Bất cập trong kiểm tra xe quá tải ở Hải Phòng: Cân đầu này xe chạy đầu kia
Ông Hoàng Tiến Nam - Phó phụ trách Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng - thừa nhận có tình trạng này do Hải Phòng có 2 tuyến quốc lộ (QL5 và QL10), trong khi đơn vị chỉ được trang bị một cân tải trọng, nên khi cơ quan chức năng tổ chức cân tải trọng ở QL5 thì các lái xe đi lối QL10.
Theo đại diện Phòng CSGT: Đoạn đường đủ tiêu chuẩn để cân tải trọng phải có đủ 4 làn xe chạy, bằng phẳng, đủ rộng mới tổ chức cân được. Trong khi đó, toàn tuyến Hải Phòng có vài điểm có thể cân được, nhưng những địa điểm đó đều không thể kiểm soát hết lượng xe ra vào cảng Hải Phòng.
Ông Nam cho hay, hiện tại, do phải tổ chức cân 24/24h, mỗi ngày phải tổ chức 4 ca làm việc, mỗi ca 4 người, trong khi nhân lực không được tăng. Vì vậy, nếu muốn xử lý triệt để, cần phải được trang bị thêm cân và nhân lực để chốt chặn ở hai hướng QL5 và QL10 mới mong việc cân tải trọng được triệt để.
Ông nói: Để khắc phục những bất cập trên, chúng tôi phối hợp với thanh tra giao thông Hải Dương và Thái Bình, Quảng Ninh để cân một cách chặt chẽ. Nếu hôm nào cân ở QL10, chúng tôi sẽ báo Hải Dương tổ chức cân ở QL5; nếu cân ở QL5, chúng tôi sẽ báo Thái Bình cân ở QL10.
Ông Trương Văn Thái - Phó Tổng GĐ cảng Hải Phòng - cho biết: Từ hôm cân tải trọng xe đến nay, tại Tân Cảng Hải Phòng còn tồn tới 13.000 Teu container, trong khi bến bãi của cảng chỉ chứa được khoảng 9.000 Teu. Cảng đã phải tận dụng cả bãi cỏ để chứa container. Tại cảng chính hiện tồn rất nhiều hàng nông sản, lưu huỳnh, thức ăn gia súc... và các loại hàng thiết bị cồng kềnh phục vụ cho các dự án lớn của đất nước như nhiệt điện Mông Dương, nhiệt điện Thái Bình 2, thủy điện Lai Châu, KCN Nghi Sơn... trong ngày 8.5, ông Thái đã phải ký lệnh cho lô hàng - vốn đã được cẩu từ tàu lên bãi của cảng – cẩu trở lại sàlan để đi theo đường sông, do vướng mắc trong di chuyển bằng đường bộ. Như vậy là chủ hàng phải chịu thêm chi phí bốc hàng hai lần tại cảng.
Bà Lê Thị Thanh Hằng - Giám đốc cảng Nam Ninh (Hải Phòng) - nói rằng: Từ khi cân tải trọng đường bộ, lượng hàng được rút đi từ cảng giảm hẳn. Nếu trước đây, trong hai ngày cảng có thể giải phóng hàng của 3 con tàu trọng tải 3.000 – 5.000 tấn, nhưng hiện tại, có tàu nằm hằng tuần đến chục ngày mới giải phóng hết hàng. Điều này ảnh hưởng đến doanh thu của cảng cũng như thu nhập của CBCNVLĐ do sản lượng thông quan giảm”.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Cột tin quảng cáo