêm hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật. Chi cục Kiểm Lâm đã ban hành và tham mưu BCĐ thực hiện CTMTPTLN bền vững tỉnh ban hành văn bản đề nghị UBND huyện Minh Hóa các cơ quan chức năng, các đơn vị chủ rừng chấn chỉnh công tác quản lí bảo vệ rừng. Trong vụ phá rừng mà Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam nêu, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan chưa thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm để xảy ra tình trạng khai thác, phá rừng trên địa bàn xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Hạt Kiểm lâm Minh Hóa đã tham mưu UBND huyện, BCĐ thực hiện CTMTPTLN bền vững huyện có văn bản chỉ đạo UBND xã Thượng Hóa tăng cường công tác bảo vệ rừng cộng đồng".
Tuy nhiên, tình trạng người dân sống trong các thôn bản gần rừng, liền rừng lén lút vào rừng để khai thác gỗ với hình thức nhỏ lẻ và dùng sức người kéo, vác ra khỏi rừng vẫn tiếp tục xảy ra. Trong đó, tập trung chủ yếu là khu vực rừng cộng đồng bản Phú Minh, Phú Nhiêu và các khu vực rừng lân cận thuộc xã Thượng hóa. Việc tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng của các Ban quản lí rừng cộng đồng chuyển biến chậm. Một số thành viên Ban quản lí rừng cộng đồng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm để xảy ra nạn khai thác gỗ trái phép trên, cần phải được xử lý nghiêm.
Xem xét trách nhiệm như "gà mắc tóc"?
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Minh – Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: “Liên quan vấn đề này, cái này là của cộng đồng nên giao cho họ phạt, tham mưu cho Huyện xử lí chủ rừng đầu tiên, sau đó liên quan đến trách nhiệm của ai sẽ xử lí tiếp. Về trách nhiệm của Sở sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng giám sát thêm, tránh không để xảy ra hiên tượng này nữa. Việc đầu tiên UBND xã phải kiểm soát rừng chặt chẽ, tuyệt đối không để mất rừng. Nếu tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, để tái diễn phá rừng trước hết chủ rừng phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật, sau đó người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm về nạn phá rừng trên địa bàn mình phụ trách.
Dấu vết mới của lâm tặc để lại sau khi "xẻ thịt" xong một cây gỗ lớn.
Cũng theo ông Minh: “Kiểm lâm không thể làm hết tất cả mọi việc, chỉ có kiểm tra, giám sát. Còn trách nhiệm bảo vệ rừng giao cho tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiện tượng người dân lợi dụng tình hình quản lý đã vào chặt phá đôi cây ở những rừng tạp. Còn ở nơi rừng nguyên sinh được bảo vệ nghiêm ngặt nên đỡ hơn. Ở rừng cộng đồng quản lý, trách nhiệm chung không rõ, cũng không chặt chẽ. Còn trách nhiệm Hạt Kiểm lâm phải thường xuyên giám sát, trao trách nhiệm từng địa bàn nhưng phải phát hiện sớm, tránh tình trạng phá rồi mới đi xử lí cũng không nên. Vừa rồi lãnh đạo Sở cũng đã có khiển trách các đồng chí Kiểm lâm địa bàn”.
Phần ngọn cây không có giá trị nên lâm tặc vứt bỏ trong rừng.
Ông Đinh Minh Hương – Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Việc này huyện đang giao cho chính quyền xã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và giao cho Công an điều tra xử lí nghiêm theo quy định”.
Ông Đinh Văn Giáo - Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa lại nói rằng: “Hiện sự việc đang giao cho công an xã điều tra xử lí và tiến hành thu gom được 5m3? Nhưng một số bị hư nên chỉ gom được 2m3? Và xã đang tiến hành kiểm điểm để báo cáo lên cấp trên”.
Theo quan sát của phóng viên khi thực tế có mặt chứng kiến tại hiện trường, phải khẳng định: Đây là một vụ phá rừng nghiêm trọng. Bởi hàng loạt cây rừng bị đốn hạ mang dấu hiệu “có tổ chức” nhưng không thấy bóng dáng của chủ rừng, chính quyền xã và lực lượng Kiểm lâm địa bàn. Chỉ đến khi báo chí phản ánh, “cơ quan chức năng mới biết, mới vào cuộc”.
Hi hữu hơn nữa, các cây rừng mà phóng viên phản ánh trước đó chưa có dấu kiểm tra của lực lượng chức năng nhưng trong báo cáo, Hạt kiểm lâm huyện Minh Hóa lại cho rằng đã kiểm tra trước đó.
Theo ông Nguyễn Công Chung - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Minh Hóa: "Những gốc cây chưa đánh dấu này đã được kiểm tra trước đó nhưng quên đánh dấu".
Lí giải vấn đề này, ông Nguyễn Công Chung – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Minh Hóa cho biết: "Sau khi xác minh, các cây có cả kiểm tra, không kiểm tra, kiểm tra mà không đánh dấu. Chúng tôi kiểm tra rất kỹ, có kiểm tra mà không đánh dấu. Cái này thực ra do chủ rừng sợ trách nhiệm. Chúng tôi đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của chủ rừng, của chính quyền xã và kiểm điểm trách nhiệm của trạm Kiểm lâm”.
Sau khi kiểm tra kết quả xác minh từ Tổ công tác liên ngành, do Hạt Kiểm lâm huyện Minh Hóa chủ trì, phối hợp với UBND xã Thượng Hóa cùng đơn vị chủ rừng là Ban quản lí rừng cộng đồng bản Phú Minh (nêu trên), phát hiện ra 19 cây gỗ bị đốn hạ thuộc nhóm II đến nhóm VII, đường kính từ 30cm đến 70cm.Đây là số liệu của đoàn kiểm tra. Còn kết quả theo số liệu thu hồi số lâm sản trên do ông Đinh Văn Giáo - chủ tịch UBND xã Thượng Hóa nói với phóng viên: “Hiện nay, chính quyền đang giao cho công an xã điều tra xử lí và tiến hành thu gom được 5m3? Nhưng một số bị hư nên chỉ gom được 2m3? Và xã đang tiến hành kiểm điểm để báo cáo lên cấp trên".
Tuy nhiên, căn cứ số liệu phân tích từ viện Điều tra Quy hoạc rừng của Bộ NN-PTNT và những người dân có kinh nghiệm về gỗ, nếu cây gỗ phát triển tại vùng rừng tự nhiên có đường kính bình quân 50cm, chiều cao vút ngọn từ 15-16m thì số lượng gỗ khai thác được sẽ rất khác. Khi khai thác phần thân lấy gỗ chỉ tính chiều cao thân cây cao 10m x 50cm thì ít số lượng lâm sản khai thác được khoảng từ 2 - 3 m3. Lấy số này nhân cho 19 cây mà tổ liên ngành phát hiện sẽ cho chúng ta con số khủng khiếp lượng gỗ bị “lâm tặc” đốn hạ và vận chuyển khỏi rừng.
Đây là vụ phá rừng nghiêm trọng, hủy hoại tài sản nhà nước, hủy hoại môi trường sinh thái rừng. Thông điệp trên xin gửi đến lãnh đạo, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình sớm vào cuộc, điều tra xử lý nghiệm vụ phá rừng nghiêm trọng này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Những cây gỗ cao lớn sau khi bị lâm tặc đốn hạ chỉ còn gốc trơ trọi.