Ban kinh tế Trung ương thẩm định, tạo cơ chế cho các khu kinh tế - hành chính đặc thù
(vne) Ban Kinh tế Trung ương công bố kế hoạch này trong buổi sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 2 quý cuối năm 2013, diễn ra sáng 23/7. Sau chưa đầy nửa năm tái lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và đang trong quá trình xây dựng lại đội ngũ nhưng Ban Kinh tế TW đánh giá mình đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn như nghiên cứu, đề xuất, thẩm định chính sách, kiểm tra giám sát...
Cơ quan này đã hoàn thành thẩm định 10 đề án lớn, trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Trong đó có Đề án sơ kết 5 năm Nghị quyết Trung ương 4 về một số chủ trương, chính sách để nền kinh tế phát triển nhanh - bền vững trong môi trường WTO, Đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin, Báo cáo của Chính phủ về đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tình hình hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư với Trung Quốc, Chủ trương triển khai Khu du lịch phức hợp cao cấp (trong đó có casino) tại Vân Đồn, Chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên...
Trong 6 tháng cuối năm, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho biết sẽ tập trung thẩm định các báo cáo trình Hội nghị Trung ương 8 như Báo cáo Kinh tế - Xã hội 2013 và kế hoạch 2014, Đề án Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết về thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế...
Một số đề án quan trọng khác cũng sẽ được thẩm định, bao gồm Xây dựng nhà máy điện hạt nhân, chủ trương khai thác than ở đồng bằng sông Hồng, cơ chế đặc thù đối với các đơn vị hành chính - kinh tế: Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Móng Cái (Quảng Ninh) và thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Trưởng ban Vương Đình Huệ cho biết trong 6 tháng cuối năm, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ chuyên môn, trong đó sẽ đề xuất một nghị quyết riêng về việc quản lý, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xây dựng cơ chế chính sách cho một số đặc khu kinh tế, ngành kinh tế mới nổi (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học)...
Cùng với đó cơ quan này cũng sẽ tiếp tục quá trình xây dựng bộ máy, hoàn thiện cơ chế hoạt động. Theo biên chế được duyệt, Ban Kinh tế dự kiến có khoảng 120 nhân sự nhưng hiện tại mới có hơn 60 cán bộ làm việc. "Hiện có khoảng 800 hồ sơ đăng ký dự tuyển vào Ban Kinh tế Trung ương. Trong đó có 4-5 Phó giáo sư, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ...", ông Vương Đình Huệ cho biết.
Nhật Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng