Báo động chứng rối loạn tâm lý học đường
Áp lực học quá lớn
Qua khảo sát, áp lực học tập là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý thanh thiếu niên ở độ tuổi học đường. 57,6% học sinh được khảo sát cho biết bị cha mẹ la mắng vì các em không học tốt tại trường; 59,3% học sinh không hài lòng như ý muốn về kết quả học tập thấp.
Những rối loạn tâm lý cụ thể trong trường học chủ yếu là: stress vì làm kém bài tập kiểm tra môn học mà các em thích, stress vì giáo viên giảng bài mà các em không hiểu, stress vì muốn có tên trong danh sách khen thưởng mà không được, stress vì không có nhiều thời gian hơn để học...
Bác sĩ Trần Thị Hải Vân - Trưởng khoa Tâm thần trẻ em - Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng cho biết, qua khảo sát có rất nhiều học sinh lo lắng, mệt mỏi vì sức ép của việc học trên trường và học thêm ngoài giờ.
Tình trạng này dẫn đến chứng rối loạn lo âu rất phổ biến ở học sinh hiện nay. Tại Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng có một số em học sinh giỏi, được gia đình kỳ vọng, dồn hết tập trung vào việc học, sau đó bị mất cân bằng tâm lý. Chỉ cần một thất bại nhỏ sẽ khiến các em mất hết niềm tin vào bản thân, sợ hãi và từ đó chán nản luôn việc học.
Khủng hoảng tâm lý lứa tuổi
Ở độ tuổi học đường, những biến chuyển tâm sinh lý tạo nên sự thay đổi về thể chất và tâm lý. Ngay cả phụ huynh hay thầy cô phần lớn vẫn chưa trở thành chỗ tin cậy để các em bộc bạch, chia sẻ. Khảo sát tại các trường THPT ở Đà Nẵng cho thấy biểu hiện lớn nhất của sự chuyển biến tâm lý tuổi vị thành niên là những rung động đầu đời, rất nhiều em có tình cảm với bạn khác giới.
Từ đây cũng nảy sinh một số vấn đề như: xao lãng học tập, mâu thuẫn với bạn bè, thất vọng vì không được đối phương đáp lại tình cảm, có mong muốn quan hệ tình dục sớm... Nhưng hầu hết các em cho biết không thể chia sẻ với cha mẹ hoặc thầy cô, vì biết chắc sẽ bị phản đối. Do vậy các em chủ yếu chia sẻ với bạn bè hoặc tự giải quyết vấn đề của mình bằng cách viết vào nhật ký hay lên mạng Internet tìm hiểu.
Ở độ tuổi này, các em cũng có xu hướng “đối đầu” với người lớn để khẳng định cái tôi của mình. Chị Đàm Quế Anh, chuyên viên tâm lý Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng, người tiếp xúc và gắn bó với các em học sinh trong các cuộc khảo sát tâm lý học đường, tâm sự: “Người lớn chúng ta hay nói là các em ở độ tuổi thanh thiếu niên rất khó gần.
Nhưng qua các cuộc trao đổi, tôi thấy các em không khó gần chút nào cả, vấn đề là người lớn chưa biết cách gần gũi, chưa thực sự tôn trọng và muốn lắng nghe các em. Ở trường, các thầy cô chủ yếu chỉ quan tâm đến việc học của các em. Ở nhà, cha mẹ bận rộn với công việc, chuyện hỏi thăm con cái cũng hạn chế, chưa khơi gợi những điều các em muốn chia sẻ.
Giải pháp nào?
Trên cơ sở các kết quả khảo sát, nghiên cứu đã được thực hiện tại Đà Nẵng về stress ở thanh thiếu niên, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đang thực hiện một số dự án mang tính chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe tâm lý học đường, với sự phối hợp của các tổ chức quốc tế.
Trước mắt, Khoa Tâm thần trẻ em đã xây dựng khóa huấn luyện kỹ năng tự giải quyết vấn đề cho học sinh, bao gồm các bước: xác định vấn đề, phân tích vấn đề, các phương án giải quyết vấn đề và tự chọn lựa phương án giải quyết vấn đề. Mục đích của khóa huấn luyện này nhằm giúp các em có kỹ năng tự chủ, vượt qua những áp lực, với sự hỗ trợ của cha mẹ và các chuyên gia tâm lý.
Về phía ngành giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh hiện nay vẫn còn gặp quá nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí bỏ ngỏ. Y tế học đường chủ yếu tập trung chăm sóc sức khỏe thể chất chứ chưa có giáo viên tâm lý để hỗ trợ khi các em gặp vấn đề về tâm lý trong học đường hay những bất ổn trong gia đình, cuộc sống.
Từ năm học 2014-2015, Sở GD& ĐT Đà Nẵng triển khai các hoạt động chú trọng đến vấn đề kỹ năng sống và hỗ trợ tâm lý học đường cho học sinh. Những chương trình trang bị các kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi, kiến thức phòng chống bạo lực học đường cũng sẽ được đẩy mạnh. Tại Trường THCS Tây Sơn, năm học này đã có sự xuất hiện của Góc tham vấn nằm trong chương trình Hành trình yêu thương, để bên cạnh việc trang bị kỹ năng sống, các em có thể được tư vấn về tâm lý khi gặp phải những khó khăn mà mình không biết cách giải quyết...
Một nhà tâm lý học người Pháp đã nói “Việc khó khăn nhất trong cuộc đời của mỗi người là nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành”. Hành trình trưởng thành của 1 đứa trẻ, với biết bao những biến chuyển tâm lý và rối loạn tâm lý, cần có sự đồng hành, tôn trọng và chia sẻ từ phía người lớn, từ phía xã hội, để các em sống đúng và sống đẹp với lứa tuổi của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất