Tin tức - Sự kiện

Bảo hiểm hưu trí: Liệu có xung đột “lãnh thổ”

Bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện đang đồng thời được xây dựng. Sân chơi rộng mở, nhưng ranh giới giữa 2 mảng “lãnh thổ” này không phải lúc nào cũng rõ ràng.

Ngày mai (15/10), Thông tư 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện bắt đầu có hiệu lực, tạo cơ hội cho các công ty bảo hiểm thâm nhập sâu mảng thị trường rất tiềm năng này.

Nông dân, nhóm khách hàng tiềm năng lớn của bảo hiểm hưu trí

Tuy nhiên, một dạng quỹ bảo hiểm hưu trí khác cũng đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ráo riết triển khai là bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Do vậy, cạnh tranh ngầm giữa hai loại hình bảo hiểm hưu trí này là khó tránh khỏi nếu không được tổ chức và quản lý tốt.

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ có định hướng cho các doanh nghiệp bảo hiểm để bảo hiểm hưu trí tự nguyện không “lấn sân” bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Theo ông Lộc, thực tế thị trường còn rất nhiều khoảng trống cho các doanh nghiệp khai thác. Chẳng hạn, dư địa cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện là các đối tượng không phải người lao động hưởng lương trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Về mặt lý thuyết, hệ thống bảo hiểm hưu trí hoàn thiện sẽ phải có 3 tầng, gồm: bảo hiểm hưu trí cơ bản (tầng 1), bảo hiểm hưu trí bổ sung (tầng 2) và bảo hiểm hưu trí tự nguyện (tầng 3).

Bảo hiểm hưu trí cơ bản là phần được tách rời rõ ràng nhất, do được Nhà nước tập trung quản lý, nhằm đảm bảo mức lương hưu tối thiểu. Bảo hiểm hưu trí bổ sung và tự nguyện tuy có hình thức tổ chức và thực hiện khác nhau, nhưng đều có ý nghĩa tích lũy thêm thu nhập ngoài lương hưu cơ bản.

Một số nước phát triển đã hình thành đủ cả 3 tầng bảo hiểm hưu trí như trên, nhưng Việt Nam hiện mới có tầng thứ nhất và đang cấp tập xây dựng tầng 2 và tầng 3.

Với cơ cấu dân số Việt Nam như hiện nay, việc xây dựng tầng 2 và tầng 3 là yêu cầu cấp bách bởi theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ sau năm 2020, Việt Nam sẽ có tốc độ già hóa dân số cao nhất châu Á. Đến năm 2050, sẽ có tới 30% dân số Việt Nam trên 60 tuổi.

Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thực hiện, đang xây dựng Đề án và dự kiến sẽ áp dụng thí điểm trong 3 - 5 năm, bắt đầu từ năm 2014.

Trong khi đó, bảo hiểm hưu trí tự nguyện do Bộ Tài chính chủ trì có vẻ sẽ hình thành nhanh hơn do hiện đã có cơ sở pháp lý để thực hiện, đó là Thông tư 115/2013/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/10.

Theo quy định tại Thông tư 115/2013/TT-BTC, Quỹ hưu trí tự nguyện được hình thành từ phí bảo hiểm và là tập hợp các tài khoản bảo hiểm hưu trí của người được bảo hiểm. Khi triển khai bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm phải lập quỹ hưu trí tự nguyện để theo dõi, tách bạch và hạch toán riêng.

Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, mặc dù chỉ là “tân binh” trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, nhưng Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life lại đang rất sốt sắng trong việc triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

Ông Steve Lorenz, Tổng giám đốc PVI Sun Life cho biết, ngay từ khi có thông tin quy định về khung pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện, PVI Sun Life đã nhanh chóng tiến hành các bước chuẩn bị cho sự ra đời của sản phẩm này.

“Đây là thời điểm phù hợp để bảo hiểm hưu trí tự nguyện ra đời. Sản phẩm của chúng tôi đã sẵn sàng để trình Bộ Tài chính phê duyệt. Hy vọng, hưu trí tự nguyện của PVI Sun Life sẽ là một sản phẩm cạnh tranh ”, ông Steve Lorenz nói.

Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo