Thị trường BĐS “ngấm đòn” dịch covid-19: Giao dịch giảm sút, giá nhà vẫn tăng?
DNVN - Bất chấp khó khăn vì dịch Covid-19, giá bất động sản trên thị trường sơ cấp không giảm, thậm chí còn tăng. Thế nhưng ở thị trường thứ cấp, đang chứng kiến làn sóng "cắt lỗ", "bán tháo" bất động sản mạnh mẽ từ nhà đầu tư...
Nguồn cung bất động sản “rớt hạng” nghiêm trọng vì dịch Covid-19 / Kêu gọi đầu tư khu phức hợp Đầm Sen thành chung cư, khách sạn, văn phòng
“Ngấm đòn” vì dịch Covid 19, giá bất động sản vẫn tăng
Thị trường trường bất động sản đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đại dịch toàn cầu Covid-19 khi nguồn cung nhà ở và lượng giao dịch sụt giảm mạnh. Mặt khác, tác động của dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến các sàn giao dịch, với khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp…
Theo báo cáo thị trường BĐS Việt Nam quý I/2020 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, đối với phân khúc BĐS nhà ở, trong quý I/2020, tổng lượng căn hộ chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm và lượng giao dịch đạt 7.641 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%. Trong đó, riêng lượng cung mới chào bán là 18.695 sản phẩm và lượng giao dịch đạt 2.769 sản phẩm (chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019).
Ngay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh – 2 thành phố đầu tàu về BĐS nhà ở cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về lượng giao dịch. Cụ thể, tại Hà Nội, quý I/2020 chỉ ghi nhận có 181 giao dịch trên tổng số 1.167 căn hộ được chào bán, trong khi so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ này là 3.141 giao dịch/4.654 căn hộ chào bán.
Tương tự, tại TP. HCM, trong quý I cũng chỉ ghi nhận có 815 giao dịch thành công trên tổng số 4.664 căn hộ chào bán. So với quý I/2019, tỷ lệ này là 2.613 giao dịch/3.040 căn hộ chào bán.
Mặc dù nguồn cung căn hộ và lượng giao dịch giảm sút, song giá bán BĐS không hề có sự sụt giảm so với quý IV/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Thị trường bất động sản “ngấm đòn” dịch Covid 19.
Theo Báo cáo thị trường BĐS quý I/2020 của Bộ Xây dựng, giá chung cư trên địa bàn Hà Nội và TP. HCM không hề giảm, thậm chí tăng nhẹ mặc dù thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do tác động bởi dịch bệnh khiến giao dịch giảm sút.
Cụ thể, tại Hà Nội giá căn hộ chung cư tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019;
Tại TP. HCM giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,50% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn cung bất động sản ít, giao dịch giảm nhưng giá giá không giảm mà tăng là do khan hàng, nhất là phân khúc căn hộ giá rẻ và bình dân. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi giá nhà tăng ở thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam nhận định, do giao dịch không nhiều mà chủ yếu rơi vào thời điểm đầu tháng 1, do vậy thời điểm ấy hầu như không có thay đổi giá.
“Nhu cầu giao dịch ở quý 1 phần lớn ở phân khúc trung cấp và giá rẻ, phân khúc này nguồn cung hiếm nên giá chỉ có thể tăng, chứ không giảm. Còn phân khúc cao cấp giao dịch không nhiều. Nhưng chúng tôi đánh giá, cuối quý này giao dịch sẽ tăng lên do hoạt động thị trường bắt đầu sôi nổi trở lại, nhất là phân khúc nhà trung cấp, có giá hợp lý, phù hợp túi tiền của đại bộ phận người dân thì vẫn được quan tâm”, ông Đính cho hay.
Thị trường thứ cấp loạn thông tin “bán tháo”, “bán cắt lỗ”
Nếu như các doanh nghiệp chưa có động thái giảm giá bán căn hộ thì thời gian qua, trên thị trường thứ cấp, đã xuất hiện hàng loạt thông tin rao “bán gấp”, bán “cắt lỗ” căn hộ chung cư, nhà đất, đất nền, căn hộ condotel… của các nhà đầu tư cá nhân.
Dạo quanh các website về mua bán nhà đất, hay những nhóm bán hàng của môi giới địa ốc trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những mẩu tin rao bán như “cần bát gấp”, “bán cắt lỗ căn hộ do dịch covid 19”, “bán căn hộ giá thấp nhất thị trường mùa dịch”…
Các mẩu tin như rao bán “cắt lỗ” căn hộ tại nhiều dự án như Việt Đức Complex, D'capitale Tân Hoàng Minh… xuất hiện tràn lan.
Kịch bản quen thuộc là các môi giới, “cò đất”, chủ sở hữu thường tự nhận họ chịu bán lỗ hàng trăm triệu đồng vì làm ăn thua lỗ, khó khăn mùa dịch hoặc bán giá gốc để về quê trốn dịch... Tuy nhiên, không phải tin đăng nào cũng đúng sự thật.
Các mẩu tin rao bán cắt lỗ căn hộ tràn lan trên các website mua bán nhà đất.
Trên thực tế, làn sóng cắt lỗ bán căn hộ chung cư và các sản phẩm bất động sản đã từng nhiều lần xuất hiện, mỗi khi các nhà đầu tư nhận thấy những dấu hiệu không mấy tích cực, thiếu lạc quan của thị trường.
Thế nhưng, hiện tượng rao bán “cắt lỗ” bất động sản trong thời gian gần đây cũng đã thể hiện phần nào sự khó khăn trong giao dịch của thị trường, nhất là với những người làm ăn kinh doanh cần dòng tiền, hoặc đầu tư vào bất động sản để cho thuê.
Đây là đối tượng phải rao bán tài sản với giá thấp hơn thị trường để có thể thu hồi vốn, tránh nguy cơ phá sản, đặc biệt là những nhà đầu tư sử dụng “đòn bẩy” tài chính cao.
Theo các chuyên gia, đối với những thông tin “cắt lỗ” sâu, “giảm giá sốc” với mức giảm lên tới hàng trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng thì đây chắc chắn là chiêu trò “câu” khách để đẩy hàng chứ không phải giá bán thực.
Đánh giá về làn sóng bán gấp, bán “cắt lỗ” bất động sản thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nền kinh tế khó khăn chung nên những nhà đầu tư không chuyên, mua sang tay, lướt sóng ngắn hạn, dự trù xoay vòng vốn trong khoảng 6 tháng để kiếm lời thì sẽ bắt buộc phải bán ra.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, nói là giảm giá, "cắt lỗ" do dịch bệnh chưa chắc đã chính xác. Bởi vì, trước đây giá nhà tăng quá cao, nên trong thời điểm này dù có giảm nhưng đó lại là giá trị thật của sản phẩm.
Và để tránh rơi vào "bẫy" của môi giới, người dân có nhu cầu mua nhà ở nên so sánh giá trước và sau khi xảy ra dịch Covid-19.
Hải Lan
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo