Bất động sản

Bất động sản đang... 'miễn dịch' Covid-19?

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù thị trường BĐS đang "sốt" ở nhiều khu vực trong cả nước nhưng sẽ khó xảy ra bong bóng. Đáng chú ý, sự tăng trưởng BĐS của năm nay không ảnh hưởng nhiều từ tình hình dịch Covid-19 như năm 2020.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện chiến lược nhà ở quốc gia / Nghệ An: Dự án nhà ở xã hội ở Hưng Lộc có phải là đối tượng tranh chấp với cá nhân, tổ chức khác?

6-4-Bat-dong-san-6603-1617699365.jpg

Thị trường BĐS quý I/2021 tăng bất chấp Covid-19 (Ảnh: VnBusiness)

Theo đánh giá của kênh thông tin batdongsan.com.vn, mặc dù là quý đầu năm , ngay sau Tết Nguyên đán, đồng thời làn sóng Covid-19 lần thứ 3 ập tới, nhưng mức độ quan tâm tới BĐS vẫn được đánh giá là cao nhất trong nhiều năm qua.

Lượng quan tâm tăng bất chấp Covid - 19

Liên quan đến thị trường BĐS xung quanh Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vncho hay,quý I/2021 lượng tin đăng giảm 15%, lượng quan tâm tăng 37%,sức nóng của BĐS khu vực phía Bắc tăng cao ở nhiều nơi, có những khu vực tăng 50%. Mặt bằng giá càng gần trung tâm mức giá càng cao và càng xa mức giá càng thấp.

Về mức độ quan tâm quý I/2021 so với quý IV/2020, tại thị trường Thái Nguyên tăng 50%, Ba Vì tăng 33%, Bắc Ninh tăng 28%, Bắc Giang 37%, Hải Dương 19%, Hải Phòng 6%, Hoà Bình 35%, Quốc Oai 32%.

Giá rao bán đất tăng khắp các tỉnh lân cận Hà Nội, so với quý IV/2020, tốc độ tăng giá quý I/2021 của các khu vực như Thái Nguyên tăng 15%, Ba Vì 76%, Bắc Ninh 10%, Hoà Bình 102%, Hưng Yên 26%, Quốc Oai 20%.

Trong khi đó, tại miền Trung, mức độ quan tâm của các tỉnh lân cận Đà Nẵng tăng trong quý I/2021, nếu như khu vực trung tâm trong bán kính 30km tăng 32%, Hội An 39%; thì khu vực bán kính cách 80km như Huế tăng 45%, Tam Kỳ 39%. Tốc độ tăng giá rao bán đất tại Đà Nẵng 7%, Huế 19%, Tam Kỳ 30%.

Tại phía Nam, mức độ quan tâm của các tỉnh lân cận TP. HCM tăng mạnh trong quý I/2021 so với quý IV/2020. Đơn cử như huyện Cần Giờ tăng 81%, Dầu Tiếng 32%, Tân Uyên 7%, Củ Chi 36%, Nhơn Trạch 35%, Nhà Bè 25%… Tỉ lệ tăng giá rao bán đất tại khu vực xung quanh TP. HCM cũng có sự tăng trưởng tốt: Nhơn Trạch 15%, Nhà Bè 16%, Cần Giờ 23%, Tân Uyên 7%, Dầu Tiếng 16%...

Phân tích về lượng nhà đầu tư quan tâm thị trường quý I/2021 tăng, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, lượng quan tâm tới BĐS của người Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các yếu tố khác. Điều này cho thấy thị trường bền vững và “miễn dịch” đối với Covid-19.

Đơn cử, tháng 4/2020, ở đợt Covid-19 lần thứ nhất, lượng quan tâm chỉ đạt gần 3 triệu lượt người quan tâm. Tháng 8/2020, đợt Covid-19 lần thứ 2 số lượng người quan tâm chỉ còn hơn 3,8 triệu người, thì đến Covid-19 lần thứ 3, tức tháng 2-3/2021 số lượt người quan tâm lên gần 7 triệu người, tăng 378% so với trước Tết nguyên đán.

“Điều này cho thấy, những yếu tố ngắn hạn không ảnh hưởng đến thị trường BĐS, lượng quan tâm của khách hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mà bản chất thị trường Việt Nam chỉ xoay quanh vàng, chứng khoán, bất động sản”, ông Quốc Anh nói.

Khó xảy ra bong bóng

Trước câu hỏi thị trường BĐS hiện tại liệu có khác giai đoạn 2006-2009? Ông Quốc Anh phân tích, ở giai đoạn trước năm 2006, thị trường BĐS đóng băng dài hạn vì Chính phủ hạn chế giao dịch phân lô bán nền. Do đó, năm 2006 dòng tiền đã chuyển sang chứng khoán mạnh mẽ.

Cuối năm 2007, khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh thì dòng vốn dịch chuyển dần sang BĐS. Những từ khoá “quy hoạch” tăng lên mạnh, đồng thời thị trường BĐS cũng ấm lên. Năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường BĐS xuất hiện nợ xấu. Đến cuối năm 2008-2009 thị trường BĐS đóng băng, thanh khoản thị trường suy giảm mạnh.

Còn ở giai đoạn năm 2020, thế giới đang trải qua suy thoái lớn về kinh tế, đa phần các nền kinh tế có sự tăng trưởng âm, làm cho lượng thanh khoản BĐS giảm, dòng tiền chuyển sang chứng khoán nhiều.

Bước sang năm 2021, thị trường chứng khoán đã vượt đỉnh, các nền kinh tế dần hồi phục, nhiều khu vực quy hoạch được tung thông tin ra, những từ khoá liên quan đến “Quy hoạch” nhiều, thanh khoản thị trường tăng, nhiều nơi xuất hiện sốt đất.

“Một điểm chung giữa hai thời kỳ đó là sóng chứng khoán trước, sóng BĐS đến sau. Thông tin quy hoạch được tung ra đồng nghĩa với lượng tìm kiếm tăng và thanh khoản tăng. Tuy nhiên, thị trường BĐS có bong bóng như năm 2008 không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là vấn đề kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Về vấn đề thị trường BĐS có xảy ra bong bóng hay không, ông Vũ Đức Ngọc, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Kosy đánh giá, hiện nay lượng người mua BĐS tăng đột biến, lãi suất các ngân hàng cho vay giảm, mục đích là hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất; lãi suất huy động thấp đã dẫn tới khách hàng gửi tiền rút khỏi ngân hàng đầu tư BĐS. Hơn nữa, thị trường tín dụng cho BĐS không được Chính phủ khuyến khích.

“Tăng trưởng là có, nhưng bong bóng BĐS sẽ không có. Những dự án bán trong thời điểm này là những dự án tốt mới có tăng trưởng. Nhà đầu tư yên tâm, lạc quan thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm tới”, ông Ngọc nói.

Đại diện công ty BĐS Thiên Khôi cho rằng, BĐS tăng được hình thành từ hai yếu tố là nhu cầu (đô thị hoá, an sinh xã hội) và dòng tiền. Đang có sự dôi dư về dòng tiền, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng bền vững, tốt hơn nhiều nước trên thế giới… nên sẽ hút dòng tiền trong nước và nước ngoài vào BĐS. Do vậy, vị đại diện này cho rằng thị trường BĐS khó có thể xảy ra bong bóng.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm