Tin tức - Sự kiện

Bao nhiêu ý dân đã được tiếp thu vào Hiến pháp?

Bao nhiêu ý kiến của nhân dân đã được quan tâm tiếp thu tại bản Hiến pháp mới? Đó là câu hỏi được đặt ra với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại cuộc họp báo ngay sau khi kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 13 kết thúc vào cuối chiều 29/11.

486 đại biểu Quốc hội đã đồng ý thông qua Hiến pháp sửa đổi.

Với sự kiện Hiến pháp mới vừa ra đời, cuộc họp báo thường lệ cũng kéo dài hơn mọi lần và sự quan tâm của báo chí cũng tập trung chủ yếu vào sự kiện này.

Trả lời câu hỏi nói trên, Phó chủ tịch Quốc hội đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Uông Chu Lưu nói, việc đếm cụ thể bao nhiêu góp ý của người dân đã được tiếp thu cũng không phải khó, “nhưng không cần thiết đếm chi ly như vậy”.
 
Phó chủ tịch nhấn mạnh rằng, sau khi đã nhận trên 26 triệu lượt ý kiến góp ý, đến 30/9/2013 còn nhận được gần 700 văn bản đóng góp cho dự thảo. Trong quá trình chắt lọc nghiên cứu, các ý kiến xác đáng thì tiếp thu ngay, ông Lưu trả lời.
 
Các bản Hiến pháp trước chỉ “sống” được khoảng từ 10 - 20 năm, Hiến pháp lần này, được đánh là phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, vậy có thể hình dung Hiến pháp giá trị trong thời gian bao nhiêu lâu? Đó là câu hỏi tiếp theo được đặt ra với Phó chủ tịch.
 
Nhận xét câu hỏi rất thú vị, song Phó chủ tịch nói, ông chưa thể trả lời chính xác được. Đây là bản Hiến pháp phản ánh được nguyện vọng của đông đảo nhân dân và phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, còn câu hỏi trên thì thời điểm này thì không thể nói chuẩn xác được.
 
Phó chủ tịch cũng nhấn mạnh, "Hiến pháp chỉ có ý nghĩa sửa đổi trong quá trình là dự thảo, còn sau khi Quốc hội thông qua, đây chính thức là Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nước Việt Nam chỉ có một bản Hiến pháp".
 
Kết quả biểu quyết, theo Phó chủ tịch là đã thể hiện sự đồng thuận cao. Còn 2 đại biểu không biết quyết, đó là quyền của đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp không áp đặt bất cứ vấn đề gì.
 
Thu hồi đất sẽ rất chặt chẽ
 
Liên quan tới dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua sáng 29/11, có mặt tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng trả lời về việc điều chỉnh lần chót Điều 62 quy định về thu hồi đất phục vụ dự án phát triển kinh tế xã hội trong bản dự thảo trình Quốc hội thông qua. 
 
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đã sửa quy định này theo hướng đảo nội dung “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội” lên trước, đưa cụm từ “vì lợi ích quốc gia, công cộng” xuống vế sau như một điều kiện để ràng buộc. 
 
Quy định như vậy, tinh thần cơ bản vẫn giữ nguyên như trước nhưng điều luật chặt chẽ hơn. Điều đó có nghĩa, dự án phát phát triển nào mà vì lợi ích quốc gia, công cộng thì mới được thu hồi đất. Quy định như vậy để loại bỏ những dự án đơn thuần vì lợi ích nhà đầu tư thì không được áp dụng thu hồi đất, Bộ trưởng giải thích.
 
Ông cũng quả quyết, vấn đề thu hồi đất sau này sẽ rất chặt chẽ, sẽ khắc phục được tình trạng tràn lan, phức tạp như vừa qua.
 
Chưa có cơ sở nói Quốc hội họp một ngày tốn 1 tỷ đồng
 
Nhận được câu hỏi của báo chí về công việc hậu cần khi dẫn lời một vị đại biểu nói khi thảo luận tại nghị trường là mỗi ngày Quốc hội làm việc tốn 1 tỷ đồng, trong khi thời gian có thể rút ngắn hơn 5 -6 ngày, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói chưa có cơ sở để khẳng định con số đó.
 
"Quốc hội họp tại Hội trường Bộ Quốc phòng là địa điểm được cho mượn, không tính chi phí, kể cả vấn đề phục vụ của đội ngũ an ninh, hậu cần… Theo đó, vấn đề cần phải lo chỉ là chi phí ăn ở, đi lại cho đại biểu về họp như tiền khách sạn, xe đưa đón", ông Phúc giải thích.
 
Không khẳng định con số 1 tỷ đồng, nhưng người phát ngôn của Quốc hội cũng không đưa ra một con số khác khi báo chí đề nghị, vì kỳ họp này chưa kết toán và mỗi kỳ có số chi phí khác nhau.
 
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng khẳng định không thể bỏ nội dung nào trong chương trình nghị sự kỳ này. Kỳ họp thứ 6 kéo dài hơn vì có nội dung công tác nhân sự. Mà làm nhân sự phải chặt chẽ, cẩn trọng, đúng quy trình. Vì vậy, dù đại biểu mong muốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tìm hướng giảm thời lượng họp nhưng không được.
VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo