Pháp luật

Bắt 5 đối tượng giả công an lừa đảo xuyên quốc gia

(DNVN) - Sáng 22/11 Công an TP.HCM vừa bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.

Tin tức trên báo Thanh niên, trinh sát Đội 8, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM, phối hợp Công an Q.3 bắt khẩn cấp 5 đối tượng trong đường dây giả danh công an để lừa đảo.

5 đối tượng bị bắt giữ trong đường dây giả công an lừa đảo xuyên quốc gia. Ảnh báo Tuổi trẻ.

Các nghi can bị bắt giữ gồm: Liu Wei Chun (34 tuổi, người Đài Loan) và Dương Thị Nguyệt (33 tuổi, vợ Chun), Nguyễn Văn Mộng (36 tuổi), Lê Nguyễn Kiều Xuân (30 tuổi) và Huỳnh Hoàng Minh (34 tuổi, cả 4 đều ngụ tỉnh Bạc Liêu).

Theo tin tức trên báo Tuổi trẻ, thông tin ban đầu cho biết ngày 17/11, bà N. (ngụ Q.3, TP.HCM) nhận được điện thoại gọi tới máy bàn của gia đình, xưng danh là Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội liên lạc để xác minh thông tin.

Đầu tiên, nhóm lừa đảo thông báo chính xác thông tin cá nhân của bà N., khiến bà N. tin tưởng và bắt đầu lo lắng, hoang mang vì bất ngờ bị “cơ quan điều tra” tìm tới.

Sau màn phủ đầu bằng chiêu thức xưng danh cơ quan điều tra, đọc đúng tên họ, địa chỉ, số CMND và các thông tin cá nhân khác, người gọi thông báo bà N. nằm trong danh sách của một băng nhóm buôn bán ma túy xuyên quốc gia quy mô lớn.

Quá hoảng sợ, bà N. lần lượt làm theo từng hướng dẫn của người gọi. Bà N. khai báo thành thật về toàn bộ tài sản của gia đình, trong đó có số tiền gửi ngân hàng khá lớn.

 

Nhóm lừa đảo khẳng định số tiền và tài sản của gia đình bà N. là “tiền bẩn”, do nhóm buôn bán ma túy trả công cho việc rửa tiền cho băng nhóm này. Nhóm lừa đảo đề nghị bà N. phải gửi tiền vào tài khoản của “cơ quan điều tra” để nhóm này xác minh nguồn gốc số tiền.

Nếu số tiền thật sự không phải từ việc buôn bán ma túy thì sẽ được trả lại trong vòng vài giờ, đồng thời sẽ được “rửa sạch” nỗi oan là thành viên tổ chức tội phạm quốc tế. Bà N. gửi 400 triệu đồng vào tài khoản của một người tên Hướng.

Sau khi gửi tiền vào tài khoản do nhóm lừa đảo chỉ định, bà N. tới Công an Q.3, TP.HCM trình báo. Công an Q.3 lập hồ sơ ban đầu, xác minh thông tin và chuyển giao cho PC46, Công an TP điều tra theo thẩm quyền do xác định có yếu tố nước ngoài trong vụ lừa đảo này.

Điều đáng nói là ba người gồm: Xuân, Mộng và Minh là những người từng đi làm nhiều thẻ ATM, sau đó bán cho một đối tượng tên Nhật (chồng cũ của Nguyệt) vào năm 2014.

Chính ba đối tượng từng bị Công an tỉnh Bạc Liêu triệu tập để làm rõ về việc mở tài khoản ngân hàng, làm thẻ ATM rồi bán lại cho các tổ chức lừa đảo. Tuy nhiên, do xác định các đối tượng này lần đầu vi phạm, chỉ là nạn nhân bị dụ dỗ chứ không ý thức được việc tham gia vào đường dây lừa đảo nên công an đã cảnh báo, đề nghị không tiếp tục tham gia tổ chức lừa đảo này.

 

Theo hồ sơ công an, năm 2003 Nguyệt kết hôn với Nhựt và đến 2009 thì ly dị. Năm 2012, Nguyệt gặp và kết hôn với Chun, một năm sau thì cùng xuất cảnh sang Đài Loan. Cuối năm 2014, vợ chồng Nguyệt quay trở lại VN. 

Thời gian này, Chun móc nối với băng nhóm lừa đảo ở Hà Nội, trong đó có người VN và Trung Quốc để thiết lập mạng lưới lừa đảo theo thủ đoạn giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật hù dọa người dân qua điện thoại để họ nộp tiền.

Để mở rộng điều tra, Cơ quan CSĐT - Công an TP.HCM kêu gọi Nguyễn Văn Nhựt ra trình diện; đồng thời kêu gọi ai là nạn nhân của băng nhóm này đến Đội 8, PC46, Công an TP.HCM trình báo vụ việc.

Liên quan đến các thủ đoạn lừa đảo tinh vi theo mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia, báo Vnexpress ngày 18/10 đã đưa tin Cơ quan điều tra công an tỉnh Thanh Hóa có quyết định khởi tố hai bị can trong một đường dây tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, một nhóm người từ nước ngoài giả nhân viên viễn thông gọi vào các thuê bao ở Việt Nam đe dọa tài khoản của khách hàng hiện mất kiểm soát, phải chuyển tiền đến tài khoản an toàn do chúng chỉ định.

 

Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo