Tin tức - Sự kiện

Báo chí không vô cảm với phận người

Khi báo chí đăng rõ ảnh cô dâu ở Cần Thơ bị nhà chồng trả về vì nghi không còn trinh tiết, có người chất vấn “tại sao không che mặt cô gái?”.

Tức thì, một cuộc tranh luận nhỏ nổ ra, giữa những người cho rằng phải che mặt cô gái và những người ủng hộ việc không che mặt.

 

Tranh luận bất phân thắng bại nhưng xem ra quan điểm ủng hộ việc không che mặt có vẻ thuyết phục hơn: Vì gia đình cô gái và cô gái yêu cầu như thế! Cô đi lấy chồng tháng 3/2011, được ít lâu thì chồng hồ nghi cô xuất hiện trong một clip sex trên mạng, tháng 8/2011 cô phải về nhà mẹ đẻ và tháng 2/2012, người chồng cưới vợ khác.

 

Gần một năm ấy, cô kêu cứu nhiều cơ quan địa phương nhưng đến tháng 3/2012, khi truyền thông phản ánh thì tất cả “mới biết” hoặc “đang xem xét”.

 

Cô và gia đình không còn chịu đựng được nên nhờ báo chí đăng rõ mặt, nói theo cách dân gian là “chơi bài ngửa” để hy vọng tiếng kêu cứu được xem xét.

 

Báo chí chia sẻ với những cảnh đời ấy không có mục đính nào khác ngoài mong muốn tâm tư nguyện vọng của người dân không bị chìm lấp.

 

Cũng qua đó, báo chí cố gắng phản ánh đầy đủ bức tranh hiện thực ở khía cạnh mà trong một cuộc họp có lãnh đạo thành phố Cần Thơ, phóng viên Tiền Phong phát biểu: “Không ít cán bộ còn vô cảm với thân phận người dân”.

 

Những vụ việc cụ thể vừa nêu, sau khi báo chí phản ánh, cán bộ địa phương đã có sự quan tâm đầy đủ hơn đến người dân.

 

Chia sẻ thông tin để hiểu thêm bản chất sự kiện, hiện thực cuộc sống, góp phần gạn đục khơi trong đặng yêu thêm cuộc sống, yêu thêm con người chứ không phải ngược lại.

 

Trong thông tin, có một khái niệm thoạt nghe khá hấp dẫn nhưng nghĩ sâu thì thấy hay dẫn đến vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề báo, đó là khái niệm “khách quan”.

 

Một doanh nghiệp đang nỗ lực xử lý nợ nần, vài chủ nợ vì lý do riêng nộp đơn yêu cầu tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản và báo chí đưa tin về lá đơn ấy.

 

Việc đưa tin cho rằng “khách quan theo sự việc xảy ra”, nhưng là một “khách quan” không đầy đủ, nghiêng về phục vụ thiểu số, gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp và cho cộng đồng lớn hơn.

 

Chỉ dừng ở việc phổ biến thông tin dựa trên thực tế, đưa ra các thông tin không cần thiết cho cộng đồng, thậm chí có hại, rõ ràng không phải nguyên tắc đạo đức nghề báo.

 

Hơn nữa, trong nhiều trường hợp tương tự, người đưa tin viện cớ “khách quan” thường chỉ nhằm khỏa lấp sự cân nhắc chưa tới của bản thân.

 

Mọi nghề nghiệp nếu không có mục đích thúc đẩy phát triển, đề cao con người thì không có lý do tồn tại. Ngay cả thông tin về các vụ thảm họa, thiên tai hoặc nhân tai, báo chí cũng không được phép gây ra tâm lý hoang mang, sợ hãi.

 

Thông tin về những hành vi phạm pháp không được vin cớ để nhục mạ, hạ thấp con người, dù với kẻ quyền thế hay cô gái xinh đẹp yếu đuối.

 

Nhà báo Nick Davies của tờ The Guardian (Anh), người phanh phui vụ nghe lén của tờ News of The World có viết: “Một nền báo chí bất cần đạo lý, đánh thuê, mị dân, tha hóa sẽ dần tạo ra một dân tộc như chính nó”.

 

Bởi thế, làm nên vẻ đẹp đích thực của báo chí chính là ở việc nâng niu, nâng đỡ con người lúc khốn đốn nhất, cho con người nụ cười khi bản thân người ấy không thể nở nụ cười.

Theo TP

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo