Bản tình ca đẹp như mơ của cô nữ sinh trường Đồng Khánh và chàng cảnh vệ gác kỳ đài
Là một trong hai thiếu nữ được cử kéo quốc kì của Việt Nam trong ngày đất nước tuyên bố giành độc lập (2.9.1945), GS Lê Thi - nguyên Viện trưởng Viện Triết học không thể ngờ rằng, chính thời khắc lịch sử của dân tộc đã mở ra bối cảnh của câu chuyện tình giữa bà – một nữ sinh trường Đồng Khánh với chàng cảnh vệ binh - người sau này là chồng của bà - ông Lê Hồng Hà.
Trong kí ức của đôi vợ chồng người lính già hôm nay, tình yêu là một bài ca đẹp nảy sinh từ chiến tranh, trưởng thành qua bom đạn, bám rễ vững chắc theo thời gian cho tới hôm nay.
Lần đầu gặp gỡ
Nhắc đến GS Lê Thi chắc nhiều người không lạ khi biết bà nguyên là Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam và là con gái của GS Dương Quảng Hàm. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền tại Thủ đô năm 1945, cô nữ sinh trường Đồng Khánh này đã “cả gan” mang gạo nhà lén gửi lên chiến khu cho Việt Minh, rồi bà cùng nhiều chị em nữ sinh yêu nước khác lén may cờ đỏ, sao vàng phục vụ phong trào đấu tranh...
Bà cũng chính là một trong hai người phụ nữ may mắn được lựa chọn kéo lá cờ đỏ sao vàng trong ngày Quốc khánh đầu tiên, khi Bác Hồ đọc bản tuyên độc lập... Trong chuỗi những câu chuyện mang hơi thở chung gợi mở về một thời hào hùng, thiêng liêng của dân tộc, câu chuyện tình của cô nữ sinh Đồng Khánh Lê Thi đã góp phần tạo nên một góc nhìn khác phía sau khói lửa, bom đạn. Đó chính là tình yêu bất diệt, son sắt không dễ lay chuyển.
Bà Thi kể, sáng 2.9.1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, hàng triệu đồng bào đã nối hàng, sẵn sàng chờ đón giây phút thiêng liêng của dân tộc, đánh dấu bằng việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập. “Chúng tôi đã có mặt từ rất sớm, tôi dẫn đầu đoàn nữ, sẵn sàng đón đợi hiệu lệnh của tổ chức”, bà Thi nhớ lại. Và, trong giây phút lịch sử chứa đầy sự bất ngờ ấy, bà cùng với một người phụ nữ khác đã được chọn để kéo cao lá cờ Tổ quốc.
Cũng tại bối cảnh đó, bà gặp và biết đến ông Lê Hồng Hà - trên cương vị là một người lính bảo an (thuộc sở Liêm phóng Bắc Bộ - tổ chức đầu tiên của Công an Nhân dân Việt Nam ở Bắc Bộ) bảo vệ an ninh cho buổi lễ. Tuy nhiên, sau đó, giữa hai người vẫn chưa có mối liên hệ gắn bó nào, mãi cho đến khi họ cùng được cử tham gia một lớp học bồi dưỡng dành cho cán bộ. Cô nữ sinh Thi gặp lại người cảnh vệ Lê Hồng Hà. Từ đây, câu chuyện tình giữa hai người mới chính thức sang trang mới.
“Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”
Bà Lê Thi kể lại, hồi đó, ông Hà là quản ca của lớp, có giọng hát rất cuốn hút nên nhiều cô mê. Dù lúc đó đã là một thiếu nữ trưởng thành, chín chắn, nhưng trong chuyện tình cảm, bà Thi thấy mình vẫn nhút nhát. “Bởi thế, khi nghe ông ấy hát, tôi chỉ biết chống cằm chăm chú mà nghe, trong khi nhiều cô gái khác hò reo và lên tặng hoa ông ấy”, bà Thi tâm sự.
Nữ chiến sĩ cách mạng Lê Thi khi ấy chỉ biết gửi gắm tình cảm của mình qua ánh mắt ngưỡng mộ, trìu mến về phía chàng quản ca Lê Hồng Hà. Mãi tới sau này, bà mới biết rằng, chính người quản ca ấy cũng “thầm thương, trộm nhớ” mình từ lâu.
Tiếp lời, cụ ông Lê Hồng Hà cũng bộc bạch: Tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông thường đạp xe về nhà. Vài lần đầu, dù muốn cho bà Thi đi nhờ, nhưng lại ngại nên ông chỉ lẽo đẽo theo sau. Sau đánh liều, ông lên tiếng và được bà Thi chấp nhận cho đèo về. Tiếp sau đó là hàng loạt những cuộc hẹn hò, gặp gỡ kiểu thời chiến do ông Hà chủ động mở lời. “Lúc đó nghĩ cũng ngại, nhưng không nói thì không biết tình cảm bà ấy ra sao, nên sau nhiều lần mượn cớ sang nhà bà ấy ở Hàng Bông mượn sách, tôi đã ngầm nhắn nhủ tình cảm của mình”, ông Hà nhớ lại.
Đúng lúc tình cảm hai người nảy nở và ngày một đậm đà để tính đến một tương lai xa hơn thì cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra vào cuối năm 1946. Ông Hà phải lên đường nhận nhiệm vụ mới. Trước khi đi, ông gặp và trao cho bà vài viên đạn phòng thân.
Thầm thương, trộm nhớ cô nữ sinh Hà thành, nhưng chưa một lần chàng cảnh sát Lê Hồng Hà tỏ tình với người yêu vì nghĩ “chưa hòa bình thì chưa có đám cưới” nhưng khi nhận được tin phải đi học tập ở Trung Quốc, chàng cảnh sát trẻ đã nghĩ lại. Anh quyết định phải tỏ tình. Thế là trước ngày ông Hà được cử đi học bên Bắc Kinh, hai người đã kịp tổ chức đám cưới.
Đám cưới giữa rừng sâu và màn ra mắt đặc biệt của nàng dâu mới
Ngày 17.4.1949, lễ kết hôn được tổ chức ngay tại nơi mở lớp học Trung văn nằm giữa rừng sâu thuộc địa phận huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Tuy nhiên, theo bà Thi, để có được đám cưới ấy, lãnh đạo đơn vị và bà đã phải vượt bộ hàng trăm kilomet đường rừng, dưới sự tuần tra gắt gao của thực dân Pháp để sang Định Hóa tổ chức đám cưới. Bạn bè tham dự buổi lễ của hai người cũng chủ động vào rừng kiếm rau, quả rừng và săn thú để làm cỗ trong ngày vui của bạn. “Ngày trước, con gái đi cùng con trai ít có chuyện để nói lắm. May mà hai người có chung những chuyện kháng chiến nên thường xuyên trò chuyện”, bà Thi tâm sự.
Trong buổi lễ đặc biệt ấy, đại diện gia đình nhà gái có lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Ông Hoàng Quốc Việt - Uỷ viên thường vụ Trung ương Đảng phụ trách mặt trận là đại diện họ nhà trai. Trong trí nhớ của ông Hà, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng đám cưới của hai người vẫn đón những phần quà rất “hậu”: Đồng chí Lê Văn Lương - Uỷ viên thường trực Trung ương Đảng tặng 1.000 đồng, Nha công an 1.000 đồng, Tỉnh uỷ Tuyên Quang 1.000 đồng, đồng chí Hoàng Quốc Việt 500 đồng. Trong khi vào thời điểm đó, lương tháng của ông chỉ có 200 đồng.
Đôi vợ chồng son gần gũi được vài ngày thì ông Hà chuẩn bị khăn gói lên đường, còn bà Thi về quê nội ra mắt nhà chồng. Cùng đi với bà hôm đó còn có một người bạn của chồng. Nói về kỉ niệm trong lần ra mắt đặc biệt này, bà Thi cho biết, do hai gia đình đã có sự quen biết trước đó, nên khi nghe cô con dâu mới thưa chuyện đã kết hôn cùng anh Lê Hồng Hà, gia đình nhà chồng hết sức cảm thông và đón nhận ngay nàng dâu. “Thời ấy, con gái ra mắt nhà người yêu đã ngượng lắm rồi, chúng tôi lại còn cưới nhau rồi mới ra mắt. May được sự đỡ đầu của nhiều đồng chí cán bộ cấp cao nên mẹ chồng, bố chồng tôi cũng rất đồng tình”, bà Lê Thi tâm sự.
Mâm cơm đãi con dâu chẳng có gì ngoài ít rau vườn và con gà nuôi nửa năm mới dám mổ. Bà kể chuyện đám cưới trong rừng cho bố mẹ chồng nghe và cũng “khất lễ” với nhà chồng 4 năm nữa mới sinh con. Lê Thi e lệ và cúi mặt khi mẹ chồng không trách lời nào mà còn khen con dâu rất biết ý khi vượt hàng trăm cây số đường rừng về ra mắt bà con chòm xóm, để mọi người biết mặt vợ anh Lê Hồng Hà. Ở nhà mẹ chồng được một tối, hôm sau, bà lên đường trở lại đơn vị.
Giờ đây, đôi vợ chồng người lính năm xưa đều sắp bước bước qua tuổi 88 và vẫn sống tại ngôi nhà số 62 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi 3 thế hệ gia đình bà Lê Thi từng cư ngụ. Theo lời kể của bà con hàng xóm, gia đình ông bà và các thành viên chưa bao giờ có chuyện gì to tiếng. Trên một lĩnh vực khác, bà Thi còn được biết đến là người có công đầu trong việc thành lập Trung tâm nghiên cứu giới và gia đình. Chính những công việc dù nhỏ nhưng có ý nghĩa của bà đã góp phần tạo nên tiếng nói bình đẳng giới của Việt Nam trong suốt những năm qua.
Theo báo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo