Bất động sản các tỉnh - cơ hội song hành cùng rủi ro
Gọi đầu tư nhiều dự án sử dụng đất tại Hà Nam / Vì sao giá bất động sản tăng?
Hai năm trở lại đây, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM ngày càng khan hiếm nguồn cung. Các địa phương cũng nghiêm ngặt hơn trong chủ trương chấp thuận đầu tư, giá đất bị đẩy cao và quỹ đất nội đô ngày càng hạn hẹp. Trước bối cảnh đó, tâm điểm đầu tư bất động sản chuyển dần sang các dự án ở các tỉnh lân cận.
Thời điểm từ ra Tết âm lịch đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thanh khoản bất động sản ảm đạm. Nhưng nhìn chung, suốt cả năm 2019 và dự báo cả năm 2020, làn sóng chuyển dịch này vẫn chưa hề hạ nhiệt.
Làn sóng đầu tư bất động sản các tỉnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo số liệu từ Hội Môi giới BĐS Việt Nam, Thanh Hóa và Nghệ An mặc dù là hai thị trường đi sau nhưng đã "chiếm sóng" đầu tư, trở thành nơi BĐS phát triển sôi động nhất cả nước trong năm 2019. Các dự án đất đấu giá và đất nền luôn tỷ lệ hấp thụ cao, trên 70%.
Ngoài ra, tâm điểm của làn sóng đầu tư bất động sản còn phải kể đến các tỉnh khác như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà ngay cả nhà đầu tư, môi giới bất động sản người nước ngoài cũng nhanh nhạy tham gia.
Tại khu vực miền Trung và miền Nam, các địa phương vốn là gương mặt mới trên thị trường bất động sản như Kon Tum, Đắc Lắk, Quảng Trị, Bình Thuận, Lâm Đồng, Cần Thơ cũng bắt đầu nhộn nhịp, nhờ sự tham gia mạnh mẽ của hàng loạt các ông lớn trong làng địa ốc như Vingroup, Sun Group, FLC, Eurowindow…
Cuộc đổ bộ về các tỉnh thành đã giúp làm dày thêm ngân quỹ cho các nhà đầu tư nhưng cũng không thể phủ nhận, sự xuất hiện các dự án BĐS lớn đã làm khởi sắc bộ mặt đô thị tại hàng loạt các tỉnh.
Cẩn trọng khi đầu tư bất động sản tại các tỉnh
Rõ ràng, sự nhộn nhịp của thị trường bất động sản là động lực lớn để phát triển kinh tế tại các địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và đôi khi mang tính phong trào, tự phát ở một số nơi lại gây ra những lo ngại nhất định.
Cách đây 10 năm, một khu đô thị lớn của tỉnh Bắc Ninh đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Nhưng sau 10 năm, khu đô thị này bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Đây là bài học lớn cho các nhà đầu tư đầu tư lướt sóng theo phong trào tại các tỉnh.
Từng được mệnh danh là không gian châu Âu ngay cửa ngõ Hà Nội nhưng sau một thời gian ngắn sốt nóng, khu đô thị này chỉ để cho cỏ mọc. Một trong những nguyên nhân là dự án chỉ chú trọng xây nhà, chia lô để bán, thiếu các hạ tầng dịch vụ tiện ích ngay trong khu đô thị. Chưa kể, những biệt thự to lớn, giá cao, chưa phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương.
Cách đó không xa, tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vốn là địa phương được đánh giá là có tiềm năng BĐS lớn do tập trung nhiều khu công nghiệp, lại gần Hà Nội. Đến nay, riêng tại một huyện này đã có tới 30 dự án bất động sản lớn nhỏ khiến nhiều người lo ngại tiếp diễn tình trạng dư thừa.
Không chỉ tại Bắc Ninh, Hội Môi giới BĐS cũng từng lên tiếng cảnh báo về việc dư thừa nguồn cung hoặc cơ cấu sản phẩm không phù hợp. Ví như tại các tỉnh như Lạng Sơn, Thái Nguyên, lại phát triển mạnh loại hình căn hộ khách sạn condotel, vốn chỉ phù hợp với địa điểm du lịch biển là thiếu hợp lý.
Tình trạng các nhóm các nhà đầu cơ chuyên nghiệp cùng nhau về "đánh sóng" tại các tỉnh để kiếm lời cũng rất phổ biến. Họ lập nên các sàn, văn phòng môi giới, tạo cảnh giao dịch nhộn nhịp, sốt ảo. Một thời gian ngắn nhanh chóng rút đi sau khi đã bán được sản phẩm cho những khách hàng thiếu am hiểu, ôm đất với giá cao ngất ngưởng. Đà Nẵng, Thái Nguyên, Quảng Ninh đều đã có những khách hàng "ôm quả đắng".
Tình trạng bán nhà trên giấy, chưa đủ điều kiện, tính pháp lý chưa rõ ràng cũng diễn ra tràn lan. Chưa kể, cơn bão "dự án ma", tự lập ra các dự án đất nền để chào bán cũng càn quét hàng loạt các tỉnh thành phía Nam đã làm rúng động thị trường BĐS năm 2019. Đây là thách thức trong vấn đề quản lý thị trường BĐS non trẻ tại các địa phương.
Từ thực tế này, các chuyên gia cho rằng cần sớm có hệ thống thông tin về bất động sản chung của cả nước để người dân tiện tra cứu, từ đó mới có thể hạn chế được những rủi ro về dự án ma hay dự án chưa đủ pháp lý vẫn rao bán rầm rộ thời gian qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo