Bất động sản

Bất động sản công nghiệp: Đừng để 'vuột' cơ hội vàng khỏi tầm tay

Để nắm bắt cơ hội vàng này trong thu hút đầu tư thì cần hấp thụ được dòng vốn. Đồng thời, thu hút những dự án có chất lượng và có giá trị lan toả, hướng đến sự phát triển quốc gia như công nghệ cao, chuyển giao công nghệ và giá trị gia tăng của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Giải pháp để sàn giao dịch môi giới BĐS sống sót hậu Covid-19 / Long An: “Vùng đất hứa” cho BĐS công nghiệp lên ngôi

Sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đang nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư.

Phát triển KCN cần đảm bảo bền vững

Tại Diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ II, Ths. Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đến cuối tháng 5/2020, cả nước có 561 KCN bao gồm cả các KCN trong quy hoạch chung xây dựng các KKT có trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng hơn 200.000 ha.

Về định hướng phát triển KCN, ông Trung cho rằng, phát triển về số lượng và quy mô KCN nhưng phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành, không dàn đều theo địa giới hành chính.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) cho rằng, hiệu quả của KCN không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước… mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế và liên kết được giữa các địa phương trong vùng.

Ông Trung nói thêm rằng, phải hình thành hệ thống KCN nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Phát triển hệ thống KCN có quy mô vừa và nhỏ tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, tiến tới cân bằng trong phát triển KCN để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Phạm Minh Phương, Chủ nhiệm CLB ban quản lý các KCN, KKT, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương nhìn nhận, bất động sản KCN Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”. Chính vì vậy, đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt để trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.

Trong thời gian qua, bất động sản KCN của Việt Nam được đánh giá cao bởi ký được nhiều các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA nhưng hiện nay quy mô của nhiều KCN còn nhỏ. Theo ông Phương, để thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì chúng ta cần phải có quỹ đất sạch.

“Bất động sản KCN khác với bất động sản nhà ở bởi phải bỏ vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, khu sản xuất nhưng thu hồi vốn lại nhỏ giọt, gặp áp lực với tỷ lệ lấp đầy”, ông Minh Phương giãi bày.

18-6-BDS-cong-nghiep-6672-1592627166.jpg

Thời cơ vàng để phát triển bất động sản công nghiệp.

Tái cơ cấu để đa dạng hoá

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, để nắm bắt cơ hội vàng này trong thu hút đầu tư thì cần hấp thụ được dòng vốn. Nghị quyết 50 của Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu trong thu hút FDI chính là ra thu hút đầu tư có chọn lọc. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh tái cơ cấu để đa dạng hoá.

Theo định hướng đó, Việt Nam cần thu hút những dự án có chất lượng và có giá trị lan toả, hướng đến sự phát triển quốc gia như công nghệ cao, chuyển giao công nghệ và giá trị gia tăng của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Còn ông Trung cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển KCN, tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch KCN, đổi mới mô hình KCN hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình KCN mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn.

Ở góc độ chuyên gia, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, chúng ta phải đặt ra câu hỏi "Làm gì để nắm bắt cơ hội" này?

 

Hiện nay, chất lượng quản lý KCN ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Thủ tục hành chính quản lý các KCN vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều thủ tục. Việt Nam cần có quy hoạch, cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Chúng ta phải mở cửa hơn nữa thị trường BĐS công nghiệp. Hệ thống pháp luật của chúng ta đã sẵn sàng để đón "đại bàng" chưa? Tôi cho rằng là chưa”, GS. Võ đặt câu hỏi và trả lời.

Việt Nam sẽ phải cung cấp đất sẵn nhưng phải phù hợp và đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư. Bên cạnh đó cần tìm kiếm nguồn nhân lực lành nghề có sẵn hay tập hợp các nguồn lực lao động từ nước ngoài có tay nghề và thiết lập hệ sinh thái (nhà ở công nhân, khu vực văn hoá, logistic ...).

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Dương Nguyên Thành, Phó Chủ tịch Công ty BSM cho rằng, Việt Nam tồn tại một vấn đề, đó là lực lượng lao động địa phương có tay nghề cao còn thiếu. Ngoài sự tương tác, liên kết giữa các chủ đầu tư KCN cần các trường nghề, các chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để nâng cao tay nghề chính thống.

“Trong quá trình đầu tư, thu hút đầu tư, chúng tôi mong muốn các cơ quan chính quyền địa phương hỗ trợ, vào cuộc giải phóng mặt bằng. Cần hỗ trợ trong tương tác giữa các Trường - Địa phương - DN để đào tạo lực lượng quản lý cấp trung, nhân lực lành nghề” ông Thành kỳ vọng.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm