Báo cáo về phí giao thông trước Quốc hội
Thảo luận về nội dung Kỳ họp thứ 3 quốc hội Khóa XIII vào tháng Năm tới, Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Nguyễn Kim Khoa cho rằng: Chính phủ cần có báo cáo về vấn đề thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, phí vào nội đô để Quốc hội xem xét; Ngoài ra, Chính phủ cần báo cáo việc thực hiện thí điểm lệch giờ học giờ làm vừa qua nhằm đánh giá lại tác động của chính sách này trong thời gian qua.
Nhấn mạnh phải đưa vấn đề phí ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha còn đề nghị các cơ quan liên quan phải gửi Đề án này cho Mặt trận xem xét, phản biện.
Nhân dân đang hết sức quan tâm đề án thu phí lưu thông phương tiện của Bộ Giao thông Vận tải, và có rất nhiều ý kiến trái chiều. “Nhân dân trông đợi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định vấn đề này, bởi quyết thế nào thì dân phải chịu như vậy” - ông Pha nói.
Xem xét trách nhiệm
Chủ tịch HĐDT Ksor Phước nhìn nhận phí giao thông, sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2, đường cao tốc, nạn phá rừng đầu nguồn là những vấn đề nóng bỏng. Nó cho thấy, cần đặt ra tại Quốc hội về trách nhiệm, ở tầm quản lý vĩ mô. Bên cạnh đó, vấn đề nhà ở xã hội cũng rất bức xúc trong nhân dân: Nhà giá rẻ mà bán tới 15-17 triệu đ/m2 tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng phải 12 triệu mới mua được.
Người nghèo chưa biết được hưởng lợi bao nhiêu từ dự án, nhưng các doanh nghiệp thì người ta đã thấy rõ những món lời rồi. Vậy những vấn đề như thế, trách nhiệm thuộc về ai? Cơ quan nào tham mưu đề xuất chính sách như thế, kể cả ở QH cũng phải có trách nhiệm, phải tự kiểm điểm lại mình.
Các cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc, giải quyết vấn đề nóng đó. Đồng thời, cần đánh giá lại tình hình từ Kỳ họp thứ hai đến giờ, nếu thấy có gì sai thì phải kịp thời sửa chữa.
Bàn về tái cấu trúc nền kinh tế
Dự kiến, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII diễn ra trong khoảng một tháng (21/5 đến 22/6). Quốc hội sẽ thông qua 13 dự án luật, một dự thảo nghị quyết và cho ý kiến bảy dự luật khác. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và dự kiến sẽ thông qua Luật Biển Việt Nam vào ngày 21/6.
Nét mới là kỳ họp sẽ tăng số buổi truyền hình trực tiếp các phiên họp tại Hội trường so với truyền thống, như thảo luận về dự án luật Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính, Báo cáo giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Điểm nhấn tại kỳ họp, ngay trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình bày về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng, định hướng cho việc thảo luận các nội dung kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước cũng như các quyết sách của đất nước.
QH sẽ dành trọn một ngày để thảo luận riêng về đề án này (dự kiến sẽ phát thanh, truyền hình trực tiếp).
Nói thêm về phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 26/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn ít chất vấn quá, gần như là “khoán” cho đại biểu ở các tỉnh, thành. Một số nơi thấy “trắng” nhiều ghế quá, không biết có được bao nhiêu đại biểu tham gia.
Cũng tại phiên họp sáng 27/3, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị phải xem xét, giải quyết rõ trường hợp đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến (Đại biểu tỉnh Long An).
Thảo luận về Dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), hầu hết đại biểu đều thống nhất với quy định cho phép lao động nữ được nghỉ thai sản sáu tháng.
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo