Tin tức - Sự kiện

Báo động: Mỗi năm, bảo hiểm xã hội thất thu 80.000 tỷ đồng

Ngày 28.5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm xã hội: nguy cơ vỡ quỹ và đề xuất chính sách”.

Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính kiêm Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng nợ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm tự nguyện tính đến hết tháng 3/2014 đã lên đến 11 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nợ Bảo hiểm xã hội trên 7,4 nghìn tỷ đồng; nợ Bảo hiểm tự nguyện trên 0,5 nghìn tỷ đồng và nợ Bảo hiểm y tế trên 3,1 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt có nhiều đơn vị kéo dài nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đã có trường hợp chủ doanh nghiệp chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội bằng những thủ thuật, mưu trò như thực hiện trích trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động nhưng không nộp vào quỹ bảo hiểm mà cố khất nợ và dần cho qua.
 
Về việc thu, nộp Bảo hiểm xã hội, ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban thu Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật như: Trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội đang diễn ra khá phức tạp. Hiện, có trên 500 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng trên thực tế có khoảng trên 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, 50% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam không tham gia bảo hiểm xã hội.
 
“Cả nước có khoảng 16 triệu người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng còn trên 5 triệu người chưa được tham gia, tương ứng với số thu khoảng 56.000 tỷ/năm. Bên cạnh đó, mỗi năm cơ quan bảo hiểm xã hội thất thu khoảng 24.000 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa tiền lương đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động.
 
Hiện nay, khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng bảo hiểm xã hội ở mức 2,8 triệu đồng/tháng nhưng thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương khoảng 3,8 triệu đồng/người. Như vậy, tổng số tiền thất thu hàng năm của bảo hiểm xã hội lên đến 80.000 tỷ đồng”. Ông Liệu cho biết thêm.
 
Đề cập đến chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay, ông Trần Đình Liệu cho biết: sau 7 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, cụ thể là: Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
 
Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động; Một số quy định trong chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ những hạn chế, bất cập; Hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội hiệu quả chưa cao, lãi thu được từ hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ bảo hiểm xã hội chưa bảo tồn được giá trị của quỹ.
 
Bên cạnh đó, quy định về chi phí quản lý của tổ chức bảo hiểm xã hội còn chưa phù hợp; Quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội còn chưa thật thuận tiện, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội còn hạn chế, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thống kê, điều hành, giám sát chưa có sự liên thông trong hệ thống từ đó dẫn tới những khó khăn trong đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo